(HNMO) - Sáng nay (6-3), đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội có cuộc làm việc với Huyện uỷ Đông Anh về tình hình thực hiện các nhiệm vụ chính trị năm 2016, nhiệm vụ trọng tâm năm 2017.
Cùng dự cuộc làm việc có Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn; lãnh đạo một số sở, ban, ngành thành phố.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Viết Thành. |
Đề nghị Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư 11 dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đất đấu giá
Báo cáo đồng chí Bí thư Thành uỷ, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên cho biết, năm 2016, huyện đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, duy trì tăng trưởng kinh tế. Giá trị sản xuất các ngành kinh tế trên địa bàn đạt trên 105.764 tỷ đồng, tăng 10,1%; khu vực huyện quản lý đạt trên 24.954 tỷ đồng, tăng 10,4%; tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Nông nghiệp phát triển tích cực, cơ giới hoá được đẩy mạnh; năng suất cây trồng, vật nuôi đều tăng cao. Đặc biệt, Đông Anh là huyện thứ hai của Hà Nội và là một trong 28 huyện đầu tiên của cả nước được công nhận là huyện nông thôn mới. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt khoảng 1.182 tỷ đồng, bằng 127,0% dự toán thành phố giao.
Tuy nhiên, Huyện uỷ Đông Anh cũng chỉ rõ những hạn chế, tồn tại như: Tình hình sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, tình trạng doanh nghiệp nợ đọng tiền thuế, tiền thuê đất và nợ đọng BHXH tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao. Quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng còn một số yếu kém như: Việc xử lý, giải quyết một số vi phạm tòn tại cũ còn chậm, thiếu dứt điểm; vi phạm mới còn xảy ra; việc phát hiện, xử lý một số vi phạm chưa kịp thời từ cơ sở; công tác quản lý đất nông nghiệp khó giao (đất công ngoài quỹ đất công ích 5%) hiệu quả còn thấp.
Huyện uỷ Đông Anh chỉ rõ, nguyên nhân cơ bản nhất là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong triển khai thực hiện của một số đơn vị ở một số lĩnh vực còn chưa thực sự quyết liệt; còn tình trạng đùn đẩy, né tránh những việc khó khăn, phức tạp. Sự phối kết hợp ở một số đơn vị trong một số việc còn chưa chặt chẽ; việc thực hiện kỷ cương hành chính chưa cao; công tác kiểm tra, giám sát chưa thực sự được duy trì quyết liệt...
Năm 2017, Huyện uỷ Đông Anh xác định, tập trung chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác cán bộ, sắp xếp bộ máy các cơ quan, đơn vị theo các quyết định của trung ương, thành phố; quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, hiệu quả hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, thu chi ngân sách; tăng cường quản lý đất đai, TTXD, GPMB, duy trì và nâng cao tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính...
Tại cuộc làm việc, đại diện lãnh đạo Huyện uỷ Đông Anh đã nêu 7 kiến nghị. Trong đó, đáng chú ý, huyện kiến nghị thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư 11 dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đấu giá quyền sử dụng đất để có vốn đấu tư các dự án hạ tầng giao thông trong 4 năm tới. Trong đó, có những dự án đường giao thông quan trọng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương như: Tuyến đường từ đường Cao Lỗ đến khu công nghiệp Đông Anh; tuyến đường nối từ Quốc lộ 3 cũ qua khu công nghiệp Đông Anh đến Quốc lộ 3 mới; tuyến đường nối từ Quốc lộ 5 kéo dài qua khu di tích Cổ Loa đến khu công nghiệp Đông Anh; tuyến đường nối từ Quốc lộ 4 đến Nhà hoả táng Đông Anh (men theo đê hữu sông Cà Lồ); tuyến đường từ ngã tư Nguyên Khê (Quốc lộ 3 cũ) nối với đường Bệnh viện Đông Anh - Đền Sái tại ngã ba Kim.
Tổng mức đầu tư các tuyến đường nêu trên là khoảng 3.802 tỷ đồng. Huyên Đông Anh khẳng định đã tính toán kỹ lượng nguồn lực đầu tư các dự án nêu trên, trong đó một phần quan trọng là huy động vốn từ đấu giá đất. Ngoài việc kiến nghị thành phố xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư 11 dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đất đấu giá, huyện cũng kiến nghị được thực hiện theo phương thức vừa đầu tư, vừa khai thác để sớm thu hồi và tạo nguồn vốn.
