LTS: Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ (KHCN) càng trở nên cấp bách và thiết thực.
LTS: Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ (KHCN) càng trở nên cấp bách và thiết thực. Tuy nhiên, hoạt động KHCN còn nhiều bất cập, chưa trở thành động lực phát triển đất nước là thực tế không thể phủ nhận. Loạt bài khởi đăng trên Hànộimới từ hôm nay sẽ đề cập tới một số vấn đề đáng quan tâm trong lĩnh vực này nhằm trả lời câu hỏi: Hoạt động khoa học công nghệ: "Đổi" từ đâu để "mới"?
Ra đời cách đây gần 7 năm, Nghị định (NĐ) 115/2005/NĐ-CP về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KHCN công lập được ví như "khoán 10". Nhưng, trái với kỳ vọng ban đầu, những vướng mắc trong việc phối hợp thực hiện giữa các cơ quan quản lý đã thành lực cản khiến chính sách này chậm đi vào thực tiễn.
Ưu đãi nửa vời
Với NĐ 115, cùng yêu cầu tự chủ, tự hạch toán kinh phí, các tổ chức khoa học còn được trao nhiều quyền khác, gồm: ký hợp đồng thực hiện các dịch vụ KHCN; mời chuyên gia, các nhà khoa học nước ngoài vào Việt Nam và cử cán bộ ra nước ngoài công tác; quyết định việc đầu tư phát triển từ vốn vay, vốn huy động… Đặc biệt là các đơn vị này còn được sản xuất, kinh doanh hàng hóa; được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; xuất khẩu, nhập khẩu trực tiếp công nghệ và sản phẩm; liên doanh, liên kết sản xuất với các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước... Danh nghĩa là vậy và tưởng như đơn giản nhưng triển khai trên thực tế lại vô cùng phức tạp.
Ông Trần Quốc Khánh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KHCN) cho biết, NĐ 115 có nhiều ưu đãi nhưng các quy định của luật và các văn bản hướng dẫn (như Luật Đất đai, Luật Quản lý và sử dụng tài sản nhà nước...) không đề cập đến những ưu đãi cho tổ chức KHCN. "Thủ trưởng tổ chức KHCN được phép nâng lương trước thời hạn, tuyển dụng, bổ nhiệm, cử cán bộ đi nước ngoài nhưng trên thực tế việc này vẫn do lãnh đạo bộ, UBND các tỉnh quyết định. NĐ 115 cũng cho phép các tổ chức KHCN được góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất nhưng theo quy định của Luật Đất đai, nếu các tổ chức KHCN được giao đất không thu tiền sử dụng đất thì họ không được quyền góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất để sản xuất kinh doanh" - ông Khánh nêu dẫn chứng.
TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn đưa ra một ví dụ: Có nhà khoa học của ĐH Havard (Mỹ) muốn hợp tác với viện, nhưng muốn vậy hai bên phải thành lập một công ty liên doanh, để công ty này xây dựng dự án đầu tư và thành lập cơ quan nghiên cứu. Nhưng khi lập liên doanh lại vướng vì ngành kế hoạch - đầu tư đòi hỏi đối tác nước ngoài phải có đăng ký kinh doanh... Thế là kế hoạch hợp tác bất thành, làm nản lòng giới khoa học.
Ngoài ra, do hoạt động theo NĐ 115 nên có việc các tổ chức KHCN phải chuyển đổi con dấu trong khi vẫn là đơn vị hành chính sự nghiệp có thu, hoạt động chính vẫn là nghiên cứu, còn sản xuất chỉ mới hình thành ở quy mô nhỏ. Sản phẩm sản xuất ra ở quy mô nhỏ nhưng phải đóng thuế, tính lương theo doanh nghiệp đã gây khó khăn không nhỏ cho các đơn vị KHCN. Việc có nhiều loại hình tổ chức KHCN nhưng tất cả được "gói" trong một quy định về cách thức chuyển đổi sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm cũng là rào cản khiến chính sách này bị nghi ngờ về tính khả thi.
