(HNM) - Hôm nay 6-5, ngày kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, một trong số những văn nghệ sĩ Hà Nội có đóng góp lớn cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam. Cuộc đời ông, tuy ngắn ngủi nhưng đáng tự hào, với những thành công trong lĩnh vực văn nghệ và cả cách làm người, cách bày tỏ tình cảm yêu nước và lòng tự hào dân tộc không lúc nào nguôi.
Một cuốn sách giới thiệu về nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. |
1. Nguyễn Huy Tưởng sinh ngày 6-5-1912 trong một gia đình dòng dõi thi thư tại Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội (ngôi nhà nơi ông ra đời, sống những năm thơ ấu cũng là trụ sở bí mật của văn hóa cứu quốc sau này, đã được thành phố Hà Nội bảo tồn, xếp hạng di tích). Cha mất sớm, Nguyễn Huy Tưởng sống với mẹ, một người phụ nữ tần tảo, nhân hậu, là người mà ông chịu rất nhiều ảnh hưởng. Năm lên mười tuổi, Nguyễn Huy Tưởng được gửi xuống Hải Phòng ăn học.
Ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, ông đã ngưỡng mộ các bậc anh hùng cái thế và truyền thống chống ngoại xâm của quê hương đất nước. Gần như không phải trải qua một quá trình “nhận đường” nào, ông đã nhanh chóng hiểu rằng với mình, “muốn tỏ lòng yêu nước chỉ có việc viết văn quốc ngữ mà thôi”.
Trưởng thành sớm nhưng thành công muộn. Mãi năm 30 tuổi Nguyễn Huy Tưởng mới lần lượt trình làng bộ ba truyện lịch sử Đêm hội Long Trì (1942), Vũ Như Tô (1942), An Tư (1943). Với Vũ Như Tô, ông đã tự khẳng định được tầm vóc và chỗ đứng của mình trong lịch sử văn học Việt Nam.
Cuối năm 1942, Nguyễn Huy Tưởng bắt đầu liên lạc với phong trào Việt Minh, đầu năm 1943 thì ông gia nhập Văn hóa cứu quốc. Những ngày khởi nghĩa, ông được cử đi dự Đại hội quốc dân Tân Trào. Rồi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông làm Báo Cờ giải phóng, Báo Tiên phong và là Tổng thư ký Ban trung ương vận động đời sống mới. Năm 1946, Nguyễn Huy Tưởng được bầu vào Quốc hội khóa I với trọng trách Phó Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam. Cũng trong năm 1946, vở kịch Bắc Sơn của ông được công diễn tại Nhà hát Lớn - Hà Nội. Vở kịch gây tiếng vang lớn, được đánh giá là “Bắc Sơn mở ra một nền kịch mới”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến Nhà hát Lớn - Hà Nội xem vở kịch này. Sau đó, tháng 12-1946, Nguyễn Huy Tưởng được giao tổ chức Đoàn văn hóa kháng chiến, cùng các nghệ sĩ lên Chiến khu tham gia cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc. Năm 1948, Nguyễn Huy Tưởng sáng lập Tạp chí Văn nghệ. Năm 1949, ông được chỉ định vào Tiểu ban văn nghệ Trung ương Đảng.
Những năm năm mươi của thế kỷ trước, Nguyễn Huy Tưởng tham gia chiến dịch Biên giới, viết Ký sự Cao Lạng (1950), tham gia cải cách ruộng đất, viết tiểu thuyết Truyện anh Lục (1955), đi thực tế Điện Biên Phủ, viết Bốn năm sau (1959). Nguyễn Huy Tưởng cũng là sáng lập viên và là Giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng (1957). Chùm truyện nhỏ ông viết cho thiếu nhi trong thời gian này như Tìm mẹ, An Dương Vương xây thành Ốc, Kể chuyện Quang Trung, Thằng Quấy, Lá cờ thêu sáu chữ vàng… được coi là mẫu mực, nhà văn Tô Hoài gọi đó là những cổ tích “lạ lùng xanh biếc, mang đến cho văn học Việt Nam một phong cách đặc biệt trong miêu tả”.
Nguyễn Huy Tưởng mất ngày 25-7-1960 sau một cơn bạo bệnh, khi ông vừa viết xong Sống mãi với Thủ đô tập I.