Ngoài vấn đề nêu trên, Huyện uỷ Đông Anh kiến nghị thành phố chấp thuận chủ trương cho huyện nghiên cứu, lập dự án đầu tư hoặc lựa chọn nhà đầu tư xây dựng tiếp 4 cụm sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp tập trung theo quy hoạch ở các xã: Thuỵ Lâm, Vân Hà, Liên Hà, Dục Tú. Huyện cũng đề nghị thành phố sớm cho nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 1/500 trước hết là vùng lõi Khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa để có cơ sở lập dự án đầu tư, kêu gọi xã hội hoá đầu tư vào việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của Khu di tích. Thành phố sớm đầu tư xây dựng Đền thờ Ngô Quyền tại Cổ Loa.
Đông Anh phải duy trì vị trí một trong những huyện phát triển đứng đầu thành phố
Sau khi nghe báo cáo của huyện và ý kiến trao đổi, giải đáp của lãnh đạo HĐND, UBND thành phố, các sở, ban, ngành, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá, năm 2016 và từ đầu năm 2017 đến nay, Huyện uỷ Đông Anh đã chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị một cách khẩn trương, quyết liệt, đạt được kết quả toàn diện. Bí thư Thành ủy yêu cầu huyện Đông Anh tiếp tục phát huy ưu điểm, duy trì vị trí một trong những huyện phát triển đứng đầu thành phố. Trong đó, huyện phải thường xuyên đánh giá các yếu tố đô thị hoá để bảo đảm quá trình đô thị hoá đồng bộ, không bị hẫng hụt. Nếu huyện dự định năm 2023 trở thành quận thì phải giải quyết được bài toàn chuyển dịch cơ cấu kinh tế, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là cho các xã đạt nông thôn mới hiện nay, từ đó có bước đi cụ thể cho từng giai đoạn, giảm được chi phí đầu tư.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng đồng tình cao với các kiến nghị của Huyện uỷ Đông Anh, trong đó có kiến nghị về 11 dự án hạ tầng các khu đất đấu giá. Bí thư Thành uỷ đề nghị huyện phối hợp với các sở, ngành liên quan báo cáo Chủ tịch UBND thành phố quyết định sớm về các dự án này.
Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội, số lượng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn và số lượng DN thành lập mới trong năm qua tại Đông Anh chưa cao. Vì vậy, huyện cần chú trọng làm tốt hơn nữa cải cách hành chính, tạo ra mảnh “đất lành” để các DN tin tưởng đến đầu tư. Muốn làm được điều đó, huyện phải tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và nhân dân. Bởi vì DN sẽ nhìn vào ứng xử của cấp uỷ, chính quyền và người dân trước khi quyết định. Nếu họ thấy tin tưởng, thấy tương lai có sự ổn định và phát triển thuận lợi thì họ sẽ đầu tư.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng lưu ý, Huyện uỷ Đông Anh cần chú trọng công tác quản lý các khu, cụm công nghiệp; nhất là phải kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng, thường xuyên giải quyết những vướng mắc, kiến nghị của đội ngũ công nhân, lao động trên địa bàn; bảo đảm vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đồng chí mong muốn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đông Anh đoàn kết, nhất trí, phát huy bản sắc tốt đẹp của huyện, của Thủ đô văn hiến - anh hùng, “Thành phố Vì hoà bình”, xây dựng đời sống văn hoá, văn minh, nâng cao ý thức giữa gìn môi trường sống xanh - sạch - đẹp. Trong đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải đi đầu làm gương.
* Trước khi làm việc với lãnh đạo Huyện ủy Đông Anh, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải cùng đoàn công tác đã trực tiếp đi tìm hiểu tình hình sản xuất tại làng nghề gỗ Vân Hà, xã Vân Hà, huyện Đông Anh. Đồng chí Bí thư Thành ủy đánh giá cao sự năng động, sáng tạo của người dân trong sản xuất, kinh doanh; bước đầu đã đưa sản phẩm làng nghề ra thị trường nước ngoài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.