Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới từ cách đánh giá cán bộ

Lê Hoàn| 21/03/2012 06:04

(HNM) - Có số đảng viên, tổ chức đảng lớn nhất cả nước, Đảng bộ Thủ đô Hà Nội khẳng định quyết tâm chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện Nghị quyết TƯ 4 khóa XI


- Thưa đồng chí Bí thư Thành ủy, ngay sau khi Nghị quyết TƯ 4 được ban hành, Đảng bộ TP Hà Nội đã xác định sẽ gương mẫu thực hiện Nghị quyết góp phần tạo chuyển biến trong toàn Đảng. Vậy trong thời gian tới, việc hiện thực hóa quyết tâm này như thế nào?


- Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) là một trong những Nghị quyết có tầm quan trọng đặc biệt để xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch vững mạnh, cho nên toàn Đảng phải thực hiện và tất cả các đảng bộ đều có nghĩa vụ, trách nhiệm triển khai nghiêm túc, đầy đủ nội dung của Nghị quyết. Đảng bộ Hà Nội lại là một trong những đảng bộ lớn về quy mô, số lượng đảng viên, cho nên hiệu quả thực hiện nghị quyết này không chỉ có ý nghĩa quan trọng với Thủ đô mà còn góp phần tạo chuyển biến trong cả nước. Chính từ nhận thức như vậy, ngay từ việc đầu tiên tổ chức hội nghị quán triệt, Đảng bộ Thủ đô đã chủ trương mở rộng, thấu đáo, đầy đủ tinh thần Nghị quyết, nhất là xác định trách nhiệm triển khai. Tựu trung lại, cái lớn nhất, bao trùm nhất là toàn Đảng phải thực hiện, mỗi đảng viên đều phải thực hiện; càng là cán bộ lãnh đạo càng phải gương mẫu thực hiện. Tinh thần đó phải thấm vào từng cán bộ, đảng viên, từng đối tượng. Đảng bộ TP Hà Nội đang làm theo hướng đó...

- Nghị quyết lần này có nhiều điểm mới, nhất là việc đề ra các giải pháp để công tác đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên thiết thực hơn. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức không nhỏ, đồng chí có thể nói rõ quan điểm của mình trong triển khai Nghị quyết sao cho hiệu quả?

- Có nhiều điểm mới. Chỉ riêng việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh cán bộ bầu cử trong Đảng, bầu cử trong chính quyền, bộ máy nhà nước, trước kia 5 năm một lần tiến hành bầu lại, nay hằng năm lấy phiếu, nếu ai không đáp ứng yêu cầu công việc, nhiều lắm sau hai năm sẽ thay thế. Những người hai năm liền không đủ năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, có tín nhiệm thấp phải xem xét, cho thôi không giữ chức vụ, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác…

Trước kia chưa có cơ chế lấy phiếu tín nhiệm này, việc đánh giá cán bộ khó, giờ nhiều người đánh giá một người sẽ khách quan hơn. Dù ai đó muốn né tránh, không muốn bị đánh giá hoặc không tham gia quá trình đánh giá lần này sẽ bị đánh giá và được đánh giá. Mình được đánh giá về người khác và người khác đánh giá về mình, đấy là một trong những điểm rất mới.

- Vậy, đồng chí Bí thư Thành ủy có sẵn sàng lấy phiếu tín nhiệm?

- Đương nhiên, tôi sẵn sàng đánh giá và được đánh giá.

- Đồng chí Bí thư có thể nói rõ hơn cơ chế lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ Hà Nội sẽ thực hiện trong thời gian tới?

- Trong kế hoạch triển khai của Trung ương đã nói việc đó rất rõ, những đối tượng nào tham gia đánh giá. Với tinh thần như vậy, Thành ủy quyết tâm đổi mới cách lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá, nhận xét cán bộ theo hướng mở rộng đối tượng tham gia đánh giá, tức là để cho nhiều người tham gia vào việc đánh giá cán bộ. Tôi cho rằng, cần khắc phục hai khuynh hướng suy nghĩ không đúng. Một là thiếu tin tưởng, chưa làm đã nghĩ chắc chẳng làm được hoặc có làm cũng không được. Nhưng cũng tránh khuynh hướng thứ hai là việc chỉ làm một lần là xong. Xây dựng Đảng là việc làm thường xuyên, liên tục, lâu dài.

Việc đánh giá cán bộ, trước kia sau mỗi nhiệm kỳ 5 năm đánh giá một lần, người cán bộ có thể 3 năm đầu thờ ơ, chủ quan đến năm cuối cùng mới bắt đầu hoặc là cố gắng hoặc là tranh thủ đi vận động phiếu. Giờ mỗi năm đánh giá một lần không lẽ cứ "chạy" suốt, né tránh suốt à? Chỉ việc ấy thôi cũng sẽ có tác dụng rất tích cực với việc đánh giá, bố trí cán bộ so với trước đây.

- Theo kế hoạch, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ là tập thể đầu tiên tiến hành kiểm điểm các nội dung Nghị quyết TƯ 4 yêu cầu, vậy cấp ủy đã chuẩn bị gì để đạt hiệu quả?

- Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội sẽ làm đúng tinh thần chỉ đạo của TƯ. Ví dụ như quy định việc lấy ý kiến đánh giá chỉ tới ban thường vụ của cấp dưới góp ý cho thường vụ cấp trên nhưng Hà Nội có thể mở rộng đối tượng góp ý để nghe được nhiều hơn. Hoặc lấy ý kiến nhân dân thông qua Mặt trận, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ. Mở rộng đối tượng của đoàn, hội không chỉ trong ban thường vụ mà mở rộng nhiều đối tượng để nghe được nhiều ý kiến góp ý hơn. Tôi muốn nói, chủ trương như thế, đi vào cụ thể tất cả các cấp, ngành đều phải làm một cách cụ thể. Trước hết cần làm nghiêm túc đúng quy định của Trung ương, sau đó nếu vận dụng vào địa phương thì phải theo hướng tích cực, công khai, dân chủ hơn.

- Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) yêu cầu kê khai tài sản đối với cán bộ đảng viên, Hà Nội triển khai thế nào, thưa đồng chí?

- Đây là nội dung tôi nghĩ rằng tới đây phải hoàn thiện cơ chế này, kê khai lâu nay vẫn làm nhưng đánh giá sự kê khai đó thì mình thiếu cơ chế đánh giá. Thứ hai, phải kiểm soát được tiêu dùng của cán bộ, đảng viên. Tiêu dùng ở đây không phải là những vật phẩm ăn uống thường ngày mà là tài sản lớn, nguồn ở đâu mới là quan trọng.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới từ cách đánh giá cán bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.