Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đối ngoại năm 2021: Khẳng định bản lĩnh Việt Nam

Minh Hiếu| 31/01/2022 05:10

(HNM) - Năm 2021 là năm đầu tiên nước ta tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, mở ra một giai đoạn mới trong công cuộc đổi mới đất nước. Trong bối cảnh thế giới trải qua những biến động nhanh và phức tạp, đặc biệt là đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên toàn cầu, công tác đối ngoại tiếp tục góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc, khẳng định vị thế, bản lĩnh Việt Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu tại Phiên họp cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về an ninh khí hậu ngày 23-9-2021. Ảnh: TTXVN

Đối ngoại là động lực phát triển mạnh mẽ

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định rõ vị trí, vai trò tiên phong của đối ngoại trong tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.

Văn kiện Đại hội cũng chỉ rõ mục tiêu “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân”. Vai trò tiên phong của đối ngoại càng được khẳng định khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định: “Đối ngoại ngày nay không chỉ là sự nối tiếp của chính sách đối nội, mà còn là một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc”.

Trên cơ sở tầm nhìn chiến lược đó, các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII được triển khai linh hoạt, kết hợp sáng tạo hình thức trực tiếp và trực tuyến, qua đó củng cố lòng tin, tạo động lực cho phát triển quan hệ với nhiều đối tác. Tiếp tục chính sách ngoại giao tích cực, năm 2021 chứng kiến sự năng động của hoạt động đối ngoại với những chuyến thăm nước ngoài, làm việc trực tuyến dày đặc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước được thực hiện, trong đó có các quốc gia láng giềng và khu vực, các cường quốc thế giới và cả những bạn bè truyền thống.

Bên cạnh việc tăng cường lòng tin chính trị, việc đưa quan hệ với các quốc gia đi vào chiều sâu, ổn định đã giúp nâng cao hiệu quả của các cơ chế hợp tác, mang lại lợi ích thiết thực cho đất nước với yêu cầu rất cao trong thời kỳ mới.

Dấu ấn Việt Nam tại Liên hợp quốc

Lần thứ hai tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, cạnh tranh nước lớn gia tăng, các điểm nóng xung đột, bất ổn tiếp diễn tại nhiều nơi trên thế giới và nhất là đại dịch Covid-19 hoành hành, nước ta đã triển khai hiệu quả trọng trách, hoàn thành tốt khối lượng công việc lớn trong một nhiệm kỳ ghi rõ dấu ấn Việt Nam. Tiếng nói Việt Nam cất lên mạnh mẽ, được lắng nghe tại cơ chế đa phương giữ vai trò hàng đầu trong duy trì hòa bình, an ninh quốc tế và được các quốc gia đặc biệt coi trọng.

Đánh giá cao việc Việt Nam đã đảm đương xuất sắc vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 với nhiều sáng kiến, đóng góp thiết thực cho các vấn đề toàn cầu, Tổng Giám đốc Văn phòng Liên hợp quốc (tại Geneva, Thụy Sĩ) Tatiana Valoya nhận xét rằng, từ một nước nhận viện trợ của Liên hợp quốc để khắc phục hậu quả chiến tranh, đến nay Việt Nam đã vươn lên, tham gia sâu rộng, có nhiều đóng góp tích cực, trách nhiệm và toàn diện vào các hoạt động của Liên hợp quốc, trong đó có Hội đồng Bảo an, Hội đồng Nhân quyền, tham gia Lực lượng Gìn giữ hòa bình cùng các cơ quan của các tổ chức chuyên môn.

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc khẳng định, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ những cam kết đã hứa với cộng đồng quốc tế khi bắt đầu tham gia Hội đồng Bảo an, như vấn đề phất cao ngọn cờ Hiến chương Liên hợp quốc trong gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế, phất cao ngọn cờ thượng tôn pháp luật, coi Luật Nhân đạo là số một trong giải quyết các vấn đề xung đột an ninh ở các khu vực, bảo vệ dân thường, bảo vệ phụ nữ và trẻ em, bảo vệ môi trường trong xung đột, giải quyết các vấn đề hậu xung đột… Tất cả những nỗ lực đó là cơ sở quan trọng để Liên hợp quốc và các đối tác sẵn sàng tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực cùng quan tâm, và cũng tạo tiền đề để nước ta ứng cử vào những cơ quan quan trọng khác như Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Đặc biệt, phiên thảo luận mở cấp cao của Hội đồng Bảo an về chủ đề “Tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực nhằm thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột” do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 4-2021 đã tạo tiếng vang lớn, với những vấn đề được đánh giá là rất sâu sát và cũng cho thấy kinh nghiệm của nước đã hai lần đảm nhiệm trọng trách Ủy viên không thường trực.

