Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dồn sức... đưa huyện lên quận

Dạ Khánh| 10/05/2023 06:43

(HNM) - Tại Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025”, thành phố Hà Nội đặt chỉ tiêu “Hoàn thành đề án đầu tư, xây dựng huyện thành quận đến năm 2025 đối với 5 huyện: Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng”. Đến nay, một số huyện trong 5 huyện trên đã gần “về đích”. Hà Nội đang dồn sức, đặt mục tiêu hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ đề án đưa 2 huyện lên quận trong quý IV-2023.

Hạ tầng giao thông đồng bộ tại thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm). Ảnh: Nguyễn Quang

Tích cực, chủ động

Triển khai đề án đầu tư, xây dựng 5 huyện thành quận, Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU cho biết, các sở, ngành đã tích cực hướng dẫn các huyện rà soát, đánh giá các tiêu chí; tham mưu đề xuất UBND thành phố các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Các huyện cũng chủ động xây dựng các giải pháp, huy động nguồn lực, cân đối ngân sách để thực hiện các dự án, sớm hoàn thành tiêu chí.

Là một trong những huyện lên quận, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học cho biết, Huyện ủy đã ban hành Chương trình số 13 về phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, môi trường xanh - sạch - đẹp, đáp ứng yêu cầu thành lập quận kèm theo các kế hoạch, đề án, phương án triển khai. Đến nay, huyện đã đạt 29/31 tiêu chí.

Tương tự, huyện Đông Anh cũng chủ động rà soát, xây dựng và ban hành 15 đề án thành phần; trong đó quy hoạch được xác định đi trước một bước, hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống giao thông khung, giao thông kết nối được tập trung phát triển, nhằm thúc đẩy kinh tế;...

Tại huyện Hoài Đức, việc đầu tư xây dựng huyện thành quận là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Huyện đã chủ động triển khai nhiều dự án, công trình thiết yếu, phục vụ dân sinh như: Trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, giao thông, chiếu sáng, tiêu thoát nước, cây xanh, cải tạo các di tích,...; tăng cường kết nối hạ tầng các khu dân cư với các khu đô thị,...

Về kết quả cụ thể, đến nay, huyện Đông Anh đang dẫn đầu khi đã đạt 30/31 tiêu chí; tiếp theo là huyện Gia Lâm đạt 29/31 tiêu chí; các huyện Hoài Đức, Thanh Trì cùng đạt 25/31 tiêu chí, cuối cùng là huyện Đan Phượng đạt 21/31 tiêu chí.

Tiếp tục tháo gỡ, hoàn thành các tiêu chí

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU, việc triển khai đề án hiện đang còn một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, 4 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Đan Phượng, Hoài Đức vẫn còn một phần là khu vực nông thôn (nằm ngoài phạm vi phát triển đô thị). Ngoài ra, theo báo cáo của các huyện, đến nay còn 8 tiêu chí do 6 sở, ngành phụ trách đang vướng mắc trong việc xác định phương pháp tính toán và đang xin ý kiến hướng dẫn của bộ, ngành chủ quản.

Chia sẻ về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, lãnh đạo UBND huyện Gia Lâm cho hay, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, huyện mới có khoảng 60% diện tích được quy hoạch xây dựng đô thị, chưa bảo đảm điều kiện thành lập quận, vì vậy cần phải điều chỉnh. Còn theo lãnh đạo huyện Hoài Đức, theo quy định đối với phường, dân số tối thiểu là 15.000 người, diện tích tối thiểu 5,5km2; nếu chuyển nguyên trạng từ xã thành phường thì diện tích phải đạt 50% tiêu chuẩn. Đối chiếu quy định trên, dự kiến năm 2024 huyện có 8 xã đáp ứng tiêu chí; 9 xã không đáp ứng về dân số, phải có giải pháp gia tăng dân số hoặc thực hiện sáp nhập, chia tách; 3 xã không đạt cả chỉ tiêu về dân số và diện tích, phải có lộ trình sáp nhập đơn vị hành chính...

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án, UBND thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung công việc tiếp theo: Xác định các nội dung công việc, yêu cầu về tiến độ thời gian; phân công nhiệm vụ và tiến độ cụ thể cho các sở, ngành, UBND 5 huyện và các đơn vị có liên quan để chủ động triển khai bảo đảm đúng tiến độ. Trong đó, thành phố xác định mốc thời gian 2 huyện Đông Anh, Gia Lâm hoàn thiện hồ sơ, đề án, báo cáo UBND thành phố trong tháng 6-2023; trình HĐND thành phố thông qua chủ trương trong tháng 7-2023; hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ trong quý IV-2023. Với 3 huyện còn lại, hoàn thiện hồ sơ, báo cáo UBND thành phố trong quý II-2024; trình HĐND thành phố thông qua trong quý II-2024; hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ trong năm 2025.

Lãnh đạo UBND thành phố cũng giao các sở, ngành tiếp tục hướng dẫn, đánh giá đối với từng tiêu chí theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; báo cáo bộ, ngành tháo gỡ vướng mắc, chưa quy định rõ ràng. Các huyện và sở, ngành rà soát, đánh giá các tiêu chí; có giải pháp để đạt các tiêu chí chưa hoàn thành;...

Xác định quyết liệt triển khai các giải pháp để hoàn thành tiêu chuẩn chưa đạt, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho hay, hiện huyện chưa đạt tiêu chuẩn trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Theo đó, huyện đang đầu tư để đạt chuẩn mức độ 1 đối với 2 trường: Trung học phổ thông Đông Anh (dự kiến đạt chuẩn năm 2023, đã có dự án của thành phố) và Trung học phổ thông Vân Nội (UBND huyện đã giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện); đồng thời đầu tư nâng chuẩn mức độ 2 đối với Trường Trung học phổ thông Liên Hà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dồn sức... đưa huyện lên quận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.