Sân khấu tròn lại rực rỡ ánh đèn, bên cánh gà, những chú hề ngồi khiêm tốn trong bộ đồ lụng thụng chuẩn bị làm nền cho tiết mục đinh hoặc diễn ngẫu hứng và lấp khoảng trống chờ tiết mục.
Hề Tuấn Linh đang diễn giao lưu với khán giả nhí - Ảnh: N.Bay
Những chú hề luôn mang nụ cười đến cho khán giả, nhưng ẩn sau đó là những giọt nước mắt...
Nước mắt những chú hề…
Người dẫn chương trình nồng nhiệt giới thiệu, chú hề mau chóng xuất hiện trên sân khấu với bộ quần áo nhiều màu sắc, chú cười tươi, đi cà kheo, tung hứng rồi làm con rắn... gây cười cho đám trẻ.
Chỉ trong tích tắc, tôi thấy chú hề khựng lại và thở hắt hơi ra - chú hề đã thấm mệt. Ít ai biết rằng trước đó chú hề vui tính này phải làm nhiệm vụ kéo dây cho xiếc đu bay, mang vác dụng cụ cho diễn viên khác. Đó là diễn viên xiếc kiêm chú hề Phi Lâm, anh đã ở vào tuổi 59.
Một buổi trưa nắng gắt, giữa khoảng sân hội chợ chúng tôi lại bắt gặp chú hề già Phi Lâm trong bộ đồ quảng cáo sản phẩm vui chơi cùng trẻ em. Kỹ thuật hóa trang không che bớt được những nếp nhăn và cả sự mệt mỏi của tuổi tác nhưng chú hề vẫn cười rất tươi dưới chiếc mũ rộng vành.
Quá trưa, chú hề không còn sức để vui chơi với trẻ con nữa, con trai chú hề (hiện là diễn viên đoàn xiếc) lấy từ trong giỏ đồ nghề chai nước và hai ổ bánh mì. Hai cha con ăn vội dưới bóng cây. “Tiền catsê làm hề từ 30.000 - 50.000 đồng, có khi cả trăm ngàn, nhưng gặp trời mưa thì mình chỉ lấy 10.000 đồng tiền xăng đi về, khi diễn cho các cháu thiếu nhi thì... cho bao nhiêu thì cho” - chú hề già Phi Lâm cười mệt mỏi.
Cái nghèo của nghề cộng với gia cảnh năm con không cho phép chú hề già Phi Lâm nghỉ ngơi dù đã ở tuổi xế bóng. Ngoài công việc truyền nghề cho hai học trò cũng đang đầu quân ở Đoàn xiếc TP, chú hề già tối tối tham gia diễn ở đoàn, ngày đi diễn tụ điểm, công viên, hội chợ... để đắp đổi qua ngày.
Hề Phi Lâm ngậm ngùi: “Nghề làm hề cũng có cái tủi thân của nó, phải tự sắm sửa đồ nghề, hồi trước không có tiền tôi dùng cây tầm vông làm cà kheo, diễn ở hội chợ nền đất gồ ghề hoặc trời mưa là té. Có lần té nặng, máu trào ra cả tai và mũi. Nhờ tổ độ nên không sao”.
Dường như diễn viên xiếc nào cũng có niềm tin sắt đá được “tổ độ” nên họ quyết liệt bám nghề. Phi Lâm đã gần đến tuổi hưu nhưng anh cho biết vẫn chưa có ý định bỏ nghề. Tiếng cười anh mang lại cho đám trẻ con đã đánh đổi bao nước mắt của anh hàng mấy chục năm qua sao dễ bỏ nghề được?
Vào nghề ở tuổi 15, “danh hài” Tuấn Linh đã trải qua ba chìm bảy nổi làm đủ thứ nghề cho dù được đào tạo bốn năm trung cấp chuyên nghiệp về hài tại Liên Xô (cũ). Rời Đoàn xiếc TP.HCM gần một năm nay nhưng hề Tuấn Linh vẫn hằng tuần về nhà bạt truyền nghề cho lớp học viên mới.
Nhớ ngày đầu đi diễn, khán giả chưa quen với những màn hài ngoại nên nhiều người la ó chê vai hài nhưng Tuấn Linh cũng cắn răng diễn hết bài. Tuấn Linh tâm sự: “Nhiều lúc thấy mình như thằng khùng, không giống ai... ngậm ngùi đến rơi nước mắt, nhưng cái máu vui tính, thích hài nên quyết tâm học và làm cho bằng được, cứ mỗi lần thấy khán giả cười ồ lên là cảm thấy yên tâm rồi”.
Hiện nay anh vừa diễn đơn vừa tham gia đào tạo lớp diễn viên trẻ. Trong “giáo trình”, anh truyền nghề cho lớp trẻ không chỉ là những màn chọc cười, mà còn là những câu chuyện về nỗi khổ của diễn viên hài, bởi trong những đoàn xiếc các chú hề thường phải kiêm đủ thứ, làm lung tung khiến họ không có thời gian đầu tư vai cho nhân vật.
Thêm nữa, diễn viên hài ngày càng ít, tiết mục lại cũ nên tuổi nghề chú hề thường rất ngắn. Các chú hề cũng rất hay bị tai nạn. Như mới đây, vở kịch Cậu bé rừng xanh của sân khấu Idecaf phối hợp Đoàn Xiếc TP hấp dẫn bao khán giả nhí. Rầm một cái, cả năm diễn viên hề trong vai những chú khỉ đang leo cột té sõng soài xuống sàn vì cột gãy.
