(HNM) - Cho đến tối qua (16-7), bão số 1 mang tên Côn Sơn tiếp tục có diễn biến bất thường với tốc độ di chuyển khá nhanh, đường đi phức tạp báo hiệu khi đổ bộ vào đất liền mức độ ảnh hưởng sẽ rất khốc liệt.
* Thủ tướng chỉ đạo: Di dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đưa tàu thuyền về nơi an toàn
* Đã có những thiệt hại đầu tiên ở ngoài khơi
* Diễn biến bão bất thường, có thể gây mưa lớn trong đất liền
(HNM) - Cho đến tối qua (16-7), bão số 1 mang tên Côn Sơn tiếp tục có diễn biến bất thường với tốc độ di chuyển khá nhanh, đường đi phức tạp báo hiệu khi đổ bộ vào đất liền mức độ ảnh hưởng sẽ rất khốc liệt.
Trước tình hình này, các địa phương miền Bắc đã chủ động các phương án di dân về nơi an toàn, chằng chống nhà cửa, kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú bão… để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Trưa ngày 16-7, nhóm PV Hànộimới đã có mặt tại TP Hải Phòng và Quảng Ninh để ghi nhận tinh thần khẩn trương chuẩn bị ứng phó ở nơi được dự báo bão sẽ đổ bộ trực tiếp.
Tàu thuyền trên vùng biển Hải Phòng đã về nơi trú ẩn an toàn. |
Các tỉnh ven biển hồi hộp "chờ" bão dữ
Đến 21 giờ tối qua (16-7), TP cảng Hải Phòng đã sẵn sàng mọi phương án để "đón" bão Côn Sơn. Tại cảng Hải Phòng, cán bộ, công nhân khẩn trương bốc xếp, chằng, néo hàng hoá, tàu thuyền về nơi an toàn. Anh Phạm Quang Trung, đội phó tàu Phú Hưng 2 (Công ty Vận tải biển Hoàng Ngọc) cho biết, tất cả thuyền viên đã tập trung đầy đủ tại cảng để gia cố, neo tàu, chằng buộc hàng hoá, túc trực sẵn sàng nhận lệnh điều động, sử dụng máy móc cứu hộ, bảo vệ tàu.
Xuôi về phía cảng Đình Vũ, các khu nuôi trồng thuỷ sản ở khu vực này cũng cơ bản hoàn thành các phương án ứng phó với bão. Anh Trần Văn Tĩnh ở phường Đông Hải 2, quận Hải An (Hải Phòng) cho biết: Đây là khu chuyên nuôi trồng thủy sản có diện tích khoảng 80ha. Ngay sau khi nhận được thông báo của chính quyền về diễn biến của bão Côn Sơn, các hộ dân đã chủ động chằng, chống nhà cửa; gia cố bờ bao, đồng thời sơ tán để bảo đảm an toàn về người vì theo dự báo tâm bão sẽ đi qua đây.
Trao đổi với PV Hànộimới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng Dương Anh Điền cho biết, đến 18 giờ ngày 16-7, toàn thành phố Hải Phòng đã có 2.633 tàu, thuyền về khu neo đậu an toàn; chỉ còn 559 tàu thuyền hoạt động trên biển đã nhận được thông tin về bão và đang di chuyển về nơi trú ẩn. TP đã huy động 35.965 người, trong đó lực lượng chủ yếu do Bộ Chỉ huy Quân sự TP đảm nhiệm, tập trung 133 xe ô tô các loại, 34 tàu và xuồng cao tốc, 4 xe thiết giáp sẵn sàng hoạt động ứng cứu cho những vị trí xung yếu. Huyện đảo Cát Hải - nơi dự báo bão sẽ đi qua - đã khẩn trương triển khai phương án di dân tại chỗ. Lãnh đạo huyện cho biết, tổng số hộ dân phải di chuyển đến nơi an toàn là gần 570 hộ, với hơn 1.360 người thuộc 4 xã và thị trấn. Khoảng 600 chủ lồng bè nuôi cá trên các eo quanh đảo Cát Bà cũng đã buộc phải trở về nhà. Trước mắt, huyện di chuyển người già, trẻ em, phụ nữ đến các khu vực có địa hình cao, trụ sở UBND xã, trường học, nhà cao tầng. "Lo ngại nhất là khi bão tràn qua thì hàng loạt tuyến đê sẽ bị phá hủy, đường trên các đảo sẽ bị sạt lở, hư hỏng" - ông Lê Văn Hiến, Phó ban Chỉ huy PCLB Hải Phòng cho biết. Tại điểm "nóng" huyện đảo Bạch Long Vĩ, Bộ Quốc phòng đã điều động 2.800 chiến sỹ tham gia ứng trực, hỗ trợ hơn 220 phương tiện để các địa phương cùng với nhân dân chủ động tránh bão.
Trong khi đó, đến tối 16-7, hơn 10.000 tàu thuyền đang hoạt động trên vùng biển Quảng Ninh đã vào nơi tránh trú bão an toàn.
* Sáng 16-7, sau khi nhận được công điện của UBND tỉnh Quảng Ninh, Cảng tàu khách du lịch Bãi Cháy đã dừng cấp phép cho các tàu, thuyền hoạt động đưa khách tham quan Vịnh Hạ Long và thông báo tình hình khẩn cấp của cơn bão. Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có hơn 10 nghìn tàu thuyền, trong đó có khoảng 400 tàu du lịch đã về nơi trú bão an toàn. Ngoài ra, lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển cũng như triển khai các biện pháp di dời du khách và ngư dân tại các nhà bè vào khách sạn hoặc nơi trú ẩn an toàn.
