Phải mất hơn 10 năm để người dân Thái Lan có ý thức về việc đội mũ bảo hiểm. Nhưng bây giờ, dù trên con đường nào, vào giờ nào, thời tiết nào, những chiếc mũ bảo hiểm cũng được sử dụng tự giác. Đó là câu chuyện được ghi nhận ở Bangkok - quốc gia không xa, và có điều kiện giao thông rất gần gũi với Việt Nam.
Với dân số hơn 63 triệu người, khoảng 25 triệu phương tiện giao thông, trung bình mỗi năm Thái Lan xảy ra gần 60.000 vụ tai nạn, làm thiệt mạng hàng ngàn người, tổn thất lên tới hàng chục triệu USD. Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, số vụ tai nạn dẫn đến tử vong, đặc biệt là ở đối tượng người đi mô tô, xe máy đã giảm tới 30%. Một trong những nguyên nhân là việc siết chặt quy định đội mũ bảo hiểm trên tất cả các tuyến đường.
Trên đường phố Bangkok (Thái Lan) rất khó tìm thấy người ngồi trên xe máy mà không đội mũ bảo hiểm. Mũ bảo hiểm phổ biến đến mức, hầu như chẳng ai lấy của ai, và vì thế, nếu có việc phải ghé vào đâu đó, người ta chỉ việc treo mũ lên yên xe mà chẳng lo bị mất. Đội mũ bảo hiểm trước khi ra đường đã trở thành một thói quen. Với xe ôm, phương tiện chở khách rất phổ biến ở Bangkok, chủ xe luôn có 2 chiếc mũ bảo hiểm để đội và dành cho khách.
Anh Wuttisale Sripisut, người lái xe ôm nói: "Khách hàng khi thuê xe luôn hỏi mũ bảo hiểm, nếu chúng tôi không có mũ cho họ đội, họ sẽ không đi".
Quy định bắt buộc thắt dây an toàn khi đi ôtô và đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy được áp dụng ở Thái Lan từ năm 1995, nhưng phải đến khi một chương trình hành động gồm 9 bước cụ thể với những quy định xử phạt nghiêm khắc, đồng thời xây dựng mô hình phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan và kiểm soát chất lượng mũ bảo hiểm thì mới tạo ra những hiệu quả rõ rệt.
Nếu năm 1994, số người tử vong do TNGT ở Thái Lan cao gấp 3 lần Việt Nam, thì đến 2003, con số đó đã bằng nhau. Nghĩa là số người tử vong do TNGT của Thái Lan giảm 1/3, còn Việt Nam thì ngược lại.
Ông Chairoom Tangpaisalbit, Giám đốc điều hành Uỷ ban ATGT Thái Lan cho biết: "Vấn đề giao thông của Việt Nam và Thái Lan về cơ bản là giống nhau. Kinh nghiệm chúng tôi đã tập trung làm là, giáo dục nâng cao nhận thức cả với hệ thống quan chức nhà nước và với quảng đại quần chúng để có nhận thức tốt hơn về vấn đề ATGT. Theo tôi, yếu tố quan trọng đầu tiên để thành công là sự nghiêm khắc của luật pháp, thứ hai là làm sao để người dân tự ý thức được việc tuân thủ luật giao thông là quyền lợi của bản thân và gia đình họ".
Tại Thái Lan, nếu bị Cảnh sát giao thông giữ lại vì hành vi không đội mũ bảo hiểm, người vi phạm sẽ phải nộp phạt từ 200 đến 500 bạt, tức từ 10 đến 30 USD, đồng thời bị đánh dấu bằng lái. Sau 2 lần vi phạm, sẽ buộc phải thi để làm lại giấy phép lái xe với số tiền phạt tăng gấp đôi. Sự phối hợp đồng bộ giúp ngành giao thông Thái Lan có thể triển khai những chương trình hành động hiệu quả. Nếu mua phải một chiếc mũ bảo hiểm kém chất lượng có thể đổi lấy 1 chiếc đúng tiêu chuẩn từ chính phủ, số tiền chênh lệch được lấy từ 3 nguồn: ngân sách, các tổ chức quốc tế, và các nhà sản xuất mũ bảo hiểm chính hãng. Dẫu vậy, chương trình hành động này vẫn còn nhiều điểm cần tiếp tục hoàn thiện.
Theo Tiến sĩ Tawatchai Laosirihongthong, Trung tâm nghiên cứu phát triển giao thông vận tải - Đại học kỹ thuật King Mongkut - Thái Lan: "Chúng tôi có nghiên cứu về chất lượng mũ bảo hiểm ở Thái Lan và nhận thấy, kiểu dáng mũ thay đổi rất ít trong 20 năm qua. Những chiếc mũ bảo hiểm vẫn rất kềnh càng, nặng nề, và nóng bức. Vì thế, một số người không muốn đội, hoặc chỉ đội khi thấy Cảnh sát giao thông".
VTV
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.