(HNM) - Buông lỏng quản lý, nôn nóng chạy theo các lợi ích kinh tế, tự phát chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ), tạo ra sự rối loạn trong SDĐ, để lại tác động xấu đến môi trường; SDĐ không hiệu quả trong việc xây dựng các khu công nghiệp (KCN), cảng, sân bay, sân gôn, khu nghỉ dưỡng, làm lãng phí nguồn lực đất đai…
Hàng loạt bất cập trong quy hoạch SDĐ hiện nay đã được chỉ ra tại hội thảo lấy ý kiến về quy hoạch SDĐ đến năm 2020 và kế hoạch SDĐ 5 năm (2011-2015) do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIII tổ chức ngày 27-9 tại Hà Nội. Chỉ khi nào khắc phục được những bất cập này, quy hoạch SDĐ mới thực sự là một công cụ chỉ báo, quản lý quan trọng bảo đảm cho phát triển bền vững.
Ưu tiên sử dụng đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực. Ảnh: Thu Giang
Hàng loạt bất cập cần điều chỉnh
Đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch SDĐ thời gian vừa qua, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, nhìn chung, quy hoạch, kế hoạch SDĐ đã dần đi vào nền nếp, trở thành công cụ quan trọng trong quản lý nhà nước về đất đai… Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu kế hoạch chưa đạt yêu cầu. Cụ thể: quỹ đất ở tại đô thị tăng nhanh, có lúc đi trước nhu cầu thực tế. Tình trạng nhiều dự án nhà ở thực hiện kéo dài, để hoang hóa nhiều năm gây lãng phí tài nguyên đất. Một số địa phương do nôn nóng trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư đã quy hoạch quá nhiều KCN không phù hợp với điều kiện hạ tầng KT-XH, khả năng và nhu cầu phát triển thực tế, gây áp lực lên tài nguyên đất. Nhiều khu, cụm công nghiệp được xây dựng bám theo các trục giao thông lớn và nằm sát các khu dân cư gây ách tắc giao thông. Việc phát triển nhanh các KCN trong thời gian qua cũng đã tạo sức ép không nhỏ về môi trường…
Đề cập tới những bất cập trong việc thực hiện quy hoạch SDĐ giai đoạn vừa qua, GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh các KCN do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập đang chiếm giữ hơn 70.000ha đất nhưng tỷ lệ lấp đầy chưa tới 50%. Gần 1.000 cụm công nghiệp do UBND cấp tỉnh quyết định thành lập đã đi vào hoạt động, sử dụng 40.000ha đất nhưng mới lấp đầy 26,4%. Đây là một điều đáng phải xem xét, điều chỉnh. Quỹ đất xây dựng cảng cũng là một bất cập. Việt Nam có hơn 3.200km bờ biển nhưng có tới 266 cảng biển, hầu hết là cảng nhỏ, manh mún, năng lực tiếp nhận hàng rất thấp. Dự án xây dựng cảng nước sâu của các địa phương ven biển bung ra nhiều đến mức bất hợp lý. Chưa kể trong lĩnh vực xây dựng sân bay...
Ưu tiên bảo vệ diện tích đất trồng lúa
Để quy hoạch SDĐ đến năm 2020 và kế hoạch SDĐ 5 năm (2011-2015) thực sự là một công cụ chỉ báo, quản lý quan trọng bảo đảm cho phát triển bền vững, qua đó phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, nhiều chuyên gia cho rằng vấn đề mấu chốt là phải đổi mới ngay từ khâu lập quy hoạch. Trong quy hoạch phải xác định rõ và cụ thể hóa các chỉ tiêu SDĐ cần bảo vệ (đất trồng lúa nước, đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ); bảo đảm mục tiêu an ninh lương thực, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ cảnh quan môi trường…
GS-TSKH Đặng Hùng Võ kiến nghị: Hệ thống phân loại đất hiện đang có một số bất hợp lý, cần điều chỉnh. Ví dụ như đất chuyên dùng đang bao gồm cả đất được tham gia thị trường bất động sản và đất không được tham gia, gây khó khăn cho quản lý tài chính về đất đai. Hơn nữa, bên cạnh hệ thống phân loại đất theo mục đích sử dụng, cần có một phân loại khác theo không gian sử dụng.
TS Lê Tuyển Cử, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đề xuất cần sớm điều chỉnh quy hoạch KCN cả nước đến năm 2015 và hướng đến năm 2020 theo nguyên tắc hạn chế tối đa việc phát triển KCN trên đất trồng lúa có năng suất ổn định; không xét duyệt các quy hoạch chuyển đất trồng lúa nước sang mục đích sử dụng phi nông nghiệp ở những địa phương có điều kiện sử dụng các loại đất khác.
Theo nhiều chuyên gia, hầu hết KCN đều bám vào các đường giao thông đi qua những vùng nông nghiệp trù phú, hàng vạn hécta đất "bờ xôi ruộng mật" bị sử dụng lãng phí, tác động trực tiếp đến công ăn việc làm, thu nhập và đời sống của hàng chục vạn hộ gia đình nông thôn và hàng triệu lao động nông nghiệp, đe dọa mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Do đó, công tác quy hoạch SDĐ phải ưu tiên và bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất trồng lúa. Trong vòng 20 năm tới, để bảo đảm mục tiêu phát triển và đột phá trong xây dựng cơ sở hạ tầng KT-XH, dự báo sẽ phải tiếp tục chuyển đổi sang mục đích phi nông nghiệp khoảng 500.000ha đất trồng lúa. Theo đó, từng mét vuông đất lúa đều phải được tính toán để sự dụng với hiệu quả cao nhất; có sự đầu tư xứng đáng về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, bảo đảm cho người trồng lúa có thu nhập xứng đáng.
Phương án quy hoạch SDĐ đến năm 2020 Đất trồng lúa đạt trên 3,8 triệu hécta, giảm 308 ngàn hécta so với năm 2010. Đất lâm nghiệp đạt trên 16,2 triệu hécta để bảo đảm độ che phủ rừng đạt 45%. Đất phi nông nghiệp đạt 4,88 triệu hécta, tăng 1,175 triệu hécta so với năm 2010. Trong đó đất KCN là 200.000ha; đất phát triển hạ tầng là gần 1,58 triệu hécta; đất ở tại đô thị là 202 ngàn hécta, đáp ứng mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 45%... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.