(HNMO) - Chiều 15-5, Sở VH,TT&DL Hà Nội và UBND thị xã Sơn Tây đã đối thoại trực tiếp với các hộ dân ký vào đơn xin trả lại danh hiệu Di tích quốc gia làng cổ Đường Lâm.
Gần 10 ý kiến của người dân được chia sẻ tại buổi đối thoại đã phần nào cho thấy những khó khăn, bức xúc mà người dân nơi đây phải gánh chịu.
Ông Hà Kế Toán, thôn Mông Phụ chia sẻ tâm tư nguyện vọng được nâng cao điều kiện sống, sinh hoạt. |
Ông Hà Kế Toán, thôn Mông Phụ, cho biết: Dân chúng tôi rất vinh dự, tự hào khi được đón nhận danh hiệu di tích quốc gia, niềm vui đó đi vào tâm thức nhiều thế hệ. Khi nghe tin các hộ dân làm đơn đề nghị trả danh hiệu di tích, tôi không khỏi ngỡ ngàng. Qua tìm hiểu, tôi được biết nguyên nhân dẫn tới quyết định này trong nhân dân là do số tiền thu được từ việc bán vé cho khách du lịch vào tham quan làng cổ chưa công khai, minh bạch. Hơn nữa, người đẻ ra nhưng đất không đẻ ra trong khi người dân có nhu cầu sinh sống, lao động, học tập trên chính ngôi nhà mình, mảnh đất của tổ tiên mình. Khi người dân có nhu cầu xây dựng thì thủ tục quá rườm rà nên có tiền cũng không thể xây, một số hộ khác không có tiền để xây cao tầng, mua đất giãn dân nên đành cam chịu.
Chung nỗi nỗi niềm, chị Giang Tú Oanh (thôn Mông Phụ) bày tỏ sự khó khăn của gia đình. Theo lời kể của chị Oanh, gia đình chị làm nhà năm 2012, tầng 1 đổ mái, tầng 2 lợp mái tôn. Phần lợp mái tầng 2 của gia đình chị bị yêu cầu tháo dỡ, cắt điện, nước gần 3 tháng nay để phạt. “Dân chúng tôi nghèo lắm, không có điều kiện để xây dựng ba, bốn tầng, chúng tôi chỉ mong được xây dựng 2 tầng để cải thiện điều kiện sinh hoạt”.
Ủng hộ việc giữ danh hiệu làng cổ, ông Phan Văn Lối (thôn Mông Phụ) kiến nghị ngôi nhà nào cổ thì giữ nguyên, nhà nào không cổ thì tạo điều kiện cho nhân dân làm nhà, nên có quy định mỗi gia đình làm bao nhiêu m2 là hợp lý. “Làm gì thì làm, làm thế nào thì làm phải để cho dân chúng tôi sống được trong di sản”- ông Lối nói.
Giải đáp thắc mắc về việc thu- chi, ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng BQL di tích Làng cổ Đường Lâm cho biết: Năm 2012, nguồn thu từ việc bán vé du lịch được 1,4 tỷ đồng, 4 tháng đầu năm nay được 1 tỷ đồng. Số tiền này được công khai, kiểm toán thường xuyên, chi phí cho các phần việc như: Quảng bá du lịch; tổ chức các lớp tập huấn cho bà con Đường Lâm, hỗ trợ cho lực lượng đảm bảo an ninh làng cổ, cho 13 hộ tham gia đón khách du lịch (300-400 đồng/hộ/tháng); cho người trông coi di tích ở 7 di tích. Nhờ đó khách du lịch về Đường Lâm ngày một tăng. Nếu như năm 2008, đường Lâm chỉ đón 3 vạn lượt khách thì đến năm 2012, con số này tăng lên 12 vạn lượt người. “BQL chỉ thu phí khách tham quan. Nếu người dân Đường Lâm nào bị thu phí, hãy gọi điện cho chúng tôi, chúng tôi sẽ xử lý”.
Ghi nhận ý kiến phản ánh của người dân Đường Lâm là chính đáng, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH,Tt&DL Hà Nội nói: “Người dân Đường Lâm mới là chủ thể đích thực của di sản, còn Nhà nước chỉ quản lý về mặt hành chính, giúp người dân ứng xử với di sản theo pháp luật. Đường Lâm là ngôi làng đầu tiên ở nước ta được công nhận là di tích quốc gia, mà đã là di tích quốc gia thì phải được điều chỉnh bằng Luật Di sản văn hóa. Việc thực hiện luật không chỉ có các cơ quan quản lý nhà nước mà bản thân người dân cũng cần thực hiện. Với chức năng quản Nhà nước về di sản trên địa bàn, Sở VH,TT&DL Hà Nội sẽ tham mưu với UBND thành phố Hà Nội, Bộ VH,TT&DL, từng bước giải quyết những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân”.
Theo BQL di tích Làng cổ Đường Lâm, lá đơn xin trả lại danh hiệu di tích quốc gia của một số người dân Sơn Tây có gần 50 chữ ký. Cán bộ BQL đã đến từng nhà xác định, trong đó có 23 hộ xác nhận chữ ký, 9 chữ ký không xác định được, 3 hộ có đơn nhưng không nhận mình ký. 23 hộ có chữ ký đã được mời ra để đối thoại với đại diện lãnh đạo các cấp có thẩm quyền đã phần nào khẳng định chính quyền các cấp luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó tìm giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm sao cho hài hòa lợi ích giữa bảo tồn và phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.