Cũng theo Đại sứ Đặng Đình Quý, sự hiện diện dày đặc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Liên hợp quốc trong cả Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng tạo nên một ấn tượng rất đặc biệt. Chủ đề xuyên suốt ở tất cả các phiên thảo luận mà Chủ tịch nước tham dự là hình ảnh một Việt Nam có khát vọng hùng cường, muốn đóng góp ngày càng nhiều hơn nữa và có trách nhiệm hơn nữa vào công việc chung của cộng đồng quốc tế và khu vực. Chính điều đó khiến các nước đánh giá cao Việt Nam, trông đợi nhiều hơn rằng Việt Nam không chỉ đóng góp về chính sách, về trí tuệ mà đóng góp cả nguồn lực vào những công việc chung của khu vực và toàn cầu.

Nâng tầm đối ngoại đa phương

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, trong năm 2021, việc thực hiện hiệu quả chủ trương nâng tầm đối ngoại đa phương đã tiếp tục khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam. Đặc biệt là, chúng ta đã hoàn thành tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, phát huy các kết quả trong năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2020, đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào xây dựng Cộng đồng ASEAN; trúng cử vào nhiều tổ chức đa phương có uy tín như Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC), Hội đồng Chấp hành UNESCO, Hội đồng Khai thác bưu chính của Liên minh Bưu chính thế giới (UPU)… Chúng ta đã cam kết có trách nhiệm về chống biến đổi khí hậu tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26); tích cực đóng góp tại nhiều diễn đàn đa phương quan trọng khác.

Việt Nam bước vào năm 2021 khi vừa hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN với rất nhiều kết quả, đề xuất, sáng kiến mà Việt Nam đề ra được coi là tài sản chung của ASEAN. Sau nhiều năm tham gia ASEAN, Việt Nam đã trở thành một trong những thành viên nòng cốt, dẫn dắt, xây dựng cũng như xác định các luật chơi trong ASEAN và khu vực, trở thành một chỗ dựa vững chắc, tin cậy. Trên tinh thần đó, Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò trong thúc đẩy triển khai các kết quả đã đạt được trong năm ASEAN 2020, duy trì các nội dung là quan tâm của Việt Nam trong chương trình nghị sự của ASEAN, tô đậm hơn những đóng góp của đất nước cho các lợi ích chính đáng của cộng đồng quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng quan chức cao cấp (SOM) ASEAN Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng khẳng định, Việt Nam đã phát huy vai trò rất tích cực trong việc giải quyết các vướng mắc, khó khăn, bế tắc vì các quan điểm khác nhau, ý kiến khác nhau. Và chính Việt Nam đã đưa ra đề xuất và vận động các nước để đi đến thỏa thuận cử Đặc phái viên về Myanmar, cũng như đạt được đồng thuận để Anh trở thành Đối tác đối thoại của ASEAN.

Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi đánh giá, Việt Nam đã cho thấy vai trò lãnh đạo mạnh mẽ trong việc duy trì khu vực gắn kết, ứng phó với những thách thức, đặt vai trò trung tâm của ASEAN và lợi ích của người dân lên hàng đầu. Tất cả những điều này đã thể hiện phương châm ngoại giao mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc tới tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31: “Tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả, cùng phát triển”.

Trên đà năm 2021 với nhiều thành tựu đáng nhớ cũng như sau 35 năm đổi mới, Việt Nam có niềm tin và cơ sở vững chắc để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, góp phần thực hiện thắng lợi khát vọng, tầm nhìn phát triển của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đối ngoại năm 2021: Khẳng định bản lĩnh Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.