(HNM) - Khi phát biểu bế mạc Đại hội đại biểu UB Olympic Việt Nam nhiệm kỳ IV (2012-2016), Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh, tân Chủ tịch UB Olympic Việt Nam nhấn mạnh, thể thao Việt Nam sẽ
Chủ tịch UB Olympic Việt Nam Hoàng Tuấn Anh tại lễ ra mắt Ban lãnh đạo nhiệm kỳ IV.Ảnh:Minh Hoàng
- Xin ông cho biết mục tiêu quan trọng nhất của UB Olympic Việt Nam nhiệm kỳ 2012-2016?
- Nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là phải tiếp tục thực hiện tốt Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2020, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong phát triển TDTT. Thêm nữa, UB Olympic Việt Nam sẽ tiếp tục cùng ngành TDTT tổ chức tốt, cũng như tham gia thi đấu các giải đấu thành công, đặc biệt là các đại hội thể thao quốc tế như SEA Games năm 2013, 2015; ASIAD 17-2014; Olympic năm 2016…
- Ban Thường vụ UB Olympic Việt Nam nhiệm kỳ này có đến 29 thành viên, tăng gần gấp đôi so với nhiệm kỳ trước. Ông kỳ vọng gì ở sự gia tăng này, thưa ông?
- Chúng tôi rất trăn trở, phải làm sao để có một ban thường vụ thực sự chất lượng, hợp lý, đặc biệt là có đại diện của nhiều tổ chức xã hội, doanh nghiệp cùng tham gia, góp sức cho sự phát triển của phong trào Olympic Việt Nam. Thế nên trong thành phần lãnh đạo của UB Olympic Việt Nam kỳ này, chúng ta thấy có sự góp mặt của ông Phạm Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam; ông Lê Văn Kiểm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CPĐT & KD Golf Long Thành...
Ban lãnh đạo UB Olympic Việt Nam nhiệm kỳ IV: Chủ tịch: Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh; 8 phó chủ tịch, trong đó ông Hoàng Vĩnh Giang là Phó Chủ tịch Thường trực; Tổng Thư ký: ông Trần Văn Mạnh, Vụ trưởng, Tổng cục TDTT; Ban Thường vụ: 29 thành viên. |
- Với sự góp mặt của các doanh nghiệp ở nhiệm kỳ này, có thể hy vọng sức huy động tài trợ cho phong trào Olympic Việt Nam sẽ tăng lên không, thưa ông?
- Nhiệm kỳ vừa rồi vẫn còn số dư đáng kể trong tài khoản. Nhiệm kỳ này, với sự góp mặt của nhiều gương mặt mới, trong đó có đại diện các doanh nghiệp lớn, chắc chắn công tác vận động tài trợ sẽ có nhiều chuyển biến tích cực.
- Ông đánh giá thế nào về vai trò của truyền thông trong hoạt động của phong trào Olympic?
- Trong mọi lĩnh vực, vai trò của truyền thông là rất quan trọng, đặc biệt là ở lĩnh vực thể thao. Trước đây, công tác này cũng tốt, nhưng thời gian tới còn phải phát huy hơn nữa vai trò của truyền thông, đặc biệt trong công tác tuyên truyền tinh thần Olympic. Ban lãnh đạo UB Olympic Việt Nam kỳ này có sự góp mặt của Phó TGĐ Đài Truyền hình Việt Nam Trần Dũng Trình, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Quang Thông nên tin rằng, hoạt động truyền thông sẽ kịp thời.
- Đại hội này đề ra mục tiêu "Nói không với ma túy", xin Bộ trưởng nói rõ hơn về mục tiêu này?
- Ma túy, doping vẫn còn tồn tại ở một số đại hội, kể cả những giải quốc tế lớn. Đặt ra mục tiêu này, thể thao Việt Nam dứt khoát không để VĐV nào trong thành phần đội tuyển quốc gia dính đến ma túy. Nếu ai vi phạm, người đó sẽ bị loại vĩnh viễn khỏi đời sống thể thao chuyên nghiệp. Phải xác định đây là tuyên ngôn chung: Thể thao Việt Nam không chấp nhận ma túy.
- Việc TTVN chưa có được những thành công lớn, phải chăng là do sự yếu kém của VĐV về cả năng lực và đạo đức? Để nâng cao thành tích của TTVN, theo ông, chúng ta cần phải làm gì?
- Tôi không nghĩ VĐV của ta kém. Người Việt Nam có đầy đủ tố chất, và có thể lựa chọn những gì phù hợp với mình để có thể giành thành tích cao. Ngay cả vấn đề đạo đức, đại đa số VĐV về cơ bản đều có ý thức, nhận thức tốt. Vấn đề nằm ở chỗ các điều kiện. Để nâng cao thành tích, tôi nghĩ phụ thuộc vào nhiều vấn đề, từ nơi huấn luyện là các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, cho đến phương pháp huấn luyện, khâu tuyển chọn, đào tạo ra sao… Có rất nhiều nhiệm vụ cần triển khai sớm. Không chỉ kế thừa những kết quả đã đạt được, mà quan trọng hơn, chúng ta phải đổi mới một cách quyết liệt và đầy sáng tạo để có được sự phát triển thực sự. Sẽ có rất nhiều thay đổi, mà trước hết là ở Đại hội TDTT toàn quốc kỳ tới!
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.