(HNM) - Sau 2 năm thực hiện đổi mới thi và tuyển sinh, năm 2017, Bộ GD-ĐT tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích: Vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển đại học, cao đẳng với một số điều chỉnh cơ bản như: Tổ chức một loại cụm thi ở tất cả các tỉnh; điều chỉnh đề thi, hình thức thi;
Nhiều học sinh lo lắng trước những điều chỉnh trong quy chế thi và tuyển sinh năm học 2016 - 2017 do Bộ GD-ĐT dự thảo. Ảnh: Viết Thành |
Vẫn còn nhiều băn khoăn
Theo dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 do Bộ GD-ĐT vừa công bố, kỳ thi THPT quốc gia sẽ gồm 5 bài thi: Toán, ngữ văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học) và khoa học xã hội (tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Học sinh (HS) xét công nhận tốt nghiệp THPT thi 4 bài bắt buộc gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn là bài thi khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. HS cũng có thể dự thi cả 5 bài thi để sử dụng kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ. Trừ bài thi ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại đều thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan (TNKQ). Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Để bảo đảm tính nghiêm túc, khách quan của kết quả thi, mỗi thí sinh sẽ có một mã đề thi riêng, làm bài thi trên phiếu; việc chấm các bài thi TNKQ được thực hiện hoàn toàn trên máy.
Ý kiến gây nhiều tranh luận tập trung vào môn toán, bởi quan niệm cho rằng, nếu thi TNKQ môn toán thì khó kiểm tra được tư duy logic, sáng tạo của HS. Theo lý giải của Bộ GD-ĐT thì việc thi toán theo hình thức TNKQ đã được nhiều nước áp dụng và thể hiện nhiều ưu điểm. Ở các câu hỏi TNKQ, trong số 4 phương án trả lời thường có 2-3 phương án rất gần nhau, đòi hỏi HS phải suy nghĩ kỹ lưỡng và có lập luận chặt chẽ mới chọn được câu trả lời chính xác nhất. Rõ ràng, hình thức thi TNKQ hoàn toàn có thể kiểm tra được tư duy logic và sáng tạo của HS. Tuy nhiên, theo thầy giáo Nguyễn Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy), năm đầu tiên áp dụng thì nên chăng có 50% là TNKQ, 50% còn lại là tự luận. Còn theo thầy giáo Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình), Bộ GD-ĐT cần lắng nghe ý kiến nhiều chiều và có sự cân nhắc kỹ. Nếu quyết định môn toán thi TNKQ hoàn toàn thì đề thi phải được chuẩn bị công phu, có chất lượng tốt, bảo đảm sự phân hóa và Bộ GD-ĐT cũng phải có giới hạn, trọng tâm ôn tập từng môn, chứ không nên dàn trải, chung chung.
Việc điều chỉnh cách thức làm bài thi từ đơn môn sang tổ hợp là vấn đề gây nhiều lo lắng cho HS nhất thời điểm này. Em Nguyễn Thị Mai, HS Trường THPT Phúc Lợi (Long Biên) dẫn chứng: Theo dự thảo phương án thi của Bộ GD-ĐT, năm nay số bài thi của mỗi HS ít hơn, song nếu tính cơ học, thì tổng số môn thi mà chúng em phải đảm đương là 9, tức là nhiều hơn năm trước 1 môn. Sự thay đổi quá đột ngột, lại với khối lượng kiến thức lớn như vậy, chúng em vô cùng lo lắng...
Không nên quá lo lắng
Theo thầy giáo Nguyễn Tùng Lâm, việc thông báo chủ trương điều chỉnh kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 vào đầu năm học là phù hợp, kịp thời cho các nhà trường chuẩn bị. Trước chủ trương mới của Bộ GD-ĐT, 150 HS lớp 12 của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng đang tập trung ôn tập toàn diện ở các môn, trong đó chia thành các nhóm môn thi, đặc biệt quan tâm đến HS yếu kém. Cùng chung ý kiến với nhiều thầy, cô giáo khác, thầy giáo Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, Bộ GD-ĐT cần ban hành sớm đề thi minh họa các môn để thầy, cô giáo, HS có thể nắm rõ cấu trúc đề thi từng môn để tập dượt.
Ghi nhận tại Trường THPT Việt - Đức (Hoàn Kiếm) cho thấy, trước dự kiến điều chỉnh về cách thức thi của Bộ GD-ĐT, ban đầu khá nhiều em hoang mang, lo lắng. Thầy giáo Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đây là điều dễ hiểu trước một chủ trương lớn, Ban giám hiệu và thầy, cô giáo nhà trường đã kịp thời thông báo cho toàn thể HS nhà trường và có định hướng ôn tập cụ thể cho từng đối tượng HS.
Câu hỏi mà thầy, cô giáo nhận được nhiều nhất thời điểm này là HS sẽ phải thay đổi như thế nào về cách học, khi hầu hết các môn thi đều chuyển từ hình thức tự luận sang TNKQ. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga giải đáp: TNKQ hay tự luận chỉ là hình thức của câu hỏi kiểm tra kết quả học tập của HS, điểm khác biệt duy nhất giữa hai hình thức này là HS phải trình bày lời giải (đối với câu tự luận) hay không phải trình bày lời giải (đối với câu hỏi TNKQ). Do vậy, dù câu hỏi là tự luận hay TNKQ cũng không ảnh hưởng đến cách dạy và cách học.
Trước băn khoăn, liệu sự thay đổi này có làm khó HS lớp 12 hay không, khi thời gian từ nay đến ngày thi rất ngắn, các em đã ôn tập theo khối thi truyền thống A, B, C... Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, đối với các khối thi truyền thống, Bộ GD-ĐT sẽ có quy định yêu cầu các trường dành chỉ tiêu thích hợp để xét tuyển, bảo đảm quyền lợi cho các em. Năm 2016 các trường đã dành ít nhất 50% chỉ tiêu xét tuyển thí sinh theo khối thi truyền thống, dự kiến năm 2017 ít nhất là 25%. Các em không nên quá lo lắng, vì dù là bài thi tổ hợp nhưng có sự chia tách rõ ràng giữa các môn. Chẳng hạn, với bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên sẽ có 20 câu hỏi về môn vật lý, 20 câu hỏi môn hóa học, 20 câu hỏi môn sinh học. Kết quả chấm có điểm tổng hợp cho cả bài thi, có điểm cho từng phần. Khi xét tuyển, các trường có thể dùng kết quả của cả bài, cũng có thể xét tuyển theo kết quả từng phần của bài tổ hợp.
Dự kiến, cấu trúc đề thi minh họa sẽ được ban hành vào đầu tháng 10-2016. Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển và sớm công bố phương thức tuyển sinh, trong đó nêu rõ nhà trường sử dụng kết quả này để xét tuyển hay chỉ để sơ tuyển và có thêm hình thức đánh giá năng lực chuyên biệt; tổ hợp các môn thi để xét tuyển vào ngành ra sao, hệ số đối với môn thi như thế nào, có các điều kiện xét tuyển bổ sung hay không... Sự chuẩn bị này liệu đã toàn diện, có làm giảm áp lực cho học sinh hay không là câu hỏi đang chờ đáp án.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.