Nơi ước đến, chốn mong về...
Trở về từ đỉnh Chư Pen và Chư Tan Kra sau hơn một tuần ''ăn rừng, ngủ rừng'' cùng các chiến sỹ Huyện đội Sa Thầy để tìm kiếm, cất bốc hài cốt đồng đội cũ, Trương Công Dũng, Hồ Đại Đồng, Phạm Minh Ngọc, Nguyễn Xuân Tứ cùng các CCB Ban Liên lạc Trung đoàn 209 Hà Nội cho biết, các anh đang chạy đua với thời gian bởi mùa mưa Tây Nguyên đang đến rất gần. Sau hài cốt liệt sỹ Phạm Bá Thi (Ba Đình, Hà Nội) tìm được hôm 26-3, hiện vẫn còn hàng trăm hài cốt liệt sỹ của Trung đoàn chưa tìm thấy bởi sau 43 năm, địa hình đã thay đổi quá nhiều. Tuy nhiên, dù khó khăn đến đâu, các anh vẫn tiếp tục công việc để tri ân những đồng đội cũ. ''Anh em đều có tuổi, mệt mỏi cả rồi. Nhưng sức còn đến đâu, sẽ làm đến đó" - Hồ Đại Đồng chia sẻ. Niềm an ủi rất lớn với các anh là sau hai năm tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, hiện Ban Liên lạc CCB Trung đoàn đã nhận được sự quan tâm rất lớn của TP Hà Nội, trong đó có việc TP quyết định xây dựng Khu tưởng niệm liệt sỹ Hà Nội Mặt trận Bắc Kon Tum ngay dưới chân núi Chư Pen và Chư Tan Kra - nơi thấm đẫm máu xương của các liệt sỹ Trung đoàn 209 Hà Nội.
Khu tưởng niệm liệt sỹ Hà Nội Mặt trận Bắc Kon Tum được quyết định xây dựng dưới chân núi Chư Pen và Chư Tan Kra. |
Nằm ở vị thế rất đẹp giữa vòng cung của hai dãy núi Chư Pen và Chư Tan Kra, sau khi hoàn thành (dự kiến công trình được khởi công xây dựng vào tháng 4 và khánh thành vào tháng 12-2011), Khu tưởng niệm các liệt sỹ Hà Nội Mặt trận Bắc Kon Tum sẽ có tượng đài, bia ghi tên các anh hùng liệt sỹ, nhà đón tiếp thân nhân liệt sỹ (đồng thời là Nhà văn hóa xã Ia Xia) và đường giao thông liên thôn... Đây cũng sẽ là ''Nơi ước đến, chốn mong về'' của rất nhiều người Hà Nội ở mọi miền Tổ quốc. Phó Chủ tịch UBND TP Hoàng Mạnh Hiển cho biết, với tinh thần "cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước", những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã đặc biệt quan tâm đến đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng, nhất là những vùng căn cứ cách mạng. Là một trong hai địa phương có nhiều liệt sỹ Hà Nội yên nghỉ (Quảng Trị và Kon Tum), trước khi xây dựng Khu tưởng niệm liệt sỹ Hà Nội Mặt trận Bắc Kon Tum trên địa bàn huyện Sa Thầy, TP Hà Nội đã xây dựng một đài tưởng niệm tại địa bàn huyện Đăk Hà, Kon Tum. Theo Thiếu tướng Phí Quốc Tuấn, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô, Mặt trận Bắc Kon Tum kéo dài hơn 200km, từ Đắc Tô, Tân Cảnh đến Sa Thầy, Kon Tum. Rất nhiều đơn vị bộ đội Hà Nội đã tham gia chiến đấu và trong số họ không ít người đã nghỉ lại ở đây. Vì thế, tri ân các liệt sỹ và đồng bào Tây Nguyên vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các LLVT TP Hà Nội. Vinh dự được UBND TP Hà Nội giao làm chủ dự án xây dựng Khu tưởng niệm, Bộ Tư lệnh Thủ đô sẽ làm hết sức mình để công trình hoàn thành đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng.
