Đặt mục tiêu vào chung kết Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á - AFF Cup 2024, nhưng đội tuyển Việt Nam đã làm được hơn thế: Giành ngôi vô địch!
Đã có những nhận định lạc quan về một sự trở lại mạnh mẽ của các “chiến binh sao vàng” sau trận chung kết lượt về diễn ra vào tối ngày 5-1, tại Thái Lan, và thời gian sẽ giúp kiểm chứng cho những nhận định đó.
Nhìn nhận về thành công của đội tuyển bóng đá Việt Nam tại AFF Cup 2024, một số chuyên gia đã đưa ra nhận định về sự thực dụng xuyên suốt hành trình của đội tuyển.
Chuyên gia bóng đá Phan Anh Tú cho rằng: “Bên cạnh sự quyết liệt, dễ thấy sự thực dụng - từ cách tiếp cận trận đấu đến sử dụng nhân sự - là điều xuyên suốt trong phong cách của HLV Kim Sang-sik. Ở sân chơi AFF Cup, trình độ các đội không đồng đều, chất lượng mặt sân thi đấu cũng khác nhau, nên HLV Kim Sang-sik có cách sử dụng nhân sự khác nhau với từng trận đấu. Cái hay ở Kim Sang-sik là ông biết "liệu cơm gắp mắm", hiểu rõ khả năng của từng cầu thủ và biết họ phù hợp với cách chơi như thế nào. Từ đó, ông chọn bộ khung phù hợp với chiến thuật mà đội tuyển sử dụng trước từng đối thủ thay vì mặc định một đội hình chính”.
Tại AFF Cup 2024, đội tuyển may mắn có sự phục vụ của tiền đạo Nguyễn Xuân Son, một cầu thủ có khả năng ghi bàn thượng thừa, tham gia vào lối chơi một cách thuyết phục. Dù bóng đá là môn thể thao đồng đội, một cánh én không làm nên mùa xuân nhưng rõ ràng là đội tuyển đã sở hữu một tiền đạo lợi hại, có thể mang đến nhiều phương án tấn công và gây áp lực mạnh mẽ cho hàng phòng ngự của đối phương.
Cũng theo các chuyên gia, cách tiếp cận trận đấu một cách thực dụng tại AFF Cup 2024 gợi ý về một phong cách thi đấu mới cho đội tuyển thay vì theo đuổi một triết lý bóng đá không phù hợp với năng lực của cầu thủ như trước đây.
Chức vô địch AFF Cup 2024 thực sự là luồng gió mát lành với bóng đá Việt Nam, thúc đẩy mong muốn hướng tới những mục tiêu xa hơn, như giành vé tham dự World Cup, nhất là khi số vé mà FIFA dành cho châu Á đã tăng lên kể từ World Cup 2026. Đội tuyển Việt Nam có thể hướng đến mục tiêu tranh vé dự World Cup 2030 hoặc xa hơn, sau khi đã không thành công tại vòng loại World Cup 2026.
Để thực hiện được mục tiêu nói trên, cần tăng cường chiều sâu cho đội tuyển, bắt đầu từ việc mở rộng nguồn tuyển. Thành công của đội tuyển tại AFF Cup 2024 với sự tham gia của Nguyễn Xuân Son, cầu thủ mới nhập quốc tịch Việt Nam, cho thấy sự khác nhất định về hiệu suất thi đấu của đội tuyển giữa khi có và không có cầu thủ này trên sân. Bởi vậy, việc lựa chọn những cầu thủ giỏi có yếu tố nước ngoài, thực sự mong muốn đóng góp cho bóng đá Việt Nam là một hướng đi cần được xem xét một cách bài bản hơn.
Theo chuyên gia Phan Anh Tú, đội tuyển muốn giành vé dự World Cup thì cần có trong đội hình ít nhất 5 cầu thủ có đẳng cấp như Nguyễn Xuân Son. Ngoài ra, chính các câu lạc bộ cũng phải chăm chút cho hệ thống đào tạo của mình để cung cấp thêm những cầu thủ giỏi cho đội tuyển quốc gia. Thực tế đã cho thấy, hệ thống đào tạo ở trong nước vẫn là nơi giữ vai trò có tính quyết định đối với chất lượng của các câu lạc bộ cũng như đội tuyển.
Hiện nay, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục tìm cầu thủ giỏi trong cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài để bổ sung cho đội tuyển quốc gia. Tận dụng nguồn cầu thủ ngoại kiều, đây là xu hướng chung của bóng đá thế giới, hiện đang được các đội tuyển quốc gia tại Đông Nam Á thực hiện một cách ráo riết, khá thành công.
Như thế, để hướng đến mục tiêu thi đấu tốt hơn tại giải vô địch châu Á hay giành vé tham dự World Cup, đội tuyển phải trông vào 3 nguồn tuyển, gồm cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo trong nước, cầu thủ gốc Việt trưởng thành từ các lò đào tạo nước ngoài (như thủ thành Filip Nguyễn) và cầu thủ “nhập tịch”.
Hiện tại, với lứa cầu thủ vừa giành chức vô địch AFF Cup 2024, chu kỳ thành công mới có thể mở ra ở sân chơi cấp độ Đông Nam Á, nhưng ở tầm châu lục hay hướng tới mục tiêu lớn hơn thì lực lượng này là chưa đủ. Đội tuyển cần thêm nhiều cầu thủ giỏi hơn, thể lực và thể hình tốt hơn để đủ khả năng vượt qua một loạt đội tuyển Đông Nam Á đang “lột xác” mạnh mẽ nhờ dàn cầu thủ “nhập tịch” có gốc Âu - Mỹ, hoặc đua tranh sòng phẳng với những đội tuyển quốc gia mạnh về mọi mặt ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Qatar, UAE...
Thành công của đội tuyển tại AFF Cup 2024 đã tạo một hiệu ứng tốt, cả ở khía cạnh xã hội cũng như thuần túy thể thao. Tuy nhiên, để có thể tận dụng hiệu quả hiệu ứng tốt đẹp đó và tạo được bước tiến mạnh mẽ ra đấu trường châu lục, thế giới, chúng ta cần thêm thời gian và một chương trình đầu tư bài bản cả về cơ sở vật chất cũng như con người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.