Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi thay đôi bờ Rạch Chiếc

Tuệ Diễm| 29/04/2016 20:22

(HNMO) - Cầu Rạch Chiếc bắc qua nhánh sông Sài Gòn trước đây vốn là trận địa quyết tử giữa quân ta và địch trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngày nay, Rạch Chiếc được đầu tư xây mới giúp thúc đẩy kinh tế vùng phía Đông thành phố và kết nối TP Hồ Chí Minh với vùng Đông Nam Bộ, miền Trung và miền Bắc.

Cầu Rạch Chiếc - nơi 52 chiến sĩ hy sinh mở đường cho quân ta tiến vào Sài Gòn


Sông Rạch Chiếc vốn là một nhánh nhỏ của sông Sài Gòn, hai bờ  sình lầy phủ đầy cây dại. Trước năm 1975, đây là vị trí chiến lược thuộc cụm liên hiệp phòng thủ tại cầu Rạch Chiếc, Liên trường Thủ Đức - Cát Lái của quân Ngụy. Quanh đó là các cảng quân sự Sài Gòn, Nhơn Trạch. Giữa tháng 4-1975, sau khi thất bại tại tuyến lửa Xuân Lộc, quân địch co cụm về tử thủ ở Sài Gòn. Biết vị trí quan trọng của cầu Rạch Chiếc, cửa ngõ phía Đông của Sài Gòn chỉ cách nội đô 5 km, địch tăng cường khoảng 2.000 quân cùng nhiều vũ khí hiện tối tân nhằm giữ cầu và chuẩn bị trong tình thế thua trận sẽ đánh bom sập cầu để ngăn cản quân ta tiến vào Sài Gòn.

Từ rạng sáng 27-4-1975, chiến sỹ Lữ đoàn 316 đặc công Z22, Z23 biệt động đã bắn đạn B40 mở đầu cuộc chiến giành cầu Rạch Chiếc. Trong 3 ngày đêm chiến đấu gian khổ, quân ta đã kiên cường bám trụ, tấn công địch và tiêu diệt 2 tiểu đoàn quân ngụy, làm hàng ngàn tên địch mất ý chí chiến đấu, tháo chạy vào nội đô. Cầu Rạch Chiếc được giữ vững, đảm bảo thắng lợi cho bộ đội chủ lực tiến vào thành phố, hoàn toàn giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Chúng tôi đến thăm cầu Rạch Chiếc những ngày tháng tư lịch sử. Đôi bờ sông ngày nay không còn là những bãi sình hoang vu, thay vào đó là những công trình xây dựng mọc lên đồ sộ. Khu đô thị phía Đông TP.Hồ Chí Minh bên bờ sông Rạch Chiếc được mọc lên tại quận 9, quận Thủ Đức và quận 2 tiếp giáp với khu tam giác kinh tế Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu. Ông Nguyễn Văn Minh, người dân sống lâu năm ở phường Phước Long, Quận 9 có cả cuộc đời ông gắn bó với cây cầu Rạch Chiếc, tận mắt chứng kiến sự thay đổi từng ngày của vùng đất nơi đây. Ông thổ lộ với chúng tôi: “Vùng đất cách mạng linh thiêng này được thành phố quan tâm, tạo điều kiện xây mới cầu Rạch Chiếc, rồi tuyến Metro, đường cao tốc. Nhờ hạ tầng giao thông  đầu tư phát triển, kéo theo sự phát triển của cả khu vực quận 9, quận 2 và quận Thủ Đức. Nơi tôi ở, xưa kia là đầm lầy ẩn náu của các chiến sĩ nằm vùng nay biến thành khu đô thị, thu hút nhiều dự án bất động sản. Người dân TP Hồ Chí Minh và các vùng lân cận đổ về đây định cư nhiều hơn. Trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ đến bãi lầy lại trở thành nơi sống hiện đại  trong lành thế này".

Chiến trường Rạch Chiếc xưa, nay đang được đầu tư đô thị hóa


Khi hoàng hôn dần buông, những tia nắng chiều ánh đổ xuống, mặt sông Rạch Chiếc như chiếc giương chiếu cả những trục cẩu khổng lồ của công trình xây dựng đôi bờ. Trên sông, công trình tuyến đường Metro nằm song song với xa lộ Hà Nội đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Tiếng hàn sắt, tiếng gõ búa, xen lẫn tiếng cười nói trong không khí lao động hối hả. Dưới bờ sông, khung cảnh không tĩnh lặng như xưa. Đôi bờ lau sậy được tỉa bỏ, thay vào đó là các dự án cải tạo công viên ven sông, xây dựng khu dân cư ven sông Rạch Chiếc.

Nằm bên chân cầu Rạch Chiếc thuộc địa bàn phường An Phú quận 2, xưa kia là chiến lũy cố thủ của quân địch, nơi xảy ra trận đánh ác liệt nhất giữa quân ta và địch cách đây 41 năm đã trở thành khu công viên - bia tưởng niệm các liệt sĩ chiến đấu bảo vệ cầu Rạch Chiếc. Đây là dự án có tổng diện tích khoảng 12.000 m2 do TP Hồ Chí Minh triển khai dịp kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước  để tưởng nhớ công ơn của các chiến sĩ đã dũng cảm hy sinh, giành độc lập cho dân tộc. Năm nào cũng vậy, dịp này, thân nhân liệt sĩ, người dân mọi miền đât nước đến dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ đã vì nước quên mình.

Khu Công viên - Bia tưởng niệm 52 chiến sĩ hy sinh bảo vệ cầu Rạch Chiếc.


Một khung cảnh yên bình, thiêng liêng bên cạnh cây cầu Rạch Chiếc nhộn nhịp những dòng người, dòng xe qua lại. Khung cảnh yên bình được đổi bằng máu và nước mắt của các chiến sĩ khiến cho người dân đến thăm viếng xúc động. Những ngày này, dòng người tấp nập đi qua cầu Rạch Chiếc, nhiều người dừng lại thắp một nén nhang cho các liệt sĩ ngã xuống. Ông Vũ Văn Tâm, một cựu chiến binh trong chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 khi đến thăm khu tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại cầu Rạch Chiếc đã rơi nước mắt: “Những ngày đất nước chúng ta đang sống trong không khí hào hùng của lịch sử, chúng tôi không ai quên các đồng đội của mình. Các anh ở đây ngã xuống trước ngày đất nước hòa bình vài ngày. Sự hy sinh ấy quá lớn lao, không gì bù đắp được”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đổi thay đôi bờ Rạch Chiếc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.