(HNM) - Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 và Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 19 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 12 đến 17-8. Trao đổi với Báo Hànộimới nhân dịp này, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh công tác đối ngoại địa phương có vai trò quan trọng, vì vậy các tỉnh, thành phố cần tập trung cao độ đẩy mạnh hội nhập quốc tế phục vụ phát triển bền vững.
Lãnh đạo TP Hà Nội trao Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư tại hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển”. Ảnh: Nhật Nam |
- Thời gian qua, công tác đối ngoại của Việt Nam đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Thứ trưởng Thường trực có thể cho biết những kết quả cụ thể về công tác đối ngoại của các địa phương kể từ sau Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 18 (tháng 8-2016) đến nay?
- Tình hình thế giới và khu vực trong 2 năm qua tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, với các nước lớn gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng và tập hợp lực lượng với những hình thức, sắc thái mới. Thực trạng này đặt ra nhiều thách thức cho các nước vừa và nhỏ, trong đó có Việt Nam. Sau Hội nghị Ngoại vụ 18, các địa phương đã bám sát thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về triển khai 5 nhiệm vụ trọng tâm của công tác đối ngoại địa phương, trong đó tập trung vào hội nhập kinh tế quốc tế và đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực.
Về chính trị đối ngoại, trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các tỉnh, thành phố đã ký kết 420 thỏa thuận quốc tế cấp độ địa phương với địa phương, đối tác và doanh nghiệp nước ngoài (trong đó có 159 thỏa thuận với các địa phương nước ngoài), tăng 20,3% so với giai đoạn 2014-2016. Trong công tác ngoại giao kinh tế, các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và các bộ, ban, ngành trung ương triển khai các hoạt động đối ngoại lớn của đất nước.
Về kết quả, mặc dù kinh tế thế giới còn khó khăn nhưng trong hơn 2 năm qua, các địa phương vẫn đạt được nhiều thành tựu, như thu hút FDI đạt 60,28 tỷ USD, tăng 34,92% (44,67 tỷ USD); kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 775 tỷ USD, tăng 23,8% so với giai đoạn 2014-2016 (626 tỷ USD); mỗi năm các địa phương vận động được khoảng gần 300 triệu USD nguồn viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Các địa phương đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Ngoại giao triển khai hiệu quả công tác ngoại giao văn hóa, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và thông tin đối ngoại.
Trong hơn 2 năm qua, UNESCO đã công nhận 7 danh hiệu, nâng tổng số di sản của các địa phương Việt Nam được UNESCO công nhận là 38 danh hiệu; thu hút lượng kiều hối đầu tư về nước đạt khoảng 25,66 tỷ USD (năm 2016 đạt 11,88 tỷ USD; năm 2017 đạt 13,78 tỷ USD), chiếm khoảng 6,7% GDP, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 10 trong số các quốc gia có lượng kiều hối gửi về nhiều nhất thế giới. Các tỉnh, thành phố cũng đã cấp phép cho hơn 1.500 đoàn phóng viên nước ngoài với khoảng 8.200 lượt phóng viên nước ngoài đến đưa tin quảng bá, giới thiệu các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngoài ra, các tỉnh đã cử 9.357 lượt cán bộ chủ chốt, cán bộ liên quan đến công tác đối ngoại tham dự 73 lớp tập huấn do Bộ Ngoại giao tổ chức, tăng 44,6% so với giai đoạn trước.
Các địa phương cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan quản lý tốt công tác biên giới. Đã hoàn thành việc tăng dày tôn tạo hệ thống mốc giới với Lào; hoàn thành hơn 84% khối lượng công việc phân giới cắm mốc với Campuchia và đang triển khai Hiệp định Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc với Trung Quốc, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững. Các địa phương tiếp tục duy trì tốt các mối quan hệ với chính quyền và các lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn, tạo điều kiện cho nhân dân biên giới qua lại thăm thân và giao thương hàng hóa; tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý thức chấp hành pháp luật của cư dân biên giới.
- Bên cạnh kết quả đạt được là chủ yếu vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Bài học kinh nghiệm rút ra để làm tốt hơn nữa công tác đối ngoại địa phương thời gian tới là gì, thưa Thứ trưởng Thường trực?
- Thứ nhất, nhận thức và triển khai công tác hội nhập quốc tế ở một số địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, một số địa phương còn lúng túng trong việc cụ thể hóa và triển khai thực hiện những chủ trương, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế và lồng ghép vào các nội dung phát triển kinh tế - xã hội, khiến các kế hoạch hội nhập còn mang tính hình thức mà chưa phát huy được hiệu quả trong thực tế.