Cũng theo TS Đặng Kim Sơn, Nhà nước kêu gọi thu hút nhà khoa học giỏi trong cộng đồng người Việt về đóng góp cho nền KHCN nước nhà nhưng các quy định hiện hành vẫn yêu cầu đề bạt cán bộ lãnh đạo phải là viên chức, đảng viên...
Vì những bất cập đó cùng một số lý do khác khiến đến hết tháng 6-2012, mới có 267/585 tổ chức KHCN công lập (tỷ lệ 46%) hoàn thành chuyển đổi mô hình hoạt động theo NĐ 115.
Vẫn là bài toán lợi ích
Theo Bộ KHCN, có 5 vấn đề đang gặp trở ngại khi thực hiện NĐ 115 là: Giao đất và tài sản của Nhà nước; đầu tư phát triển; đăng ký kinh doanh và miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; chuyển sang cơ chế hợp đồng làm việc và chế độ hỗ trợ tinh giảm biên chế, tiền lương và thu nhập tăng thêm. Ngoài ra còn có trở ngại đến từ tư duy chậm thay đổi của các nhà khoa học, nhà quản lý, từ việc hiểu không đầy đủ hoặc sai tinh thần, nội dung NĐ và cả từ bộ máy hành chính quan liêu...
Theo Bộ Công thương, một trong những đầu mối được đánh giá là có nhiều đơn vị chuyển đổi thành công theo quy định của NĐ 115 thì hoạt động của các tổ chức KHCN sau chuyển đổi mô hình đều có chuyển biến tốt. Doanh thu của nhiều cơ quan đã tăng đáng kể, trong đó tỷ lệ doanh thu của các hợp đồng tư vấn, dịch vụ KHCN, chuyển giao công nghệ từ các nguồn ngoài ngân sách tăng mạnh. Một số cơ quan như: Viện Nghiên cứu cơ khí, Viện Máy và dụng cụ công nghiệp, Viện Dầu khí, Viện Năng lượng... doanh thu từ hoạt động nghiên cứu, tư vấn KHCN và sản xuất kinh doanh đạt hơn 500 tỷ đồng. Điều này chỉ có được khi các đơn vị được thực sự cải tổ thông qua việc thực hiện NĐ 115.
Ông Trần Quốc Khánh cho biết thêm, để NĐ 115 thực sự có hiệu quả, hệ thống văn bản pháp quy cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, bảo đảm cho các tổ chức KHCN thật sự tự chủ về nhiệm vụ KHCN, tài chính, nhân lực, tổ chức và hợp tác quốc tế. Các quy định trong Luật Đất đai, Luật Quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, Luật Viên chức... cần được bổ sung để có ưu đãi riêng đối với các tổ chức KHCN và cán bộ khoa học. "Phải xác định việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các tổ chức KHCN là nhiệm vụ chính trị của cả hệ thống" - ông Khánh đề xuất.
Như TS Đặng Kim Sơn nhận xét, tình trạng trì trệ trong hoạt động KHCN kéo dài quá lâu và phạm vi đổi mới quá lớn mà không ít đối tượng trong cuộc cũng không có động lực thay đổi: cơ quan quản lý không muốn mất quyền; một số cán bộ quản lý không muốn mất lợi; cán bộ nghiên cứu chỉ quen với các hoạt động kinh viện nên vẫn muốn bám vào bao cấp của Nhà nước. Bởi vậy, để NĐ 115 thực sự là "khoán 10" trong KHCN thì bản thân những người nhận khoán phải muốn được "cởi trói".
Sau 30 năm đất nước phát triển theo kinh tế thị trường nhưng nền KHCN đến nay vẫn dựa chủ yếu vào ngân sách nhà nước, theo cơ chế "xin - cho" là thực tế khó chấp nhận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.