Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đơn vị nào buông lỏng quản lý phòng dịch, thành phố sẽ kiểm điểm người đứng đầu

Hoàng Lân - Ảnh: Viết Thành| 14/08/2020 18:00

(HNMO) - Chiều 14-8, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo theo hình thức trực tuyến với các quận, huyện, thị xã.

Quang cảnh cuộc họp Ban Chỉ đạo chiều 14-8.

Hai ngày Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, trong hai ngày vừa qua, Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới. Từ ngày 25-7 đến nay, Hà Nội có 30 ca mắc (chưa có ca tử vong), trong đó có 8 ca ngoài cộng đồng, 22 ca từ bên ngoài đã được cách ly ngay khi nhập cảnh. Hiện, thành phố đã rà soát được 528 trường hợp F1, đưa đi cách ly và lấy mẫu xét nghiệm cho 100% trường hợp F1, qua đó ghi nhận 527 trường hợp âm tính, 1 trường hợp dương tính là bệnh nhân (BN) 752; đồng thời rà soát được 2.901 trường hợp F2. 

Qua công tác kiểm tra, rà soát, toàn thành phố khoanh vùng hơn 100.000 người đi Đà Nẵng về từ đầu tháng 7 đến nay, trong đó có 77.150 người trở về từ ngày 15-7. Về công tác xét nghiệm, từ chiều 8-8, các địa phương đã triển khai lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR cho những người từ Đà Nẵng trở về trong khoảng thời gian từ ngày 15 đến 29-7. Kết quả, đến 14h ngày 14-8, Hà Nội đã lấy được hơn 26.000 mẫu, đã có kết quả 18.423 mẫu đều âm tính. Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã xét nghiệm cho 1.024 người thuộc nhóm nguy cơ cao, trong đó có 820 người có biểu hiện sốt, ho, khó thở, kết quả có 1.023 trường hợp âm tính, chỉ có 1 trường hợp dương tính là BN752 tại huyện Phúc Thọ. 

Công tác tổ chức cách ly tiếp tục được quan tâm. Hà Nội đang quản lý cách ly tập trung 2.008 người (1.675 người đang cách ly tại các khu cách ly tập trung, còn lại cách ly tại khách sạn, cách ly tổ bay...). Từ ngày 12-8 đến nay, Hà Nội đã tiếp nhận 848 trường hợp người từ Đà Nẵng trở về, hiện đang được cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô (thị xã Sơn Tây).

Theo ông Hoàng Đức Hạnh, từ ngày 13-8, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đã làm việc với Sở Y tế, Sở Tài chính về công tác mua sắm vật tư, trang thiết bị đáp ứng công tác phòng, chống dịch. Các bệnh viện đã thực hiện nghiêm việc phân luồng công tác khám, chữa bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. 

Dự báo về tình hình dịch, ông Hoàng Đức Hạnh cho rằng, diễn biến dịch trên thế giới và Việt Nam đang phức tạp. Đặc biệt, chùm ca bệnh tại Hải Dương liên quan đến BN867 (có thể lây nhiễm từ Hải Dương trước khi lên Hà Nội) có lịch trình phức tạp, nên có thể trong thời gian tới xuất hiện thêm các ca mắc mới tại cộng đồng. Vì thế, Sở Y tế đề nghị cần khẩn trương thực hiện lấy mẫu RT-PCR cho những người từ Đà Nẵng về từ ngày 15-7; khẩn trương truy vết những trường hợp F1, F2, thực hiện cách ly theo quy định...

Kiểm soát các ổ dịch trên địa bàn thành phố

Về việc kiểm soát các ổ dịch trên địa bàn thành phố, lãnh đạo UBND huyện Thanh Trì cho biết, liên quan đến BN867, huyện đã rà soát được 14 trường hợp F1, 114 trường hợp F2, đã lấy mẫu xét nghiệm, đều cho kết quả âm tính. Ngoài ra, huyện rà soát được 3.769 người đi từ Đà Nẵng về, hiện còn 11 trường hợp đi Đà Nẵng về chưa đủ 14 ngày, đang tự cách ly. Huyện đã lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR cho 564 trường hợp; xử phạt 8 trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng với số tiền 1,6 triệu đồng.

Huyện Hoài Đức cho biết, liên quan đến các ca bệnh, huyện rà soát được 52 trường hợp F1, 386 trường hợp F2, đã lấy mẫu xét nghiệm, có kết quả âm tính và đang thực hiện cách ly theo quy định. Liên quan đến BN867, huyện Hoài Đức rà soát có 2 trường hợp đến nhà hàng Lộc Vừng, hiện đang cách ly theo dõi sức khoẻ tại nhà. 

Huyện Phúc Thọ thông tin đã rà soát được 8 trường hợp F1, 118 trường hợp F2 liên quan đến các ca bệnh và các trường hợp đi Đà Nẵng về có triệu chứng sốt, ho, tất cả đã được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả âm tính. 

Tại địa bàn có các ổ dịch khác, các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Tây Hồ… cho biết, đã nghiêm túc rà soát các trường hợp liên quan đến ca bệnh, tổ chức cách ly đúng quy định. Đến nay, các mẫu xét nghiệm RT-PCR đều cho kết quả âm tính. Các địa phương cũng bắt đầu thực hiện xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng. 