Hậu quả người chấn thương cổ, người bị thương ở lưng phải đưa đi cấp cứu. Phạm Gia Khánh, diễn viên hài trong tiết mục đó, nhớ lại: “ Bị ngã trán sưng như trán ông Thọ, mắt nổ đom đóm luôn, may mà té trong rạp, chứ đang diễn ở hội chợ, sân trường sàn ximăng thì chắc đi luôn rồi”.
Và chén cơm người nuốt kiếm
Chiều cuối tuần âm u chuyển mưa, chúng tôi tìm đến thăm nhà diễn viên xiếc M.T. nằm trong xóm nghệ sĩ - quận 7 (TP.HCM). Căn nhà chật chội, ồn ào trong tiếng khóc của trẻ con chen trong tiếng máy rè rè, M.T. đang mài cây kiếm inox dài bên chiếc máy tự chế.
Cái tên M.T. khá quen thuộc trong làng xiếc với những màn biểu diễn cảm giác mạnh: nuốt kiếm! Xuất thân là thợ lặn chuyên nghề trục vớt cứu hộ, nhưng M.T. lại bỏ ngang đi theo nghề xiếc. Ban đầu M.T. học vài món ảo thuật lận lưng theo các gánh xiếc rong đi làm “đại nhạc hội” khắp các vùng quê. Rồi gánh xiếc ngày càng ế, ông chủ ra lệnh: “Nếu không có tiết mục gì mới thì mày nghỉ luôn”.
Tự ái và muốn bám với nghề, M.T. tự học món “nuốt kiếm”. Hồi đầu nuốt cây kiếm 3-4 tấc rồi lên 6-7 tấc, lạnh người hơn anh còn “sáng chế” ra món nuốt kiếm răng cưa, kiếm cong, nuốt cùng lúc 3-4 chiếc kiếm, vừa nuốt vừa “xé kiếm”!
Gánh xiếc rong của M.T. giờ đây có thêm màn xỏ kim, đóng đinh, nuốt rắn mà dàn diễn viên có đến năm đứa là con ruột anh. Nhìn đứa con gái 10 tuổi của anh biểu diễn màn nuốt con rắn lục dài gần 6 tấc chỉ còn ngo ngoe cái đuôi ngoài miệng nhìn thật ghê rợn. Hỏi chuyện, em ngây thơ nói: “Nhiều bữa rút con rắn ra cơm cháo ra theo luôn, ớn lắm”.
Trong diện tích khiêm tốn của phòng khách vừa là phòng ăn, phòng ngủ, chú bé chưa đầy 3 tuổi mặt mũi sáng láng, đang hào hứng khởi động trước giờ chạy show. Em nhanh nhẹn làm động tác hip hop “kê đầu” rồi ngậm dao, quay đĩa giữ thăng bằng thật chuyên nghiệp. Các con của M.T. đã chọn theo nghề xiếc của cha khi còn quá bé!
Chúng tôi đi theo gánh xiếc M.T. xem biểu diễn. Trong tiếng nhạc sôi động, người diễn viên làm vài động tác vận khí công: xuống tấn, hít thở sâu, đứng bất động, mắt nhìn vô định, “trưởng đoàn” M.T. cầm mấy cây đinh dài gần 2 tấc lóe sáng múa vài đường rồi bất thần cắm phập vào vai người diễn.
Cảnh tượng thật ghê rợn, những móc xích loảng xoảng treo trái châu kim loại nặng móc thẳng vào bốn cây đinh, người diễn viên nhích từng bước chân từ từ thẳng người lên nhấc bổng trái châu... Mồ hôi rịn ra từ chân tóc chảy thành dòng rơi xuống sàn đất. Màn diễn kết thúc, những chiếc đinh được rút ra kéo theo một dòng máu tươi, người bạn diễn chung vội bịt chặt vết thương.
Mỗi suất diễn cả gia đình M.T. vừa đóng đinh, nuốt rắn, nuốt kiếm được trả 200.000 - 400.000 đồng (chủ yếu vào thứ bảy, chủ nhật). Sau khi trừ tiền cơm, xăng xe, đứa lớn được chia 20.000 đồng, đứa nhỏ 10.000 đồng, còn lại để dành vì sáu tháng mùa mưa cả đoàn phải nằm nhà ăn và tập luyện chờ sáu tháng mùa khô đi hành nghề.
“Sinh nghề, cũng có khi tử nghiệp! Tôi biết vậy nhưng giờ mà buông cây kiếm ra là cả nhà bảy miệng ăn coi như chết đói!” - M.T. ứa nước mắt nói về nỗi nhọc nhằn kiếm sống với nghề.
Trời âm u xám xịt báo hiệu một mùa mưa sắp đến, gia đình gánh xiếc M.T. chuẩn bị đi diễn vùng xa, có thể đây là suất diễn cuối cùng của họ trong năm nay. Tiếng va chạm lẻng xẻng của những cây kiếm dài nghe đến nổi gai ốc, giọng bé gái con anh M.T. nói như hờn người cha: “Đổi con rắn khác cho con đi, con rắn này bự quá con nuốt hết nổi rồi !”. Chúng tôi không dám đi theo gánh xiếc để xem họ biểu diễn vì trong mắt chúng tôi đời xiếc sao quá đỗi nhọc nhằn...
Theo TT
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.