Chính trị

Đổi thay trên quê hương "Chiếc gậy Trường Sơn"

Bạch Thanh 10/02/2024 - 07:43

Bảo tàng ở xã Hòa Xá (huyện Ứng Hòa) nằm gần gốc đa ven làng Trung Hòa, vừa được trùng tu, tôn tạo khang trang.

Đây là nơi lưu giữ, giáo dục truyền thống lịch sử hào hùng của địa phương với những kỷ vật đại diện điển hình cho quê hương "Chiếc gậy Trường Sơn", là nguồn tiếp lực mạnh mẽ để người Hòa Xá hôm nay nỗ lực góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp...

gay-truong-son.jpg
Học sinh tham quan bảo tàng chiếc gậy trường Sơn tại xã Hòa Xá.

Những chàng trai “chân đi vạn dặm”...

Về Hòa Xá, quê hương "Chiếc gậy Trường Sơn" trong những ngày xuân mới, những câu chuyện cũ ở Hòa Xá giúp chúng tôi thấu cảm giá trị của những mùa xuân hòa bình, thịnh vượng - điều chỉ có được sau những năm tháng toàn dân tộc anh dũng chiến đấu vì sự nghiệp thống nhất non sông với biết bao hy sinh, mất mát.

Tại Hòa Xá, tổ chức Đảng đã có từ đầu năm 1943 do đồng chí Văn Tiến Dũng trực tiếp gây dựng và chỉ đạo. Lực lượng vũ trang Hòa Xá từng chiến đấu nhiều trận trong kháng chiến chống Pháp. Hàng trăm thanh niên Hòa Xá tình nguyện gia nhập quân đội, đánh địch trên các vùng Khu Cháy, ở Hà Nam, Hòa Bình và tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 7-6-1960, Bác Hồ về thăm Hòa Xá, Người động viên nhân dân thi đua lao động sản xuất giỏi, góp phần chi viện sức người, sức của cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ.

Giới thiệu từng kỷ vật trưng bày trong bảo tàng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Xá Phùng Quốc Mạnh đầy tự hào chia sẻ: Nói đến Hòa Xá là nhắc đến quê hương của phong trào "Chiếc gậy Trường Sơn". Suốt những năm kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ ác liệt, người Hòa Xá luôn kiên cường, vừa sản xuất vừa chiến đấu và phục vụ tiền tuyến.

Theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hòa Xá Đỗ Văn Tuyên, những năm chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá đã phát động nhiều phong trào thi đua mang tính điển hình, tới giờ còn vang danh với những khẩu hiệu ấn tượng: “Vai đeo 25 cân, chân đi ngàn dặm”, “Vượt suối băng ngàn, sẵn sàng nhập ngũ”, “Tiền tuyến cần một, Hòa Xá có hai"...

Ba "Chiếc gậy Trường Sơn" có khắc tên các chiến sĩ: Phùng Văn Quán, Đỗ Tít và Lưu Tiến Long như lời nhắn gửi đến gia đình, quê hương yêu dấu, rằng các anh đã đến chiến trường và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc... Đó cũng là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Phạm Tuyên, trong đợt công tác tại Hòa Xá vào mùa hè năm 1967, đã sáng tác bài hát "Chiếc gậy Trường Sơn". Bài hát ra đời, góp phần khích lệ lớp lớp thanh niên hăng hái lên đường chiến đấu. Giai đoạn đó, xã Hòa Xá đã tiến hành 27 đợt tuyển quân, tiễn đưa 537 thanh niên lên đường nhập ngũ; 50 người tham gia thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến. Nhiều thanh niên mới 16 - 17 tuổi đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ.

Đặc biệt, ngày 18-7-1967, một trung đội trực chiến bảo vệ cầu Tế Tiêu và các khu dân cư của xã do đồng chí Đoàn Thị Duyệt chỉ huy đã phối hợp với bộ đội chủ lực bắn rơi 1 máy bay Mỹ... Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, 120 người con Hòa Xá đã ngã xuống, ngoài ra, xã còn có hàng trăm thương - bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam dioxin; 10 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng...

Xã nông thôn mới kiểu mẫu đang định hình

Truyền thống quê hương luôn là nguồn năng lượng tích cực tiếp sức cho Hòa Xá hôm nay. Diện mạo nông thôn mới kiểu mẫu đã hiện hữu ở khắp cả 4 thôn: Thái Hòa, Trung Hòa, Nhân Hòa, An Hòa.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hòa Xá Đỗ Văn Tuyên chia sẻ, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Hòa Xá và người dân đã phát huy hiệu quả truyền thống kiên trung, bất khuất trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015. Năm 2022, Hòa Xá đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và năm 2023 tiếp tục được chọn xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Ứng Hòa.

Trên địa bàn Hòa Xá, 100% tuyến đường trục liên xã, liên thôn... được bê tông hóa, mở rộng; đường có tên, nhà có số. Xã tích cực chỉ đạo thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo vùng sản xuất tập trung, quy mô gắn với việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật, tạo ra sản phẩm năng suất, chất lượng cao, góp phần tăng thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác. Điển hình, trên địa bàn xã có sản phẩm bưởi Diễn được Hội đồng thẩm định thành phố Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đạt 4 sao...

Thành tựu về kinh tế tiếp sức cho nhiệm vụ phát triển văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Hệ thống giáo dục các cấp của xã được đầu tư nâng cao cả về cơ sở trường lớp, trang thiết bị giảng dạy, chất lượng đội ngũ giáo viên. Hiện cả 3/3 trường học trên địa bàn đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Xã có 4 thôn văn hóa; 5 cơ quan được công nhận cơ quan văn hóa; đạt chuẩn quốc gia về y tế... Đặc biệt, Hòa Xá là một trong những xã có phong trào khuyến học, khuyến tài tiêu biểu của huyện Ứng Hòa.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn cho biết, mấy chục năm qua, ở Hòa Xá, lớp cha ra tiền tuyến, lớp con cháu trưởng thành tham gia làm kinh tế, phát triển văn hóa, giáo dục, xây dựng quê hương giàu đẹp. Những trang sử vàng khắc sâu trong tiềm thức của nhiều thế hệ, gắn bó như máu thịt và là nền tảng để người Hòa Xá vững bước tới tương lai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đổi thay trên quê hương "Chiếc gậy Trường Sơn"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.