Liên quan đến các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể thao, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, Sở nghiêm túc thực hiện tạm dừng các hoạt động karaoke, thể thao đông người, nhiều nhà hát tạm dừng hoạt động… Tuy nhiên, bà Trần Thị Vân Anh cũng cho biết, hiện nay, nhiều đơn vị đang gặp khó khăn, đặc biệt trong khối di sản, biểu diễn nghệ thuật, các nghệ sĩ, diễn viên… Dự báo, từ nay đến cuối năm, số lượng khách du lịch đến các điểm di sản, di tích và các nhà hát biểu diễn nghệ thuật sẽ rất ít. Tuy nhiên, các đơn vị vẫn đang chủ động, sẵn sàng chuẩn bị các hoạt động để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ thành phố giao. 

Về việc kiểm tra công tác phòng dịch tại các bệnh viện, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà thông tin, Sở Y tế thành lập 4 đoàn kiểm tra tại các bệnh viện. Qua kiểm tra, Sở ghi nhận, về cơ bản, một số bệnh viện đã bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, vẫn có một số bệnh viện chưa có hệ thống biển báo hay có giải pháp phân luồng theo quy định của Bộ Y tế, là: Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Thận Hà Nội, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, từ ngày 14-8, thành phố tiếp tục có đoàn kiểm tra tại các bệnh viện, đề nghị các bệnh viện nghiêm túc thực hiện đúng quy trình khám, chữa bệnh. Ông Nguyễn Khắc Hiền đề nghị nhân dân cần nghiêm túc thực hiện chống dịch, hạn chế ra ngoài, phải đeo khẩu trang tại nơi công cộng. 

Các cơ sở y tế không làm tốt công tác phòng dịch có thể bị đình chỉ

Kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, trên địa bàn có 2 ca dương tính đáng quan tâm là BN867 (nhiều khả năng lây nhiễm tại Hải Dương) và ca dương tính của một cán bộ sang Nhật (xét nghiệm nhanh tại Nhật là dương tính nhưng khi xét nghiệm RT-PCR lần 1 đã cho kết quả âm tính). Tuy nhiên, đến nay, hai ca bệnh này đã rõ lịch sử dịch tễ, là cơ sở để Hà Nội có những phân tích rõ ràng hơn về nguồn lây và nguy cơ tại Hà Nội.

Từ ngày 26-7 đến nay, Hà Nội có 5 ổ dịch, các địa phương đã tiến hành truy vết các trường hợp F1, F2, thực hiện cách ly theo đúng quy định. Hà Nội đang tập trung thực hiện xét nghiệm RT-PCR cho các trường hợp từ Đà Nẵng về từ ngày 15-7, dự kiến sang tuần sau sẽ hoàn thành.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu chỉ đạo.

Tuy nhiên, đồng chí Ngô Văn Quý cho rằng, Hà Nội đã xuất hiện ca thứ phát và có những ca bệnh không rõ triệu chứng, vì thế dự báo thời gian tới, Hà Nội có thể vẫn có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Do đó, thành phố Hà Nội vẫn khuyến cáo các địa phương, đơn vị, tuyên truyền người dân phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Không tụ tập đông quá 30 người tại nơi công cộng; giữ khoảng cách an toàn tối thiểu 1m. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ phải có phương án, thực hiện phòng, chống dịch. 

Ngoài ra, thành phố yêu cầu, với các sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế, xã hội cần thiết phải tổ chức họp thì cần phải bảo đảm phòng, chống dịch, như đeo khẩu trang, sử dụng dung dịch sát khuẩn tay, đo thân nhiệt... Các quận, huyện, thị xã phải thành lập và duy trì tổ giám sát, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm túc chủ trương phòng, chống dịch của thành phố.

Ngoài những yêu cầu nêu trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cũng đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm.

Đó là xử lý triệt để các ổ dịch; tiếp tục rà soát, truy vết quản lý các trường hợp F1, F2; tăng cường kiểm tra các cơ sở y tế trong việc thực hiện quy định phòng, chống dịch, tổ chức phân luồng khám chữa bệnh. "Đơn vị nào buông lỏng quản lý, thành phố sẽ kiểm điểm người đứng đầu. Thời gian tới, thành phố tiếp tục có đoàn kiểm tra các bệnh viện, cơ sở y tế về vấn đề này. Cơ sở nào không bảo đảm an toàn thì có thể sẽ bị đình chỉ hoạt động", đồng chí Ngô Văn Quý nói.

Về việc mua sắm vật tư, trang thiết bị thiết yếu cho công tác phòng, chống dịch, đồng chí Ngô Văn Quý cho biết, từ nay đến ngày 31-12, thành phố vẫn tiếp tục duy trì công tác phòng, chống dịch, vì vậy việc mua các vật tư, trang thiết bị thiết yếu phải triển khai ngay, bắt đầu từ đầu tuần sau. 

Ngoài ra, đồng chí Ngô Văn Quý yêu cầu các địa phương ngoài việc lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR cho các trường hợp từ Đà Nẵng về cũng cần nghiên cứu xét nghiệm thêm những đối tượng khác (những trường hợp sốt, ho, khó, thở) để sàng lọc thêm các nguy cơ theo đúng yêu cầu của Bộ Y tế. Sở Ngoại vụ cần bố trí thêm phiên dịch tại các khu cách ly tập trung để giúp các đơn vị quản lý người nước ngoài đang cách ly tại đây. Sở Thông tin và Truyền thông cần tăng cường tuyên truyền đến người dân các biện pháp chống dịch mà thành phố đang triển khai...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đơn vị nào buông lỏng quản lý phòng dịch, thành phố sẽ kiểm điểm người đứng đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.