Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Đời sống đồng bào các dân tộc đã cải thiện rõ rệt..."

Linh Chi thực hiện| 26/04/2018 07:06

(HNM) - Báo Hànộimới có cuộc phỏng vấn Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Tất Vinh về những thành tựu nổi bật trong công tác dân tộc nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Ban Dân tộc thành phố.

Nghề làm thuốc Nam tại xã Ba Vì (huyện Ba Vì) mang lại thu nhập ổn định cho người dân.Ảnh: Nhật Nam


- Những năm qua, TP Hà Nội luôn đặc biệt quan tâm thực hiện công tác dân tộc. Xin đồng chí cho biết đôi nét về chính sách dân tộc trên địa bàn thành phố?

- Hà Nội có hơn 92.000 người dân tộc thiểu số thuộc 50 thành phần dân tộc, chiếm 1,2% dân số toàn thành phố. Tại 14 xã của 5 huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức có 57,4% người dân tộc thiểu số cư trú tập trung. Những năm qua, việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc của thành phố đã nhận được sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố.

Cơ quan công tác dân tộc từ thành phố đến cơ sở đã thực hiện tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp trong tổ chức thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc; chủ động nắm tình hình địa bàn, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào; triển khai đầy đủ các chính sách, chương trình, dự án; góp phần quan trọng đưa các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc đi vào cuộc sống.

Nổi bật là Ban Dân tộc thành phố đã chủ trì tham mưu cho thành phố ban hành Đề án thực hiện chương trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc, miền núi trên địa bàn TP Hà Nội năm 2009-2010; Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2015; Kế hoạch số 166/KH-UBND về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2013-2015; Kế hoạch số 138/KH-UBND về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020...

Theo đó, cùng với các chính sách hỗ trợ của trung ương, thành phố đã dành hàng nghìn tỷ đồng cho đầu tư phát triển nhằm nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.

- Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham mưu đúng đắn, hiệu quả của Ban Dân tộc, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số Thủ đô đã có nhiều chuyển biến tích cực. Xin đồng chí cho biết những thành tựu nổi bật?

- Nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc, đến nay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô đã có nhiều đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt 13%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm nhanh (hơn 3%/năm).

Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, đạt hơn 28 triệu đồng/người/năm, có xã đạt hơn 40 triệu đồng/người/năm. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được tập trung đầu tư. 100% xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã, điểm bưu điện; 100% hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt; 100% thôn có đường dây điện thoại, mạng lưới internet. Toàn thành phố không còn thôn, xã đặc biệt khó khăn, đã có 6/14 xã dân tộc miền núi đạt chuẩn nông thôn mới.

Các hoạt động thể thao, văn hóa... được khôi phục và phát huy. 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Đã có 33/62 trường học đạt chuẩn quốc gia (chiếm 53,22%). 83,47% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.
Kinh tế - xã hội phát triển đã tạo không khí phấn khởi, đoàn kết giữa các dân tộc, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội. Tình hình an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Thủ đô cơ bản ổn định, đại bộ phận đồng bào tin tưởng vào chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.

- Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác dân tộc trên địa bàn thành phố còn những khó khăn nào cần kịp thời tháo gỡ, thưa đồng chí?

- Bên cạnh những thành tựu, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn Thủ đô còn một số hạn chế. Việc nắm tình hình địa bàn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện chính sách dân tộc còn chưa tốt nên có lúc chậm phát hiện, giải quyết các bất cập, vướng mắc phát sinh. Công tác tham mưu, đề xuất, triển khai thực hiện chính sách cũng chưa như mong muốn. Sự phối hợp giữa Ban Dân tộc với một số sở, ngành, địa phương có lúc thiếu chặt chẽ...

Tình hình kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi vẫn còn nhiều khó khăn. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội một số vùng chưa đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn cao. Nhiều nơi đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, khó chuyển đổi nghề. Năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ cơ sở, cán bộ người dân tộc thiểu số ở một số địa phương còn hạn chế. An ninh trật tự một số nơi vẫn tiềm ẩn yếu tố phức tạp...

- Xin đồng chí cho biết một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân tộc trong thời gian tới?

- Để phát triển bền vững vùng dân tộc miền núi, góp phần khắc phục các bất cập và khó khăn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc, thời gian tới, Ban Dân tộc thành phố tiếp tục nắm vững tình hình đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, từ đó tham mưu với UBND thành phố thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc sâu sát cơ sở, nắm vững phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào để làm tốt chức năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và quy định của thành phố.

Bên cạnh đó, Ban Dân tộc thành phố phối hợp cùng các cấp, các ngành thực hiện tốt chính sách dân tộc của Trung ương, thành phố, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng; tham mưu, đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số Thủ đô; gắn thực hiện các chính sách an sinh xã hội với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, trước hết, Ban Dân tộc thành phố phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động nhiệt tình, tâm huyết với công tác dân tộc, có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Đời sống đồng bào các dân tộc đã cải thiện rõ rệt..."

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.