Chiều 16-7, trao đổi với Hànộimới, nhiều công ty du lịch cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 1, một số tour du lịch nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long, Cát Bà, Đồ Sơn... vào cuối tuần đã phải hủy bỏ.
Sơ tán khách du lịch về đất liền tránh bão (ảnh nhỏ). Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN |
Tại Nam Định cũng đã tổ chức sơ tán dân 2 huyện Giao Thủy và Nghĩa Hưng. Đối với công trình cầu Phú Lệ (Hải Hậu) đang thi công dở dang, UBND tỉnh đã chỉ đạo dùng rọ thép bảo vệ đê quai, công việc đã hoàn tất vào 18giờ để kịp thời chống bão. Tỉnh Thái Bình đã khẩn trương gia cố các đoạn đê kè xung yếu, cao trình thấp, yêu cầu các địa phương chủ động vật tư, nhân lực để ứng cứu kịp thời.
Di dân ra khỏi vùng nguy hiểm
Hôm qua 16-7, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh tới Quảng Trị; các bộ, ngành liên quan yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương để có lệnh cấm biển phù hợp; tổ chức neo đậu tàu thuyền, huy động nhân dân tham gia chằng chống nhà cửa, các công trình công cộng... Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An phải tổ chức di dân ra khỏi vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở cao. Các tỉnh miền núi phía Bắc cần đề phòng mưa lớn gây sạt lở đất, sập hầm, lò. Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NN&PTNT vận hành an toàn các hồ chứa.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã có cuộc họp với Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, chỉ đạo các giải pháp cấp bách phòng chống bão, lụt. Phó Thủ tướng yêu cầu phải triển khai ngay việc sơ tán dân ở các địa phương từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa. Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng cần bảo vệ khách du lịch và ngừng mọi hoạt động du lịch trong thời điểm bão xảy ra. Khẩn trương chỉ đạo, giúp dân chằng chống nhà cửa, kho tàng, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với các tình huống mưa, lũ gây sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản nhân dân. Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam bảo đảm đầy đủ điện cho các trạm bơm tiêu úng, ngập.
Cơn bão dị thường
Theo dõi hướng di chuyển của bão Côn Sơn, nhiều chuyên gia khí tượng thuỷ văn cho rằng, đây là cơn bão mở đầu cho một mùa bão lũ có nhiều bất thường. Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, đây là cơn bão rất mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng, từ Quảng Ninh tới Nghệ An. Đáng lo ngại là sau khi đi sâu vào đất liền, bão số 1 tiếp tục duy trì ở cấp 8, cấp 9 rồi vòng lên các tỉnh miền núi phía bắc và gây mưa rất lớn ở khu vực này. Các tỉnh Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn đều có thể nằm trong vùng tâm bão hoặc chịu ảnh hưởng bởi mưa lũ lớn. Sự nguy hiểm của bão Côn Sơn đã cho thấy ngay khi nó chưa vào đất liền. Theo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm - cứu nạn, tính đến tối qua, khu vực quần đảo Hoàng Sa vẫn còn 17 tàu/237 ngư dân (vùng tâm bão đi qua), cùng 5 tàu bị mất tích, chưa thể liên lạc được. Bên cạnh đó, vào rạng sáng 16-7, tại khu vực quần đảo Hoàng Sa đã có 4 tàu cá/49 ngư dân của tỉnh Quảng Ngãi bị chìm, trôi dạt vào khu vực đảo Đá Bắc và Xà Cừ thuộc quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, đến 18giờ cùng ngày, lực lượng cứu hộ vẫn chưa thể tiếp cận được với số ngư dân bị nạn này.
Bão Côn Sơn hoành hành ở Trung Quốc và Philippines Hãng Tân Hoa dẫn nguồn tin từ Cơ quan phòng chống thiên tai thành phố Tam Á thuộc tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc cho biết vào hồi 19h30' ngày 16-7, cơn bão Côn sơn đã đổ bộ vào Vịnh Á Long của Tam Á, sức gió ở tâm bão mạnh 126km/h. Đây là lần đầu tiên trong năm nay, cơn bão mạnh như vậy đổ bộ vào Trung Quốc đồng thời đã gây ra những đợt sóng lớn dữ dội và cắt đứt nhiều tuyến đường. Gần 40.000 người dân tỉnh Hải Nam và 20.000 người dân sinh sống ở tỉnh Quảng Đông đã được đưa đi xơ tán khỏi khu vực bão. Tại Philippines, do ảnh hưởng của bão Côn sơn, hàng chục ngôi nhà đã bị phá hủy, nhiều cánh đồng lúa bị ngập lụt, và nhiều gia đình ở tỉnh Nam Cotabato đã phải sơ tán để tránh bão và lở đất. Ước tính số người thiệt mạng do bão đã lên đến 38 người, trong khi 47 người khác hiện đang mất tích. Hơn 18.000 ngôi nhà bị tàn phá. Thiệt hại về hạ tầng, nông và ngư nghiệp ước tính là 147 triệu peso (3,2 triệu USD). |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.