Đối với người Việt, hình ảnh chàng Đôn Ki-hô- tê (Đông Ki-sốt) tay cầm giáo, cưỡi trên lưng chiến mã đấu với cối xay gió trong cuốn sách của nhà văn Tây Ban Nha M.Xéc-van-téc đã trở nên thân thuộc.
Tác phẩm sơn dầu "Chào Đôn Ki-hô-tê" của tác giả Vũ Ngọc Vĩnh đoạt giải tại cuộc thi "Sáng tác tranh theo tác phẩm Đôn Ki-hô-tê"
Năm 1605, tiểu thuyết “Đôn Ki-hô-tê” ra đời đã làm rung động Tây Ban Nha, chinh phục trái tim hàng triệu độc giả trên toàn thế giới. Bao thế hệ đã say sưa theo dõi cuộc phiêu lưu của chàng hiệp sĩ và đồ đệ ngờ nghệch của mình. Một độc giả kể lại:” Ngay từ nhỏ, lúc đó là chiến tranh chống Mỹ, tôi đã đọc tác phẩm này. Cũng có những tác phẩm điện ảnh về Đông Ki-sốt đã được chiếu từ lúc đó. Nhân vật này là mẫu hình một người hoang tưởng, phi thực tế, có những hành động kỳ quái, ngồ ngộ mà trẻ em thích. Nhưng sau này, với vốn hiểu biết về lịch sử phương Tây, chúng tôi thấy đây là một tác phẩm tuyệt vời, thể hiện sự chuyển biến của xã hội châu Âu, từ thời kỳ phong kiến sang chủ nghĩa tư bản”.
Xéc-van-téc sinh năm 1547, mất năm 1616 tại thị trấn An-ca-la đơ Hra-rét - gần thủ đô Ma-đrít(Tây Ban Nha) - trong một gia đình quí tộc đã sa sút. Cuộc đời ông trải qua rất nhiều gian nan. Đam mê văn học nghệ thuật, ông dành cả tâm trí cho việc sáng tác. Trong di sản văn học đồ sộ của ông, tác phẩm được yêu mến nhất là “Đôn Ki-hô-tê”. Năm 1612, cuốn sách được dịch sang tiếng Anh, sau đó được dịch sang tiếng I-ta-li-a và nhiều thứ tiếng khác. Cuốn sách được mọi người yêu mến bởi như một nhà văn nhận xét: “Mặc dù cuộc đời Đôn Ki-hô-tê gặp nhiều bất hạnh, nhưng cuốn sách đã mang lại cho người đọc một tình cảm sau cùng là hạnh phúc. Đó chính là niềm hạnh phúc - được mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người “.
Hình ảnh Đôn Ki-hô-tê đã hấp dẫn nhiều họa sĩ, nhạc sĩ và cả những người làm phim. Vào giữa thế kỷ XVII, Séc-cơ La-ni-ết, người thợ in kiêm thợ khắc thành Pa-ri (Pháp) đã tập hợp một số họa sĩ và thợ khắc để thực hiện một số bức tranh đơn lẻ minh họa cho cuộc phiêu lưu của Đôn Ki-hô-tê. Không biết đã có bao nhiêu bức tranh như thế, nhưng hiện còn 3 bộ sưu tập với 38 bức khác nhau. Tiếp sau đó, nhiều bản nhạc kịch, phim về Đôn Ki-hô -tê ra đời.
Năm nay, kỷ niệm 400 năm “Đôn Ki-hô -tê” ra đời, tại Tây Ban Nha và nhiều nướccó các hoạt động tôn vinh tác phẩm. Bà M. Ta-ve-ra, Giám đốc Bảo tàng Quốc gia Tây Ban Nha cho rằng: “Đông Ki-sốtchiến đấu cho lý tưởng cao đẹp, vì sự bình đẳng, vì tự do và công lý,những giá trị cơ bản nhất mà mọi người đều có quyền được hưởng”. Bà cho biết thêm: Có nhiều hoạt động triển lãm, sân khấu, hội thảo, nói chuyện, hòa nhạc kỷ niệm 400 năm ngày ra đời“Đôn Ki-hô-tê”. Dường như mọi tầng lớp đều tham gia. Thư viện Quốc gia Tây Ban Nha còn tổ chức một buổi nhảy theo nhạc Ráp về đề tài Đôn Ki-hô-tê. Bảo tàng Quốc gia Tây Ban Nha muốn giới trẻ hiểu về tác phẩm”.
Tại nước ta cũng có nhiều hoạt động kỷ niệm 400 năm ngày “Đôn Ki-hô-tê” ra đời. Từ đầu năm, Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam và báo Thể thao & Văn hóa tổ chức thi vẽ về Đôn Ki-hô-tê, thu được 80 tranh. Tiếp đó là cuộc tọa đàm về Đôn Ki-hô-tê tại Đại học Sư phạm Hà Nội, mới đây nhất là triển lãm 32 tấm tranh “Đông Ki-sốt vòng quanh thế giới” tại Thư viện Quốc gia Việt Nam. Triển lãm trưng bày bản thảo, tác phẩm của Xéc-van-téc, những bài nghiên cứu, tranh của các họa sĩ nổi tiếng như Pi-cát-sô, Gôi-a và các bộ phim về Đôn Ki-hô-tê. Với nguồn tư liệu phong phú và quí giá, triển lãm đem đến cho người xem cảm nhận thú vị. Bùi Thị Lan Hương, sinh viên Khoa Tiếng Tây Ban Nha - Đại học Ngoại ngữ Hà Nội nói: “Em luôn ấn tượng về hình ảnh Đôn Ki-hô-tê, nhân vật có nhiều việclàm tưởng chừng khác thường, kỳ dị, nhưng chất chứa trong đó những phẩm chất tốt. Đó là tác phẩm lớn của nhân loại”.
Lòng hào hiệp, đức hy sinh, tinh thần yêu tự do, “khuyến thiện trừ ác” được thể hiện qua lối kể chuyện hài hước, sinh động của Xéc-van-téc chính là những yếu tố làm nên sức hấp dẫn của Đôn Ki-hô-tê trong 4 thế kỷ qua.
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.