Tháng 9-1996, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
2. Năm Nhâm Thìn 2012, nhà văn Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng tròn 100 tuổi. Với vũ trụ nhiều tỷ năm, 100 năm như cái chớp mắt; với lịch sử đất nước mấy nghìn năm, 100 năm là một quãng thời gian ngắn. Thời gian, với một nhà văn phải được đo bằng “đại lượng” tác phẩm và sức sống của nó trong lòng bạn đọc. Vũ Trọng Phụng sống 27 năm, để lại một sự nghiệp huy hoàng cùng với tiểu thuyết Số đỏ “thiếu chút nữa thì thành kiệt tác”. Vũ Trọng Phụng đã trở thành bất tử. Hàn Mạc Tử, mất năm 28 tuổi, để lại những bài thơ siêu thực vô tiền khoáng hậu sống mãi với thời gian. Nguyễn Huy Tưởng cùng tuổi Nhâm Thìn 1912 với Vũ Trọng Phụng và Hàn Mạc Tử, ông cũng chỉ sống được 48 tuổi và cũng như Vũ Trọng Phụng, Hàn Mạc Tử, ông đã kịp trở thành một tác gia lớn của văn học Việt Nam hiện đại.
Từ trung tâm Hà Nội đến Dục Tú - Đông Anh quê hương Nguyễn Huy Tưởng, nếu tính theo đường chim bay chỉ khoảng mươi kilômét, nếu đi bằng xe đạp (phương tiện mà ông cùng các nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Như Phong, Nguyễn Đình Thi… dùng để đi từ Hà Nội về nhà ông ở làng Dục Tú làm Báo Cứu quốc chuẩn bị Tổng khởi nghĩa) cũng chỉ mất tiếng rưỡi đồng hồ. Dục Tú và các vùng xung quanh như Lộc Hà, Cổ Loa… theo cách nói của ông, mỗi bước đi đều bắt gặp dấu tích lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của cha ông. Bản thân Nguyễn Huy Tưởng, trừ mấy năm đi làm công chức Sở Thương chính ở Hải Phòng và thời gian ở Chiến khu Việt Bắc, gần như suốt đời ông sống giữa Hà Nội 36 phố phường. Cho nên, không có gì lạ khi phần thành công nhất trong sự nghiệp của ông là những sáng tác về Hà Nội và những sự kiện xảy ra trên vùng đất này. Cũng không là quá khó hiểu khi gần như toàn bộ sự nghiệp sáng tác của ông đều mang âm hưởng lịch sử, hào khí Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Chủ đề chủ đạo, nhất quán trong hầu hết tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng là tư tưởng yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Vũ Như Tô, Trần Văn, Nguyễn Mại, Đan Thiềm, những nhân vật trong tác phẩm Nguyễn Huy Tưởng, dù sống trong các thời đại khác nhau, cảnh ngộ khác nhau, cuộc đời người này hạnh phúc, người khác bất hạnh, người này là anh hùng, người khác là cung nữ… nhưng tất cả đều có điểm chung sáng rõ: yêu nước. Một cung nữ sống trong cung cấm như Đan Thiềm cũng mong Vũ Như Tô được sống để dùng tài năng tô điểm cho non sông đất nước. Một Nguyễn Mại (Đêm hội Long Trì) dấn thân dẹp loạn vì dân, một Vũ Như Tô xây Cửu trùng đài cho hậu thế… Họ là những người yêu nước, có thể là những anh hùng, nhưng họ hành động một mình, cô đơn giữa đồng loại, giữa nhân dân mình.
Sau Cách mạng Tháng Tám, tư tưởng yêu nước trong sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng có một bước ngoặt quan trọng. Những nhân vật yêu nước của ông không cô đơn như trước nữa, họ đã đi từ “chân trời một người đến chân trời tất cả”, họ là số đông, là nhân dân. Bắc Sơn là cuộc khởi nghĩa của quần chúng. Khởi nghĩa thất bại nhưng người ta vẫn nhìn thấy thế thắng của cách mạng.
Sống mãi với Thủ đô phản ánh cuộc chiến đấu khốc liệt và hào hùng của nhân dân Thủ đô chống lại thực dân Pháp trong những ngày đầu kháng chiến. Tác phẩm có đến mấy chục nhân vật, thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau như công nhân, nông dân, thị dân, trí thức… nhưng nhân vật thực sự mà người viết muốn hướng tới chính là nhân dân. Nhân dân, chứ không phải ai khác, là người quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến. Ở đây, tư tưởng yêu nước đã được nâng lên một tầm cao mới, mang tính thời đại. Không còn kiểu nhân vật yêu nước cô đơn như Vũ Như Tô, Đan Thiềm nữa, những Quốc Vinh, Nguyễn Gia Định, Trần Văn đều là con đẻ của nhân dân, gắn bó với nhân dân. Họ có thể chết, nhưng cuộc kháng chiến không thể thất bại bởi nhân dân không bao giờ chết, nhân dân là vô địch. Nhân dân trở thành nhân vật chính của văn học.
