Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dồn điền đổi thửa ở Hà Nội: Nơi tích cực, chỗ thờ ơ

Nguyễn Mai| 05/04/2013 06:38

(HNM) - Nhiều địa phương đã triển khai quyết liệt dồn điền đổi thửa, tuy nhiên một số địa phương lúng túng, chưa quyết liệt nên tiến độ còn chậm.

Thôn Mỹ Hạ, xã Hữu Văn, đã hoàn thành DĐĐT, tạo đà cho sản xuất phát triển. Bí thư Chi bộ thôn Nguyễn Văn Phương cho biết, trước đây ở Mỹ Hạ, trung bình mỗi hộ có 10-15 thửa ruộng, canh tác rất khó. Nay dồn lại, mỗi hộ chỉ còn 1-2 thửa, lại có đường giao thông, thủy lợi chạy qua nên sản xuất rất thuận lợi. Thời gian nông nhàn, bà con tỏa đi để buôn bán nông sản.

Hữu Văn là xã khó khăn nhất của huyện Chương Mỹ, đã hoàn thành DĐĐT 100% diện tích, kịp thời giao ruộng cho nông dân trong vụ xuân. Cùng với xã này, toàn huyện Chương Mỹ có 14 xã khác đã hoàn thành DĐĐT với tổng số 31.491 hộ được giao ruộng, đưa Chương Mỹ trở thành địa phương dẫn đầu thành phố trong công tác DĐĐT.

Dồn điền đổi thửa giúp cơ giới hóa nông nghiệp thuận lợi, góp phần đưa sản xuất nông nghiệp Hà Nội có quy mô lớn hơn. Ảnh: Thái Hiền


Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN& PTNT) Hà Nội Hoàng Thanh Vân, đến nay toàn thành phố đã DĐĐT được 35.347ha/19.445ha, đạt 181,8% kế hoạch. Trong đó, một số huyện làm tốt, vượt kế hoạch nhiều lần như Chương Mỹ đạt 7.947ha (thành phố giao 4.000ha); Mỹ Đức đạt 6.149,89ha (kế hoạch giao 1.467ha); Sóc Sơn đạt 5.618,12ha (kế hoạch giao 3.000ha); Phú Xuyên đạt 5.526,33ha (kế hoạch giao 2.000ha)… Từ đó, nhiều huyện hỗ trợ nông dân đầu tư kinh phí, đẩy nhanh tiến độ cơ giới hóa. Điển hình như huyện Phú Xuyên, ngoài cơ chế hỗ trợ của thành phố, huyện đã có cơ chế riêng hỗ trợ 45 triệu đồng/máy; UBND xã hỗ trợ 15 triệu đồng/máy; HTX nông nghiệp hỗ trợ 10 triệu đồng/máy. Toàn huyện Phú Xuyên nay có 112 máy làm đất 30 mã lực, 1.438 máy bơm nước loại nhỏ, 528 máy tuốt lúa…

Trong khi huyện Chương Mỹ, Phú Xuyên, Sóc Sơn đạt được nhiều kết quả thì tại nhiều huyện, thị xã khác, kết quả đạt được rất thấp.

Chưa vào cuộc quyết liệt

Tổng hợp kết quả DĐĐT của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy chỉ tiêu UBND thành phố giao cho huyện Ba Vì năm 2012 phải DĐĐT được 500ha thì đến nay, huyện mới thực hiện được 400ha, chỉ tiêu của Sơn Tây là 1.500ha, mới làm được 50ha, Đan Phượng là 100ha, mới thực hiện được 32ha.

Báo cáo tại hội nghị giao ban quý I Chương trình 02 của Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Lưu Văn Hải lý giải rằng, đất nông nghiệp ở Ba Vì được phân làm 3 vùng (núi, đồi gò và đồng bằng), ruộng phân tán và manh mún nên việc DĐĐT gặp nhiều khó khăn. "Để tháo gỡ, ngoài kinh phí hỗ trợ theo Quyết định 16 của thành phố, huyện Ba Vì còn quyết định hỗ trợ thêm mỗi héc ta DĐĐT 1 triệu đồng (kinh phí tổ chức họp). Bên cạnh đó, huyện xây dựng kế hoạch chỉ DĐĐT ở các xã trong vùng chuyển đổi.
Tuy nhiên, lý do này chưa đủ thuyết phục bởi trên địa bàn thành phố, huyện Sóc Sơn, Chương Mỹ… cũng có diện tích thuộc vùng đồi gò, bán sơn địa nhưng các xã cũng đã thành công bước đầu trong công tác DĐĐT.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02 Nguyễn Công Soái nhấn mạnh, thành phố đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM. Ban Chỉ đạo cũng đã xuống các huyện, kiểm tra thực tế, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở. Tuy nhiên, kết quả triển khai chương trình DĐĐT ở các địa phương vẫn chưa đồng đều. Chỉ khi DĐĐT thành công mới tạo đà cho sản xuất phát triển, vì vậy, các địa phương cần trao đổi học tập tại các xã đã làm tốt để áp dụng vào địa phương mình. Các địa phương cần thành lập các tổ công tác DĐĐT, lựa chọn người có uy tín, nhiệt tình để chỉ đạo hiệu quả và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện để đẩy nhanh tiến độ chương trình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dồn điền đổi thửa ở Hà Nội: Nơi tích cực, chỗ thờ ơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.