Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Đón đầu” thực hiện công nghiệp hóa

Thùy Linh| 16/02/2011 08:07

(HNM) - Theo quy hoạch xây dựng vùng TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, Long An sẽ là một trong 7 tỉnh lân cận kết nối xung quanh đô thị hạt nhân là TP Hồ Chí Minh để trở thành một đô thị phát triển ngang tầm khu vực và thế giới.

Khu công nghiệp Thịnh Phát đang thu hút nhiều doanh nghiệp từ TP Hồ Chí Minh chuyển về.


Huyện Bến Lức của Long An có nhiều thuận lợi để phát triển vì nằm sát trung tâm TP Hồ Chí Minh, là cửa ngõ phía Tây của TP đi các tỉnh miền Tây Nam bộ. Với vai trò là huyện động lực vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, trong 10 năm qua (2001-2010) Bến Lức đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 19,5% (chiếm tỷ trọng 27% GDP toàn tỉnh). Riêng trong năm 2010, GDP tăng trưởng đến 21%. Trong vòng 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng 5,5 lần, đạt 48 triệu đồng/năm vào năm 2010. Từ một huyện thuần nông trước đây, sau hơn 10 năm tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - thương mại dịch vụ - nông nghiệp, đến nay ngành công nghiệp của huyện đã chiếm 77,6%, thương mại dịch vụ 17,4% và nông nghiệp là 5%.

Hiện toàn huyện có 14 dự án các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với diện tích gần 2.000 ha, tiếp nhận gần 1.200 nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư với số vốn đăng ký hơn 7.000 tỷ đồng của các doanh nghiệp trong nước và gần 1 tỷ USD của doanh nghiệp nước ngoài. Có 9 trong tổng số 14 khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang triển khai xây dựng là Thuận Đạo, Nhựt Chánh, Phú An Thạnh, Phúc Long, Thịnh Phát… Một số nhà máy lớn đã đi vào hoạt động như Công ty TNHH May Ching Luh với 25.000 công nhân…

Không chỉ tập trung vào công nghiệp, nông nghiệp dù giảm diện tích nhưng sự chuyển đổi cây trồng vật nuôi theo hướng công nghiệp đã làm gia tăng năng suất, sản lượng, đảm bảo phát triển bền vững. Huyện đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp như vùng lúa đặc sản, rau màu các loại… Các mô hình tổ kinh tế hợp tác trồng mía, chanh, nấm bào ngư, chăn nuôi gia cầm bán công nghiệp… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Huyện cũng đã đầu tư hơn 30 tỷ đồng với hàng chục ngàn ngày công và 3 triệu mét vuông đất hiến tặng của người dân để hoàn thiện 320km đê bao chống lũ để bảo vệ lúa và hoa màu.

Là đô thị vệ tinh của TP Hồ Chí Minh trong tương lai, hiện hệ thống giao thông ở Bến Lức ngày càng phát triển. Ngoài tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương đi vào hoạt động, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành (Đồng Nai) nối miền Tây và miền Đông Nam bộ đang được xây dựng sẽ là động lực để Bến Lức phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn sau này. Trong giai đoạn 2010-2015, khi các dự án công nghiệp đã xây dựng xong và bắt đầu bước vào hoạt động, chắc chắn Bến Lức sẽ có nhiều thay đổi hơn nữa. Cùng với Bến Lức, các huyện khác trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Long An là Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước… cũng đang vững bước đi lên công nghiệp hóa, cùng góp sức tạo nền tảng để đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại như mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Đón đầu” thực hiện công nghiệp hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.