Cho Tây Nguyên thêm xanh
Tiếp đón đoàn công tác TP Hà Nội anh A Kim, Bí thư Huyện ủy Sa Thầy cho biết, là một huyện miền núi biên giới phía Tây Nam của Kon Tum, Sa Thầy có vị trí chiến lược quan trọng và là nơi đầu nguồn sinh thủy của một số hệ thống sông suối, có Vườn quốc gia Chư Mo Ray với thảm thực vật phong phú. Tuy nhiên, huyện còn gặp nhiều khó khăn, trong việc bảo đảm giao thông về xã vào mùa mưa và đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm tới trên 50%... Với nỗ lực chung, trong thời gian tới, Sa Thầy sẽ phát huy mọi nguồn lực, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đưa huyện phát triển nhanh và bền vững. Với thế mạnh là cây cao su với diện tích chiếm xấp xỉ 50% diện tích cao su của toàn tỉnh, Sa Thầy mong muốn các doanh nghiệp, địa phương của Hà Nội đầu tư vào huyện trong lĩnh vực này. Là nơi an nghỉ vĩnh hằng của các liệt sỹ Thủ đô, trong công tác xây dựng Khu tưởng niệm liệt sỹ Hà Nội Mặt trận Bắc Kon Tum, huyện cũng đã khẩn trương thu hồi đất với diện tích khoảng 3,7ha và hoàn thành công tác chi trả tiền đền bù GPMB cho 25 hộ dân, để công trình sớm được khởi công như mong đợi. Lời chia sẻ của Bí thư Huyện ủy A Kim đã được Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Mạnh Hiển tiếp thu và giao cho Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần nghiên cứu, đề xuất. Phó Chủ tịch Hoàng Mạnh Hiển cũng chuyển lời tri ân và gửi gắm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô đến tỉnh Kon Tum nói chung, huyện Sa Thầy nói riêng trong việc hương khói cho các liệt sỹ Hà Nội, cũng như việc đón tiếp các thân nhân liệt sỹ Hà Nội trên địa bàn.
Sau lễ truy điệu, an táng 77 liệt sỹ Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209 Hà Nội tại Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Sa Thầy, đoàn công tác TP Hà Nội đã lên núi Chư Tan Kra, đặt bia đá ghi dấu địa điểm xây dựng Khu tưởng niệm các liệt sỹ Hà Nội Mặt trận Bắc Kon Tum tại địa bàn xã Ia Xia. Trong buổi chiều tháng ba se lạnh, đi qua những vạt rừng bị đốt cháy nham nhở của dãy Chư Pen và Chư Tan Kra, nhiều anh em trong Ban Liên lạc CCB Trung đoàn 209 và chúng tôi không khỏi ngậm ngùi vì núi rừng trùng điệp ngày xưa, nay đã trở thành những mảng đồi trọc lốc trơ trụi. Một cán bộ Văn phòng UBND huyện Sa Thầy đi cùng đoàn tiết lộ, ''thủ phạm'' đốt rừng làm nương là những cư dân của làng Ba (Thanh Hóa) vào định cư tại địa bàn xã Ia Xia từ năm 1979. Xã biết, huyện biết nhưng không có cách nào để ngăn chặn, vì ''cuộc sống của bà con vẫn còn rất khó khăn''? Điều giải thích này xem ra có vẻ không ổn vì để bà con đốt rừng chính là triệt phá mất nguồn nước, nguồn sống quý báu của chính mình. Nhất là đây lại là vùng đệm của Vườn quốc gia Chư Mo Ray. Tại nhà một ''lâm tặc'' đã từng giúp Ban Liên lạc CCB Trung đoàn phát hiện một số hài cốt liệt sỹ, chúng tôi đã tận mắt nhìn thấy những tấm phản gỗ quý dày hàng gang và đôi lọ (cũng bằng gỗ quý) nặng cả trăm cân, cao cỡ đầu người, hai người khiêng không nổi, được khai thác từ đỉnh Chư Tan Kra và Chư Mo Ray. Đôi vợ chồng trẻ này cũng rất hồn nhiên khi khoe với khách lạ về những ''chiến lợi phẩm'' quý giá còn sót lại của rừng già.
Làm thế nào để trả lại màu xanh cho núi rừng Tây Nguyên là một câu hỏi không dễ trả lời khi cả cán bộ và người dân nơi đây còn chưa ý thức được hiểm họa đe dọa nguồn sống của họ đang đến rất gần từ việc phá rừng. Anh Nguyễn Thế Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Hà Nội nói: ''Sau lúc đến Ia Xia đặt bia ghi dấu địa điểm xây dựng Khu tưởng niệm, mình đã trao đổi với Trưởng làng Ba rằng cứ để bà con đốt hết rừng thì nước uống rồi cũng chẳng còn. Mình không muốn đến một lúc nào đấy, dân làng Ba lại phải di cư vì nguồn nước cạn kiệt. Và núi rừng Chư Tan Kra huyền thoại - nơi che chở cho biết bao linh hồn liệt sỹ Hà Nội sẽ mãi mãi chỉ còn là huyền thoại''.
Nhìn những làn khói hương đoàn công tác TP Hà Nội thắp lên trong buổi chiều chạng vạng lẫn trong làn khói đốt rừng của bà con làng Ba trên đỉnh Chư Tan Kra, chúng tôi thầm khấn vong linh các liệt sỹ Hà Nội: Các anh ơi, nếu các anh có thiêng, hãy cùng chúng tôi và đồng bào trả lại màu xanh cho núi rừng Tây Nguyên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.