Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Đơm đó” diệt siêu pháo đài bay B-52

Đại tá Đinh Thế Văn| 23/12/2022 06:57

(HNM) - Trong chiến dịch phòng không bảo vệ Hà Nội cuối tháng 12-1972, Tiểu đoàn 77 nằm trong đội hình chiến đấu của Trung đoàn Tên lửa 257 (Sư đoàn Phòng không 361), được giao nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Tiểu đoàn 77 đã chiến đấu với hiệu suất cao, đánh 18 trận, bắn rơi 4 chiếc B-52, có 3 chiếc rơi tại chỗ - là một trong hai tiểu đoàn tên lửa bắn rơi nhiều B-52 nhất trong toàn bộ Chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Tiểu đoàn 77 bộ đội tên lửa tổ chức mít tinh hạ quyết tâm nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu bắn rơi máy bay Mỹ ngay từ quả đạn đầu, tháng 12-1972.   Ảnh: TTXVN

Trải qua những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc, Tiểu đoàn 77 đã thực hiện tốt phương châm “phát huy tính năng ưu việt của khí tài SAM-2, tiêu diệt địch cao nhất và tiết kiệm đạn dược”, với sở trường chiến đấu bắn đón “vượt nửa góc”, bắn rơi 25 máy bay Mỹ. Để chuẩn bị bước vào chiến dịch phòng không đánh B-52 cuối năm 1972, cấp trên thường xuyên quan tâm huấn luyện Tiểu đoàn 77 về cách bắt và bắn mục tiêu trong điều kiện có nhiễu nặng, cách chống và tránh tên lửa không đối đất Shrike (tên lửa chuyên tiêu diệt ra đa) của địch khi gặp phải, cách đánh phát sóng nhanh, đánh nhanh và gạt tránh tên lửa Shrike tấn công.

Trước khi bước vào trận quyết chiến chiến lược 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, Tiểu đoàn 77 đã nhiều lần hội thảo rút kinh nghiệm và học tập, nghiên cứu hiểu biết về máy bay B-52, kể cả về tính năng, kỹ chiến thuật các loại vũ khí của địch; được nghe phổ biến kinh nghiệm, bài học cách đánh B-52 ở Khu IV và thực tiễn chiến đấu của bộ đội tên lửa ở Hải Phòng đã bắn nhiều quả đạn mà không có B-52 nào rơi tại chỗ. Quá trình tổ chức học tập, huấn luyện thông qua tài liệu “Sách đỏ” về cách đánh B-52 của bộ đội tên lửa. Các vấn đề đưa ra nghiên cứu huấn luyện gần như khẳng định, nếu Mỹ cho B-52 vào đánh phá Hà Nội, thì tên lửa của chúng ta không thể bắt được mục tiêu, mà cũng không thể đánh bằng phương pháp “vượt nửa góc” (phương pháp chính của bộ khí tài SAM-2). Vì thế, Tiểu đoàn 77 đã tập trung vào huấn luyện cho các kíp chiến đấu chủ yếu đánh bằng phương pháp “3 điểm”, nhất là đi sâu vào cách phân biệt dải nhiễu để trắc thủ bám sát đúng dải nhiễu trong tốp và đúng từng chiếc B-52 trong đội hình. Sau cuối các buổi huấn luyện, đơn vị tổ chức hội thảo và đối chiếu với các nội dung huấn luyện của “Sách đỏ”. Đồng thời, trao đổi trực tiếp với các đơn vị đã trải qua thực tiễn đánh B-52 bằng phương pháp “3 điểm”, đánh trong trường hợp không phát sóng để chống Shrike. Đặc biệt, trong quá trình huấn luyện đánh B-52, Tiểu đoàn thường xuyên được lãnh đạo chỉ huy trung đoàn, sư đoàn, quân chủng quan tâm theo dõi, chỉ đạo, trực tiếp phổ biến kịp thời những bài học rút ra từ thực tiễn các đơn vị chiến đấu đánh B-52 ở chiến trường Trị - Thiên, Khu IV, những dự báo các thủ đoạn và chiến thuật khi địch dùng B-52 đánh Hà Nội.

