(HNM) - Theo báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, tổng mức đầu tư (TMĐT) 3 tuyến đường sắt đô thị (gọi tắt Metro số 1, 2 và 5) đã và sẽ được xây dựng, bị đội lên 60.000 tỷ đồng (gần 3 tỷ USD) so với phê duyệt ban đầu. Theo các chuyên gia, số tiền này đủ để xây thêm 1, thậm chí 2 tuyến Metro nữa.
Tính chưa sát thực tế
Theo báo cáo mới nhất của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh (chủ đầu tư), TMĐT các dự án đường sắt đô thị thành phố đang và sẽ thực hiện đã có sự điều chỉnh. Theo đó, dự án xây dựng tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), dài gần 20km (một phần đi qua tỉnh Bình Dương), hiện được điều chỉnh tăng TMĐT lên 1,4 tỷ USD (tương đương 30.000 tỷ đồng, tăng gần 90%) so với TMĐT phê duyệt ban đầu, từ gần 1,1 tỷ USD lên gần 2,5 tỷ USD. Trong đó, vốn vay ODA chiếm hơn 88% TMĐT, còn lại vốn đối ứng từ ngân sách thành phố.
Thi công tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). |
Dự án tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) dài hơn 11km, hiện TMĐT tăng 700 triệu USD (14.000 tỷ đồng, tăng 51%) so với ban đầu, từ gần 1,4 tỷ USD (26.000 tỷ đồng) lên gần 2,1 tỷ USD (40.000 tỷ đồng). Tương tự, tuyến Metro số 5, giai đoạn 1 (đoạn ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn), tổng chiều dài gần 9km, tăng 730 triệu euro (16.000 tỷ đồng, gần 90%) so với TMĐT ban đầu, từ 833 triệu euro lên gần 1,6 tỷ euro. Cũng theo tính toán, tại thời điểm hiện nay, suất vốn đầu tư chính đối với tuyến Metro số 1 gần 94 triệu USD/km, tuyến số 2 gần 131 triệu USD/km và tuyến số 5 hơn 117 triệu USD/km.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân đội vốn của các tuyến Metro do sự biến động giá của nguyên và nhiên liệu; tăng lương tối thiểu; tăng khối lượng xây dựng dự án; tăng đầu tư cho đầu máy, toa xe, trang thiết bị nhà ga; thay đổi tỷ giá; tăng tỷ lệ tính toán các chi phí dự phòng, rủi ro trượt giá và lạm phát nhiều năm qua; tăng chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư... Cũng theo thừa nhận của Ban Quản lý đường sắt đô thị, thực tế tại các tuyến Metro trên chưa tính toán sát thực tế, không tham khảo, đối chiếu so sánh với suất đầu tư của các dự án quốc tế khác. Để dẫn tới tình trạng này do chủ đầu tư, các tư vấn lập dự án và tư vấn thẩm tra trong nước chưa có kinh nghiệm.
Phải có đơn vị độc lập giám sát
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, trước hết, việc đội vốn trong các dự án hạ tầng giao thông là điều thông thường, thế nhưng vượt từ 50 đến 90% so với TMĐT ban đầu thật khó chấp nhận. Thực tế một dự án chỉ cần vượt quá 40% TMĐT ban đầu là không thể chấp nhận được, bởi trên thế giới, theo thông lệ các dự án hạ tầng tương tự chỉ cho phép vượt tối đa khoảng 20% trở lại, trừ khi có những yếu tố tác động đột biến ảnh hưởng chung trên phạm vi toàn thế giới.
Cũng theo TS Nguyễn Trí Hiếu, thông thường khi thực hiện dự án, chủ đầu tư đều tính toán cụ thể và có những dự phòng về chi phí trượt giá, nhân công lao động, nguyên vật liệu… để thực hiện đúng kế hoạch. Nếu làm dự án mà đội vốn đầu tư như trên thì đơn vị đó đã tính toán không đầy đủ, không chính xác những yếu tố tác động trực tiếp. "Các dự án công của Chính phủ, đặc biệt là sử dụng vốn ODA cần được kiểm soát một cách chặt chẽ, chứ không thể để tình trạng trên xảy ra. Điều quan trọng, Quốc hội cần có một cơ quan giám sát độc lập để thực hiện giám sát, đánh giá từng dự án, có như thế mới chặt chẽ, khách quan và minh bạch.
Còn theo TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch hạ tầng đô thị, đối với các dự án ODA trọng điểm như tuyến Metro việc để dự án bị đội vốn cao và thời gian thi công kéo dài, sẽ tạo tiền lệ rất không hay cho các dự án xây dựng hạ tầng sau này, từ đó làm mất uy tín đối với các đối tác, nhà tài trợ. Do đó, cần phải làm hợp đồng chặt chẽ, để từ đó quy trách nhiệm cụ thể cho từng bộ phận, đơn vị liên quan và để xảy ra tình trạng tương tự sẽ bị xử lý nghiêm. Đồng thời, chủ đầu tư, các đơn vị thực hiện lẫn cơ quan chức năng cần phối hợp với nhau để thực hiện theo đúng cam kết.
Theo tính toán của các chuyên gia, với số vốn bị đội lên "khủng" như trên, nếu xét đến TMĐT hiện tại có thể làm thêm 1, hay thậm chí 2 tuyến Metro nữa. Các chuyên gia cho rằng, cần xem lại năng lực quản lý và thực hiện quá kém của các đơn vị liên quan và phải thẩm định lại toàn bộ dự án để xem xét trách nhiệm các bên liên quan.
Ban Quản lý đường sắt đô thị vừa có báo cáo khẩn lên UBND TP Hồ Chí Minh về tổng mức đầu tư các dự án Metro đang thực hiện đầu tư xây dựng đối với 3 tuyến số 1, 2 và 5. Hiện các tuyến Metro số 2 và số 5 đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép điều chỉnh dự án (tuyến số 2) và trình Quốc hội chủ trương đầu tư (tuyến số 5). Dự án tuyến Metro số 5 đã được tư vấn nước ngoài và tư vấn trong nước thẩm tra; đối với tuyến số 2, đề nghị UBND TP kiến nghị Thủ tướng cho thực hiện thuê tư vấn thẩm tra lại dự án nếu cần thiết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.