Sống mãi với Thủ đô là bài ca yêu nước hùng tráng nhất của nhân dân Hà Nội về những ngày đầu kháng chiến.
3. Sức hấp dẫn của một tác phẩm không chỉ là ở chỗ anh kể chuyện gì với bạn đọc, mà còn ở chỗ anh kể chuyện đó như thế nào.
Nghệ thuật kể chuyện của Nguyễn Huy Tưởng thể hiện ở rất nhiều điểm, từ cách chọn đề tài, cách giải quyết vấn đề, nghệ thuật sử dụng ngôn từ… nhưng cái đáng kể trước hết là điều mà rất nhiều người đã nhắc tới: Cảm hứng lịch sử.
Cảm hứng này được hình thành từ tư chất nhà văn, từ truyền thống dân tộc, truyền thống gia đình… nhưng trước hết là từ tình yêu của người viết với lịch sử, đất nước, con người Việt Nam. Đọc tác phẩm của ông, các chi tiết, ngôn từ, tình huống đều làm cho bạn đọc liên tưởng đến quá khứ, đến lịch sử đất nước. Một chiếc lá sấu như được giát vàng, âm thầm gieo xuống vạt cỏ bờ hồ Hoàn Kiếm vào một ngày mùa đông 1946 như một điềm báo trước những ngày bình yên đã hết, những ngày khốc liệt của Hà Nội kháng chiến bắt đầu, nó gợi nhớ “mái buồn nghe sấu rụng” rất đặc trưng của Hà Nội. Nguyễn Huy Tưởng là người đầu tiên và hình như cũng là người duy nhất dùng chữ quan gia để chỉ vua Trần. Chỉ một từ thôi, nhưng cũng đủ để làm cho không khí câu chuyện trở nên khác lạ, cổ kính. Ở một trường hợp khác, ông viết: “Hoài Văn bắt được nó mà từ quan gia đến triều đình đều không ai biết. Hầu trói nó lại, đập roi ngựa lên đầu nó, và quát lớn…”. Câu văn này có hai chi tiết thú vị. Nguyễn Huy Tưởng dùng chữ hầu để chỉ Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản. Nếu không am hiểu Hán tự, không am hiểu lịch sử thì chắc chắn không thể dùng chữ hầu một cách thần tình đến vậy. Chi tiết thứ hai, đập roi ngựa lên đầu… nếu non tay, để tả lòng căm giận Sài Thung của Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản (lúc đó gần như vẫn còn là một đứa trẻ) - có thể tả là hầu tát vào mặt nó hoặc đấm đá nó túi bụi, nhưng tác giả đã viết “đập roi ngựa lên đầu nó…”. Bởi vì Trần Quốc Toản là một vương hầu lá ngọc cành vàng, không thể trút giận bằng cách đấm đá túi bụi như một đứa trẻ chăn trâu. Một bậc vương hầu, dù hãy còn rất trẻ thì cũng phải trút giận theo kiểu… vương hầu, đập roi ngựa lên đầu. Ngày xưa, việc ngồi nhầm ghế, đội nhầm mũ của đấng bề trên là phạm thượng, có thể là phạm tội. Hầu đập roi ngựa lên đầu Sài Thung, thật đúng cốt cách của một đấng vương hầu. Sài Thung chỉ là một tên sứ nhãi nhép! Rất nhiều năm tháng đã trôi qua, rất nhiều nước đã chảy qua cầu mà người viết bài này mỗi khi nhớ đến chi tiết đập roi ngựa lên đầu nó vẫn thích thú đến đỏ mặt và tự hào mình là một người Việt thứ thiệt, một người Việt thâm căn cố đế.
Còn rất nhiều điều có thể viết về nghệ thuật văn xuôi của Nguyễn Huy Tưởng, nhưng trong khuôn khổ một bài báo, chúng tôi chỉ xin nhắc đến một vài chi tiết nhỏ, hẹn bạn đọc một dịp khác.
* *
*
Đã 100 năm kể từ ngày Nguyễn Huy Tưởng ra đời và 51 năm kể từ ngày ông mất, với An Tư, Đêm hội Long Trì, Vũ Như Tô, Bắc Sơn, Những người ở lại, Sống mãi với Thủ đô, Lá cờ thêu sáu chữ vàng… ông đã dựng cho mình một Cửu trùng đài mới bằng văn chương. Rốt cuộc thì giấc mơ không thành của người nghệ sĩ, kiến trúc sư Vũ Như Tô đã được người nghệ sĩ Nguyễn Huy Tưởng tạo dựng thành công, hóa giải cho một tấn bi kịch kéo dài suốt 5 thế kỷ.
Hà Nội, tháng 5 năm 2012
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.