Khép lại năm Giáp Thìn 2024 cũng là thời điểm chúng ta kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025). Trên chặng đường đã qua, Đảng ta không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, đưa con thuyền cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Trong hành trình sắp tới, nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn này tiếp tục được thực hiện quyết liệt hơn, bảo đảm Đảng luôn là người cầm lái vĩ đại, đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới.
1. Trong chặng đường vinh quang 95 năm xây dựng và trưởng thành, đặc biệt từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta nhận thức sâu sắc vai trò, tầm quan trọng và yêu cầu phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị để vừa bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, vừa phát huy tốt hơn tính chủ động, sáng tạo của hệ thống chính trị.
Trong đó, phải kể đến Nghị quyết số 28-NQ/TƯ ngày 17-11-2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới” với chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền hợp lý, rõ ràng giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm. Phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" được định hình và ngày càng chứng minh tính hiệu quả trong thực tiễn.
Việc triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là ví dụ điển hình. Trung ương giao thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh triển khai dự án này. Đây là một dự án quan trọng của quốc gia được Quốc hội cho phép xây dựng cơ chế đặc thù và giao trực tiếp cho địa phương quản lý. Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị các cấp, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân các địa phương, ngày 25-6-2023, sau 1 năm 9 ngày, dự án được khởi công, đáp ứng đúng tiến độ đề ra (trước ngày 30-6-2023). Những kilômét đầu tiên của dự án đã bắt đầu được trải thảm bê tông nhựa; khối lượng công việc cũng đang được các đơn vị thi công khẩn trương hoàn thành để về đích đúng hẹn.
Thành công của dự án quan trọng này đó là nhờ chủ trương tăng cường phân cấp, ủy quyền cho cơ sở, đặc biệt là cấp quận, huyện, xã, phường với tinh thần giảm đầu mối, cấp nào sát thực tế và phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân thì giao cấp đó thực hiện. Thành phố Hà Nội và các tỉnh đã ủy quyền cho các quận, huyện thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.
Không chỉ tại Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, việc phân cấp, ủy quyền được thành phố Hà Nội đẩy mạnh thực hiện trên 16 lĩnh vực, bao gồm quản lý đất đai, tài chính, xây dựng và các lĩnh vực khác. Điểm lớn nhất đạt được là nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là công chức, viên chức. Cùng với đó là tổ chức lại bộ máy các cấp để khi phân cấp trên nguyên tắc công việc "chạy" hơn, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, chấm dứt tình trạng vòng vo, né tránh, không chịu trách nhiệm.
2. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 xác định phương thức lãnh đạo của Đảng, đó là: “Đảng lãnh đạo xã hội bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương công tác; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức kiểm tra và bằng hành động gương mẫu của đảng viên… Đảng không làm thay công việc của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị”. Việc chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cộng với việc hình thành thể chế chính trị ổn định với cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” đã giúp Việt Nam giành được nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới đất nước.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn có những hạn chế. Cụ thể, mô hình tổ chức của Đảng và hệ thống chính trị còn bất cập, làm cho ranh giới giữa lãnh đạo và quản lý khó phân định, dễ dẫn đến bao biện, làm thay hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng. Đơn cử, liên quan đến dự án do Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra và chỉ rõ một số tổ chức Đảng đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để cho các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tổ chức thực hiện các gói thầu, dự án do công ty này thực hiện. Việc này đã gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức Đảng và cơ quan quản lý nhà nước, đến mức phải thi hành kỷ luật.
Ngoài ra, thực tế còn cho thấy, tình trạng cấp ủy “lấn sân”, bao biện làm thay chính quyền xảy ra ở một số nơi, thể hiện trong việc quyết định dự án đầu tư, triển khai nhiệm vụ chính trị… Chưa kể, tình trạng một số cấp ủy và người đứng đầu, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ không “đúng vai, thuộc bài” dẫn đến giảm hiệu quả công việc. Nguyên nhân của tình trạng này một phần do cán bộ không nắm rõ quy chế, nguyên tắc làm việc hoặc không chấp hành quy chế làm việc, dẫn đến làm không đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; việc của mình không làm lại làm thay việc của người khác.
Để bảo đảm Đảng là người cầm lái vĩ đại, đưa dân tộc ta tiến lên mạnh mẽ, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu, phải thống nhất nhận thức và thực hiện cho nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng… Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay, khi mà toàn Đảng và toàn dân thống nhất ý chí, quyết tâm bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Điều này cũng đòi hỏi người cán bộ, dù ở cương vị nào phải "đúng vai, thuộc bài" gắn với không ngừng đổi mới mạnh mẽ tác phong, lề lối làm việc khoa học, chuyên nghiệp.
Yếu tố đặc biệt quan trọng nữa là phải bảo đảm nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng không trùng với nhiệm vụ quản lý; phân biệt và quy định rõ nhiệm vụ cụ thể của các cấp lãnh đạo trong các loại hình tổ chức Đảng, tránh tình trạng bao biện làm thay hoặc tồn tại song trùng, hình thức. Như Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Trước thời điểm lịch sử mới, đặt ra yêu cầu cấp bách cần đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng để đưa dân tộc ta tiếp tục tiến lên mạnh mẽ”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.