Qua nhiều lần hội thảo và học tài liệu về tính năng chiến đấu, kỹ thuật của các loại vũ khí của địch, để đánh được B-52, đơn vị đã nhận thức rõ: Không có loại vũ khí nào ưu việt tuyệt đối, quan trọng là phải biết nó mạnh ở chỗ nào, yếu ở chỗ nào để mình khắc chế cái mạnh, khoét sâu được điểm yếu để đánh. Điểm mạnh của B-52 là gây nhiễu vì mỗi máy bay có 17 máy gây nhiễu. Mỗi tốp B-52 có tối thiểu 3 chiếc trong đội hình, tổng cộng là 51 máy gây nhiễu, lại bay ở độ cao trên 10km nên dải nhiễu B-52 là rất mạnh và rộng. Vì vậy, địch đã khẳng định, sẽ khó có loại ra đa hay vũ khí nào có thể bắt và đánh được B-52 là có cơ sở, chưa tính đến nhiễu của các máy bay chiến thuật bay hộ tống tốp B-52.

Thực tiễn cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ vào miền Bắc nước ta cuối tháng 12-1972 đã chứng minh, mỗi khi B-52 vào đánh phá Hà Nội thì có hàng trăm loại nhiễu. Qua những lần bám nhiễu, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 77 thấy đặc điểm của B-52 là bay ổn định ở độ cao trên 10km, nặng hơn 30 tấn nên nhiễu rất nặng, cách mục tiêu 35km sẽ rẽ vào để thả bom và khi đó nhiều chiếc F-4 đi hộ tống sẽ tản ra. Đó chính là lúc tên lửa Việt Nam đối diện với siêu pháo đài bay B-52. Nhưng nếu đánh bằng phương pháp phát sóng truyền thống thì trận địa tên lửa sẽ bị tên lửa không đối đất Shrike bám theo cánh sóng bắn cho tan tành. Qua thực tiễn chiến đấu đã nghĩ ra phương pháp “phát sóng nhanh”, khi gặp đúng nhiễu B-52, theo dõi không quá 10 giây là tắt ngay. Cứ thế, "nó chưa kịp bắn trúng mình thì mình đã bắn trúng nó rồi". Bằng kinh nghiệm thực tiễn chiến đấu, kíp chiến đấu của Tiểu đoàn chọn thời cơ phóng 2 quả đạn, thường ở cự ly 35km. Đây là cách đánh hiệu quả nhưng đòi hỏi sự bình tĩnh cao độ và thao tác chính xác đến từng giây bởi vì thắng hay bại cũng chỉ tính bằng giây. Nếu không thuần thục, chính xác thì có thể chúng ta bắn được 1 chiếc B-52 cũng là lúc trận địa tên lửa bị hủy diệt. Do Tiểu đoàn đã tập luyện kỹ càng cách gạt tên lửa Shrike, có quả rơi cách trận địa chỉ khoảng 300m. Có ngày Tiểu đoàn 77 gạt tới 6 quả Shrike, giữ an toàn cho trận địa.

Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, trận địa chiến đấu của Tiểu đoàn 77 được bố trí ở Chèm (quận Bắc Từ Liêm ngày nay), nằm bên sườn các đường bay mà địch từ Tây Bắc xuống và Tây Nam lên. Trong toàn bộ chiến dịch, đơn vị đánh 18 trận, được công nhận bắn rơi 4 chiếc B-52, trong đó có 3 chiếc rơi tại chỗ. Anh em trong đơn vị có nói vui với nhau “đánh B-52 dễ hơn đánh máy bay chiến thuật, đánh B-52 như đơm đó bắt cá vậy”. Trong đó, trận đánh hiệu quả nhất diễn ra vào đêm 20 và rạng sáng 21-12-1972, đơn vị bắn rơi được 3 máy bay B-52, trong đó có 2 chiếc rơi tại chỗ, 1 chiếc rơi ở Ba Vì. Đêm đó là rạng rỡ nhất của Tiểu đoàn 77, đồng thời cũng là trận đánh oanh liệt của quân và dân Hà Nội, góp phần làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Đơm đó” diệt siêu pháo đài bay B-52

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.