Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới từ nguồn nhân lực

Hiền Chi| 02/11/2010 06:22

(HNM) - Chưa bao giờ các vấn đề về cải cách hành chính (CCHC) lại được


Kết quả đánh giá không đồng nhất


Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ tại bộ phận “một cửa” phường Thanh Xuân, quận Thanh Xuân.  Ảnh: Linh Tâm

Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2001-2010 sẽ được tổng kết vào tháng 12-2010 nên hầu hết các chương trình đánh giá, khảo sát đều xoay quanh 9 mục tiêu của chương trình tổng thể. Các cơ quan, tổ chức đã có những bước tiến hành khác nhau, nhìn nhận ở nhiều khía cạnh, vì thế kết quả thu được đa chiều. Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) - mục tiêu 2 - thời gian qua đã được thực hiện khá đồng bộ, trong đó có thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" tại cơ quan hành chính nhà nước (HCNN) ở địa phương (đến nay đã có 6% cấp xã, 98% cấp huyện và 87% các sở, ban, ngành cấp tỉnh triển khai cơ chế này); kết quả cải cách TTHC thời gian qua đã cải thiện một bước đáng kể mối quan hệ giữa cơ quan HCNN với người dân, doanh nghiệp. Còn theo kết quả khảo sát của Công ty Tư vấn độc lập Depocen (công ty đã khảo sát 6 bộ và cơ quan ngang bộ cùng 9 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ) thì phòng "một cửa" đã được mở và đi vào hoạt động tại tất cả các cơ quan cấp tỉnh và cấp huyện. Một số tỉnh, thành phố như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Tiền Giang, phòng "một cửa" đã được mở tại tất cả UBND xã, phường. Tuy nhiên, Depocen cho rằng, thực hiện "một cửa" không dễ dàng và cũng không cần thiết phải mở ở tất cả xã, phường, nhất là ở những vùng sâu và miền núi. Cũng theo Depocen, khoảng 20% cán bộ, công chức (CBCC) được khảo sát chỉ ra rằng vẫn còn hiện tượng CBCC nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân. Con số này còn khiến người ta "giật mình" hơn qua kết quả khảo sát của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Báo VietNamnet, trong 1.466 ý kiến người dân tham gia trả lời thì có tới 67% cho rằng TTHC cần quá nhiều giấy tờ và 73% cho rằng cần có mối quen biết mới làm được thủ tục.

Với mục tiêu: "Đến năm 2010, đội ngũ CBCC có số lượng, cơ cấu hợp lý, chuyên nghiệp, hiện đại; tuyệt đại bộ phận CBCC có phẩm chất tốt và đủ năng lực thi hành công vụ" (mục tiêu 6), Bộ Nội vụ cho biết, qua 10 năm triển khai, đến nay đã xác định rõ đội ngũ CBCC cơ sở; đã đào tạo, bồi dưỡng được 4.884.506 lượt người và CBCC đã có sự chuyển biến về thái độ, phong cách làm việc cũng như về trình độ, năng lực. Song, theo Depocen, rất nhiều nỗ lực đã được thực hiện nhằm nâng cao chất lượng và số lượng của đội ngũ CBCC nhưng kết quả đạt được ở mục tiêu này vẫn kém. Bằng chứng là 48% CBCC cho rằng khối lượng công việc hiện nay của họ quá nặng và 8% cho rằng họ đang bị quá tải. Đồng thời, CBCC không hoàn toàn hài lòng với các khóa học đào tạo bồi dưỡng đã tham gia. Theo ông Đinh Duy Hòa, Vụ trưởng Vụ CCHC (Bộ Nội vụ), dù không phải tất cả các chứng cứ mà các đơn vị đem ra khảo sát và đánh giá đều có sức thuyết phục, nhưng những đánh giá không đồng nhất như vậy là điều cần thiết, bởi khi CCHC được nhìn nhận từ nhiều chiều sẽ rất khách quan, có ích cho việc xem xét, xây dựng chương trình CCHC cho giai đoạn sắp tới.

Cấp thiết đổi mới nguồn nhân lực

Theo các chuyên gia, đổi mới nguồn nhân lực là trọng tâm của chương trình tổng thể CCHC mới. Luật CBCC ra đời (có hiệu lực từ ngày 1-1-2010) đã tạo điều kiện để CBCC nâng cao việc áp dụng pháp luật trong hoạt động thực thi công vụ, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bộ Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan tổ chức hướng dẫn, phổ biến Luật CBCC thông qua nhiều hình thức. Hiện nay, Bộ Nội vụ đang tiếp tục mở các lớp tập huấn và bồi dưỡng đối với cán bộ lãnh đạo chủ chốt và công chức làm công tác tổ chức cán bộ ở các bộ, ngành, địa phương về Luật CBCC và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm thống nhất về quan điểm, phương hướng, cách thức tổ chức thực hiện quy định mới của luật và các văn bản hướng dẫn thi hành trong toàn quốc.

Một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao

chất lượng CCHC là cần nguồn nhân lực thực tài cho nền hành chính công. Theo ông Jairo Acuna - Alfaro (UNDP), Việt Nam đang trở thành nước có thu nhập trung bình nên rất cần tạo dựng khu vực hành chính công có chất lượng dịch vụ cao để phục vụ người dân tốt hơn; và khi có nền hành chính công tốt thì người dân cũng sẽ có những đóng góp tích cực hơn vào sự phát triển dịch vụ công của đất nước. Theo khảo sát của UNDP, "rào cản" lớn nhất mà Việt Nam hiện đang mắc phải là còn tồn tại cơ chế xin - cho và trình độ CBCC chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân là do chưa giải quyết thỏa đáng các vấn đề mức lương, động lực, môi trường làm việc; đặc biệt, việc sử dụng mối quan hệ quen biết để được nhận vào làm việc ở một số vị trí là thực tế khá phổ biến. Tất cả các nguyên nhân đó dẫn đến cán bộ phụ trách công việc nhiều lúc không nắm được quy định nên không mạnh dạn xử lý hồ sơ, gây chậm trễ, ách tắc. Đôi khi, họ cố tình kéo dài thời gian để chờ sự "bôi trơn" của người dân khi cần giải quyết nhanh công việc. Do đó, chương trình tổng thể CCHC thời gian tới cần tập trung nhiều hơn vào việc cung cấp dịch vụ hành chính công có chất lượng cao như: tăng cường hiệu quả hệ thống công vụ; nâng cao trách nhiệm giải trình (thông qua hệ thống thanh tra công vụ) và tạo không gian cho các thành phần ngoài nhà nước tham gia vào việc giám sát quá trình đổi mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới từ nguồn nhân lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.