Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi thay đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Nguyễn Mai| 29/09/2022 16:05

(HNMO) - Hà Nội hiện có 153 thôn thuộc 14 xã của 5 huyện có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung theo cộng đồng. Những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của mỗi hộ dân, khu vực này đổi thay từng ngày...

Năng động phát triển kinh tế

Theo Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội), hiện nay, toàn thành phố có 14 xã có đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Mường và Dao) sinh sống tập trung. Trong đó, huyện Ba Vì có 7 xã, huyện Thạch Thất có 3 xã, huyện Quốc Oai có 2 xã, huyện Chương Mỹ và huyện Mỹ Đức mỗi huyện có 1 xã.

Không trồng rau, trồng lúa nhiều như các xã khác, vườn, ruộng của các gia đình ở xã Ba Vì (huyện Ba Vì) trồng cây thuốc Nam. Gia đình ông Dương Kim Liên (thôn Yên Sơn) cũng vậy. Công việc hằng ngày của vợ chồng ông là chăm sóc cây thuốc với hàng trăm loại. Cây đến kỳ lấy củ, lấy quả, lấy lá, lấy vỏ… thì gia đình ông thu hái, sơ chế, phơi, sấy, bào chế thành các loại thuốc đắp, thuốc cao, thuốc sắc… mang đi khắp chợ phiên trong vùng để bán.

Ông Liên cho biết, những năm gần đây, tập trung vào nghề thuốc, cuộc sống gia đình ông tươm tất hơn trước rất nhiều. Yên Sơn giờ không còn mấy hộ nghèo. Nhà nào cũng có “của ăn, của để”, nhà cửa khang trang.

Người Dao ở xã Ba Vì (huyện Ba Vì) bào chế thuốc Nam.

Xã Ba Vì là địa phương duy nhất ở huyện Ba Vì có tới 98% dân số là người dân tộc Dao sinh sống tập trung tại 3 thôn với khoảng 550 hộ dân. Chủ tịch UBND xã Lăng Văn Hà nhẩm tính, toàn xã có hơn 300 hộ gia đình phát triển nghề làm thuốc Nam. Không chỉ phát triển quy mô hộ, người dân đã tập hợp, thành lập được 9 hợp tác xã thuốc Nam để đưa nghề truyền thống phát triển bài bản hơn, mang lại nguồn thu nhập cao hơn.

Hiện nay, cả 3 thôn của xã: Yên Sơn, Hợp Sơn và Hợp Nhất đều đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận làng nghề thuốc Nam truyền thống. Năm 2021, thu nhập bình quân của xã đã đạt 61 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo giảm, chỉ còn 1,8%.

Người dân xã An Phú (Mỹ Đức) có thu nhập cao hơn nhờ chuyển từ trồng lúa sang sen.

Đổi thay cũng đến với An Phú - xã duy nhất của huyện Mỹ Đức có đồng bào dân tộc Mường sinh sống tập trung, chiếm 68% dân số. Đến An Phú trong những ngày này gặp những cánh đồng sen bát ngát, tỏa hương ngào ngạt.

Phó Chủ tịch UBND xã An Phú Nguyễn Mạnh Ngự cho biết, nằm trong “lòng chảo”, thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang nên trước khi có cây sen, người dân An Phú chỉ trồng được mỗi năm 1 vụ lúa. Nghề phụ không có nên cái đói, cái nghèo vẫn bủa vây người dân.

Giờ đây, cả xã đã chuyển đổi được khoảng 178ha từ lúa sang sen, chủ yếu ở các thôn: Đức Dương, Đồng Văn, Đồi Dùng và một số vùng nhỏ lẻ như: Nam Hưng, Thanh Hà, Đồng Chiêm, Ái Nàng. Vừa đẹp, vừa cho hiệu quả kinh tế cao nên người dân chuyển sang trồng sen ngày một nhiều. Ngoài thu hoạch hoa, lá, hạt, các hộ còn đầu tư cầu tre khắp đồng để du khách trải nghiệm, chụp ảnh, thêm nguồn thu nhập.

Tương tự, sự đổi thay tích cực cũng đang đến với nhiều xã dân tộc thiểu số khác như: Tiến Xuân, Yên Trung (huyện Thạch Thất), Đông Xuân, Phú Mãn (huyện Quốc Oai)…

Nhiều thành tựu trong xây dựng nông thôn mới

Trong những năm qua, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số của Hà Nội đã được Trung ương và thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng và các dự án phát triển kinh tế, qua đó, giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.

Đổi thay ở xã nông thôn mới Yên Bài (Ba Vì).

Theo Phòng Kinh tế huyện Ba Vì, trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, 7 xã khu vực miền núi của huyện Ba Vì: Yên Bài, Vân Hòa, Khánh Thượng, Minh Quang, Ba Vì, Tản Lĩnh, Ba Trại đều được đầu tư hệ thống hạ tầng, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao và đều đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. 

Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, xã Yên Bài (huyện Ba Vì) tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao nên rất cần nguồn vốn lớn để nâng cao chất lượng các tiêu chí, đặc biệt là hệ thống hạ tầng, giao thông, thủy lợi, trường học…

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, đến nay, cả 14 xã dân tộc miền núi của Hà Nội đã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, nhiều công trình ở các xã dân tộc miền núi còn được xây dựng quy mô lớn hơn nhiều so với xã đồng bằng như: Giao thông nông thôn, nhà văn hóa, trường học… bởi ở các xã này có quỹ đất lớn.

Tuy nhiên, bên cạnh diện mạo mới từng ngày, khu vực dân tộc thiểu số của Thủ đô vẫn còn một số khó khăn. Đó là địa hình chủ yếu là đồi núi, cách xa trung tâm; dân cư sinh sống phân tán, dễ bị ảnh hưởng của thiên tai. Hơn nữa, kết cấu hạ tầng, mặt bằng dân trí, trình độ tổ chức sản xuất, kỹ năng lao động, khả năng tiếp thu và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của một bộ phận còn hạn chế... Mặt khác, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở các xã này so với các địa phương khác còn cao.

Phó Chủ tịch UBND xã An Phú Nguyễn Mạnh Ngự cho biết, do địa hình lòng chảo nên việc sản xuất nông nghiệp của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Vụ xuân 2022, toàn xã cấy được 446ha, đạt 100% kế hoạch nhưng do ảnh hưởng của lũ tiểu mãn cuối tháng 5 đã làm thiệt hại và mất trắng 70ha ở các thôn: Đồng Chiêm, Ái Nàng, Nam Hưng, Thanh Hà. 

Để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân khu vực 14 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Thủ đô, ông Trần Sỹ Tiến - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội) đề xuất, các cấp, các ngành chức năng cần ưu tiên bố trí nguồn lực và có chính sách đặc thù để triển khai thực hiện chính sách dân tộc đã ban hành nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế, bảo đảm hoàn thành mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, thành phố sớm ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức hỗ trợ phát triển sản xuất và chi phí quản lý dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, du lịch, phát triển làng nghề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Hà Nội giai đoạn 2021-2030.

Đồng thời, thành phố cũng cần bổ sung các nguồn vốn vay như vốn vay giải quyết việc làm, vay hỗ trợ sản xuất, vay xuất khẩu lao động để mở rộng sản xuất, thu hút lao động, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, tạo thêm thuận lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số đạt nhiều thành tựu hơn nữa trong xây dựng nông thôn mới...

---------------------------

* Bài viết có sự phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi thay đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.