Đội tuyển Olympic Việt Nam đã không thể tạo nên bất ngờ và phải dừng bước từ vòng bảng môn bóng đá nam tại Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 (ASIAD 19), bởi các đối thủ rất mạnh trong khi Olympic Việt Nam tham dự với đội hình trẻ nhất ASIAD 19. Dù vậy, bóng đá Việt Nam đã thu được nhiều bài học kinh nghiệm tại đấu trường này để hướng đến mục tiêu World Cup trong tương lai.
Tích lũy nhiều kinh nghiệm
Đội tuyển Olympic Việt Nam dự ASIAD 19 có đến 16/22 cầu thủ lứa U20, tăng cường hai cầu thủ quá tuổi là Nhâm Mạnh Dũng và Phan Tuấn Tài thì cả hai đều không thể ra sân do Mạnh Dũng bị đau mắt đỏ còn Tuấn Tài chấn thương. Thực tế các cầu thủ trẻ của Olympic Việt Nam từng thể hiện rất tốt ở vòng chung kết U20 châu Á 2023 nhưng ASIAD 19 rõ ràng là sân chơi quá tầm với những cầu thủ trẻ.
Tại ASIAD 19, Đội tuyển Olympic Việt Nam thi đấu 3 trận, thắng 1 trận Mông Cổ (4-2), thua 2 trận trước Iran (0-4) và Saudi Arabia (1-3). Thực tế trên sân cho thấy, các cầu thủ trẻ Việt Nam không có bóng để triển khai lối chơi kiểm soát bóng được rèn trong thời gian qua. Huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn cho biết, trước những đối thủ mạnh, chỉ cần một thoáng mất tập trung là sẽ trả giá. Nhưng ở cả 3 trận đấu tại ASIAD 19, Olympic Việt Nam đều thể hiện sự lỏng lẻo ở thời điểm đầu và cuối mỗi hiệp để đối thủ khai thác và ghi bàn. 4 bàn thua trước Olympic Iran và 3 bàn thua trước Olympic Saudi Arabia đều diễn ra với cùng kịch bản như thế. Ngay cả với đối thủ yếu như Olympic Mông Cổ, Olympic Việt Nam cũng để thủng lưới 2 bàn ở đầu và cuối hiệp hai.
Theo huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn, vẫn còn một số tồn tại cần phải cải thiện nhưng các cầu thủ trẻ Việt Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm để có thể chơi tốt hơn trong tương lai. "Gặp đối thủ mạnh mà nói chơi kiểm soát bóng là vô lý. Nhưng chúng ta phải làm quen cách chơi đó, vì từ đây mới mở ra cơ hội chiến thắng và đúng với sở trường của người Việt Nam", huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.
Nhắm đến đấu trường lớn
Chuyên gia bóng đá Phan Anh Tú cho rằng, nếu áp dụng lối chơi cũ là phòng ngự phản công, Olympic Việt Nam có thể đạt thành tích tốt hơn tại ASIAD 19. Nhưng với lối chơi kiểm soát bóng mới mẻ được học còn chưa đến 1 năm kể từ khi huấn luyện viên Philippe Troussier mang đến với bóng đá Việt Nam, thật khó để đòi hỏi cầu thủ trẻ Việt Nam có thể chơi tốt ngay được.
Để thực hiện mục tiêu dự World Cup, lối chơi kiểm soát bóng mà ông Philippe Troussier hay huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn đang áp dụng là điều đúng đắn. Tuy nhiên, hiện nay tại V.League hiếm có câu lạc bộ nào sử dụng lối chơi kiểm soát bóng. Lối chơi này mới chỉ thấy ở một đến hai câu lạc bộ V.League áp dụng là Hà Nội FC và Topenland Bình Định hay Hoàng Anh Gia Lai. Vì vậy, nhìn chung các cầu thủ trẻ không có điều kiện luyện tập, thi đấu với lối chơi này. Do đó, mọi thứ phải thay đổi cách đào tạo cầu thủ trẻ từ các câu lạc bộ.
Theo bình luận viên bóng đá Vũ Quang Huy, áp dụng lối chơi kiểm soát bóng trong điều kiện hiện nay là điều rất nên làm. Tuy nhiên cũng phải tính đến nền tảng thể lực của các cầu thủ Việt Nam có đáp ứng được lối chơi này hay không. Nếu kỹ thuật không tốt, đồng đội lại di chuyển không phù hợp thì sẽ chuyền sai nhiều. Đó cũng là điều mà các cầu thủ Việt Nam cho thấy trong thời gian qua. Do đó, cầu thủ cần thời gian để vận hành tốt lối chơi kiểm soát bóng. Mặt khác cần linh hoạt thay đổi lối chơi khi cần thiết bởi nếu cứng nhắc chơi kiểm soát bóng, khi thực hiện không tốt cầu thủ sẽ càng lúng túng.
Huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn cũng cho rằng: “Lối chơi của Olympic Việt Nam cũng tương đồng với lối chơi ở đội tuyển quốc gia. Cho dù gặp đối thủ nào, chúng tôi vẫn phải chơi kiểm soát bóng, tuân thủ đấu pháp và triết lý như vậy. Trước đối thủ quá mạnh, chúng tôi không thể chơi áp đặt được nhưng phải cố gắng làm tốt nhất có thể, các cầu thủ khi được lên đội tuyển quốc gia thì huấn luyện viên trưởng cũng không phải tốn thời gian chỉnh sửa nữa”.
Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Trần Quốc Tuấn cho rằng, sau ASIAD 19, bóng đá trẻ Việt Nam còn nhiều mục tiêu rất tham vọng ở các giải đấu lớn như vòng chung kết U23 châu Á (tháng 4-2024) để tranh vé dự Olympic Paris 2024; SEA Games Thái Lan 2025, cũng như mục tiêu cao nhất là chuẩn bị lực lượng cho vòng loại World Cup 2026 sắp khởi tranh.
“VFF đang triển khai triết lý bóng đá đồng bộ ở các cấp độ, từ U18 trở lên. Đây rõ ràng là tư tưởng rất tiến bộ. Khi thực hiện thành công, các thế hệ nối tiếp cùng chung một triết lý sẽ hòa hợp rất nhanh, tự tin hướng đến đấu trường lớn trong tương lai”, ông Trần Quốc Tuấn bày tỏ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.