Thứ hai, công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại và xây dựng quảng bá thương hiệu địa phương vẫn chưa thật sự hiệu quả; công tác thu hút người Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư kinh doanh và tham gia hoạt động khoa học công nghệ tại địa phương còn hạn chế; việc quản lý và vận động thu hút viện trợ phát triển, trong đó có viện trợ phi chính phủ chưa được quan tâm đúng mức, chưa thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư vào địa phương.
Thứ ba, cần nâng cao hơn nữa việc quản lý và tổ chức quản lý công tác đi công tác nước ngoài theo các chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Vẫn còn một số đoàn đi dài ngày, thành phần đông và nội dung chưa thiết thực, chuẩn bị chưa kỹ. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm và đeo bám việc thực hiện các thỏa thuận đã ký kết với phía bạn, chưa được cụ thể hóa bằng các chương trình, dự án khả thi.
Thứ tư, công tác quản lý biên giới vẫn còn một số tồn tại như việc không tuân thủ đầy đủ quy định của các hiệp định và thỏa thuận song phương trong xây dựng các công trình tại khu vực biên giới; vẫn còn tình trạng ngư dân vi phạm vùng biển của các nước; công tác quản lý xuất nhập cảnh trái phép còn khó khăn; tình hình vượt biên trái phép, tổ chức đánh bạc vẫn còn phức tạp ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến trật tự trị an khu vực biên giới.
Thứ năm, công tác đào tạo phổ biến, cập nhật kiến thức và kỹ năng đối ngoại tuy được nâng cao một bước nhưng chưa làm thường xuyên, bài bản, chưa đồng đều ở các địa phương.
- Thứ trưởng Thường trực có thể cho biết những phương hướng, nhiệm vụ chính của công tác đối ngoại địa phương trong thời gian tới?
- Thời gian tới, tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới phục hồi nhưng còn nhiều rủi ro. Trong nước, chúng ta tiếp tục triển khai thực hiện nửa chặng đường còn lại của Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; thực hiện đồng bộ ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế và tập trung triển khai các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Thời cơ, vận hội phát triển mở ra rộng lớn, nhiệm vụ của ngành Ngoại giao, trong đó có các cơ quan ngoại vụ địa phương sẽ ngày càng phức tạp và nặng nề hơn. Nhìn nhận từ góc độ là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đối ngoại, tôi cho rằng công tác đối ngoại địa phương thời gian tới cần tập trung vào các hướng chính sau:
Thứ nhất, tập trung cao độ đẩy mạnh hội nhập quốc tế phục vụ phát triển bền vững của địa phương theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết về hội nhập quốc tế (Nghị quyết 22-NQ/TƯ; Nghị quyết 38/NQ-CP về thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TƯ), Chỉ thị của Ban Bí thư về chiến lược đối ngoại đa phương, Nghị quyết của địa phương về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút FDI, tranh thủ ODA và các nguồn thay thế; tiếp tục cụ thể hóa và làm sâu sắc các mối quan hệ với các đối tác trên cơ sở các kết quả đạt được Năm APEC 2017.
Thứ hai, đẩy mạnh việc triển khai Chiến lược ngoại giao văn hóa, Chiến lược thông tin tuyên truyền đối ngoại đến năm 2020 và xây dựng hai chiến lược này trong giai đoạn tiếp theo, trong đó tập trung hoàn thiện và cụ thể hóa thành kế hoạch hành động nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu địa phương; làm tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài, biên giới lãnh thổ, lãnh sự, bảo hộ công dân, quản lý các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức hội nghị hội thảo quốc tế và thanh tra chuyên ngành ngoại giao tại địa phương.
Thứ ba, thực hiện nghiêm túc Quyết định 272-QĐ/TƯ ngày 21-1-2015 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại; Chỉ thị 38-CT/TƯ ngày 21-7-2014 của Bộ Chính trị và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tham mưu và dự báo chiến lược tình hình thế giới, khu vực có khả năng tác động đến địa phương; tiếp tục kiện toàn bộ máy làm công tác đối ngoại địa phương bảo đảm đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; quan tâm bồi dưỡng các cán bộ, công chức làm công tác đối ngoại.
Với quyết tâm và nỗ lực chung của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các tỉnh, thành phố, công tác đối ngoại địa phương thời gian tới sẽ có những bước phát triển toàn diện hơn nữa, đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và của đất nước nói chung, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và hướng tới xây dựng đường lối đối ngoại của Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.