Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dồn lực, quyết tâm tổ chức thi tốt nghiệp an toàn

Thống Nhất| 28/06/2022 17:23

(HNMO) - Hơn 1 tuần nữa, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022. Dù là kỳ thi thường niên, song với quy mô diễn ra trên diện rộng, số lượng thí sinh dự thi đông, ngành Giáo dục đang tích cực dồn lực để chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, quyết tâm tổ chức kỳ thi an toàn, chất lượng, là một trong những căn cứ tin cậy để các cơ sở giáo dục đại học sử dụng để xét tuyển.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 tại Hà Nội. 

Chuẩn bị kỹ các điều kiện 

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 sẽ diễn ra trong các ngày 7 và 8-7. Ngay sau khi kết thúc năm học 2021-2022, ngành Giáo dục đã triển khai các phần việc với tinh thần khẩn trương, tích cực. Nắm chắc quy chế, chuẩn bị kỹ điều kiện, kiểm soát tình hình và giải quyết tốt tình thế là các “từ khóa” quan trọng, được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, Trưởng ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2022 quán triệt đến tất cả địa phương. 

Xác định sự chung sức của cả hệ thống chính trị có vai trò quan trọng trong việc tổ chức kỳ thi thành công về mọi mặt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phối hợp tổ chức kỳ thi, trong đó đề nghị quán triệt Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; triển khai phương án tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, trung thực, khách quan; có phương án dự phòng để xử lý các tình huống bất thường. 

Ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, chuẩn bị ra đề thi được thực hiện theo các quy định tại quy chế và bảo đảm an toàn, bảo mật. Nội dung đề thi nằm trong chương trình trung học phổ thông, chủ yếu ở lớp 12. Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch Covid-19 ở ba năm học gần đây (2019-2020, 2020-2021 và 2021-2022) sẽ không được đưa vào đề thi năm nay.

Tại Hà Nội, thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, 181 điểm thi chính thức với hơn 4.000 phòng thi đã được kiểm tra toàn diện, đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn và an ninh, an toàn. Nhằm chủ động ứng phó với diễn biến của dịch Covid-19 và các tình huống phát sinh, 60 điểm thi dự phòng cũng đã được bố trí với đầy đủ các điều kiện theo quy định. 

Thời điểm này, các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố đã hoàn thành việc trả giấy báo dự thi cho tất cả thí sinh. Em Trần Nguyễn Thu Trang, học sinh lớp 12D8, Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy cho biết: “Chúng em đã được học quy chế thi và những quy định có liên quan để tránh bị phạm quy trong quá trình dự thi; đồng thời, được thầy, cô giáo lưu ý, đây là thời điểm quan trọng, ngoài việc đã sẵn sàng về kiến thức, kỹ năng thì cần giữ gìn sức khỏe và tinh thần thật tốt”. 

Quan tâm khâu lựa chọn nhân sự 

Một trong những lưu ý quan trọng của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các sở giáo dục và đào tạo trong công tác chuẩn bị là coi trọng việc lựa chọn nhân sự tham gia tổ chức kỳ thi ở tất cả các khâu. Yêu cầu bắt buộc đối với các thành viên là phải nắm vững quy chế, tuyệt đối không giao nhiệm vụ cho những người không đủ điều kiện. 

Để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, khách quan, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã điều động khoảng 7.000 cán bộ, giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học làm nhiệm vụ kiểm tra công tác coi thi tại các địa phương. Lực lượng này cũng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định và phải được tập huấn, nắm vững quy chế thi. 

Là địa phương có số lượng thí sinh đăng ký dự thi chiếm gần 1/10 trong tổng số thí sinh của cả nước (gần 98.000 em), khâu lựa chọn nhân sự trực tiếp tham gia công tác coi thi được thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm. Toàn thành phố có gần 12.000 cán bộ, giáo viên được điều động tham gia công tác coi thi tại các điểm thi (bao gồm hơn 8.100 cán bộ, giáo viên coi thi, gần 2.300 cán bộ giám sát...). Ngoài ra, Hà Nội còn điều động hơn 2.700 người làm nhiệm vụ phục vụ, bảo vệ các điểm thi. Hầu hết cán bộ, giáo viên đã được học tập quy chế khi tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông năm học 2022-2023 vừa diễn ra vào ngày 18 và 19-6. 

Là một trong số các hiệu trưởng được giao nhiệm vụ làm Trưởng điểm thi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua, ông Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) khẳng định: “Dù là công việc thường niên, hầu hết nội dung của quy chế thi năm nay vẫn giữ ổn định, nhưng thí sinh dự thi mỗi năm khác nhau, nên các nhà trường luôn cố gắng ở mức cao nhất để thực hiện nhiệm vụ. Một trong những việc quan trọng là tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường học tập, nắm vững quy chế thi để thực hiện đúng, đầy đủ, tuyệt đối không chủ quan ở bất kỳ vị trí, phần việc nào”. 

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Hà Nội đã xây dựng phương án dự phòng để chủ động ứng phó với dịch Covid-19 và các tình huống phát sinh. Các thí sinh thuộc diện F0 được xét đặc cách tốt nghiệp theo đúng hướng dẫn. Các điểm thi cũng đã chủ động chuẩn bị các điều kiện bảo đảm an toàn để thí sinh diện F0 có thể tham dự kỳ thi nếu có nguyện vọng. Công tác chuẩn bị cho kỳ thi đang được khẩn trương triển khai với quyết tâm tổ chức kỳ thi an toàn, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh. 

Nhấn mạnh vai trò của khâu lựa chọn nhân sự tham gia tổ chức kỳ thi, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ lưu ý các địa phương chọn đúng người, giao đúng việc, kiểm tra thường xuyên và tổ chức học tập quy chế thi nghiêm túc. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và sẽ tiếp tục trực tiếp đi kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tại địa phương để bảo đảm kỳ thi được tổ chức an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan và chất lượng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dồn lực, quyết tâm tổ chức thi tốt nghiệp an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.