Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới, nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát

Trường Huy| 31/10/2022 06:26

(HNM) - Kiểm tra, giám sát trong Đảng là công cụ đắc lực, được ví như “thanh bảo kiếm”, bảo đảm cho tổ chức Đảng hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hiện nay việc phát huy vai trò “thanh bảo kiếm” trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là vấn đề được dư luận rất quan tâm.

Nhiều năm qua, công tác kiểm tra, giám sát ở một số tổ chức Đảng bộc lộ không ít hạn chế, dẫn tới không chỉ ra được các sai phạm, khuyết điểm để cá nhân, tập thể sửa chữa, khắc phục. Bằng chứng là, nhiều tổ chức Đảng liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ rất cao nhưng sau khi ủy ban kiểm tra cấp trên vào cuộc thì phát hiện cấp ủy vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo về công tác cán bộ, quản lý tài chính, quản lý đất đai hoặc dự án... Đó là hệ quả khi mà công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy tổ chức Đảng ở nhiều nơi làm cho qua, làm cho có.

Một biểu hiện nữa cho thấy công tác kiểm tra, giám sát nội bộ còn chưa hiệu quả là những cán bộ chủ trì lãnh đạo, quản lý thường nhận được những lời đóng góp, nhận xét “có cánh”, như: Bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức tốt, gương mẫu; có năng lực tập hợp, vận động quần chúng; lãnh đạo điều hành cơ quan đơn vị dân chủ, khoa học... Khuyết điểm của họ được nêu rất chung chung, sơ sài: Còn cả nể, thiếu kiên quyết trong xử lý sai phạm của cấp dưới…

Tuy nhiên, chính những cán bộ chủ trì ấy lại là những người ký, đưa ra các quyết định vi phạm pháp luật. Điển hình là trường hợp nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng bị khai trừ Đảng, bị khởi tố, tạm giam để điều tra sai phạm. Hay như trường hợp nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam bị kỷ luật cách tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 và 2020-2025… Có thể nói, việc tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát lỏng lẻo, hình thức là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phạm tội tham nhũng quyền lực, vật chất, tự biến mình thành “giặc nội xâm”, hại dân, hại nước, làm mất niềm tin của nhân dân với Đảng. 

Nguyên nhân dẫn đến công tác kiểm tra, giám sát ở các tổ chức Đảng thiếu hiệu quả còn do hệ thống văn bản, nghị quyết về công tác này chồng chéo; nhận thức về kiểm tra, giám sát còn sơ sài. Cùng với đó là có tâm lý, thói quen cả nể, “dĩ hòa vi quý”, nặng về tình cảm, nhẹ lý trí ăn sâu trong không ít cán bộ, đảng viên. Gần đây lại thêm thói thờ ơ, vô cảm trước cái đúng, cái sai, cái xấu, cái tốt, sợ trách nhiệm… nên những yếu kém trong kiểm tra, giám sát bộc lộ rõ ràng hơn. Tháng 11-2020, tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, việc kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy viên cùng cấp, người đứng đầu, người có chức vụ, quyền hạn và một số lĩnh vực chưa thật mạnh mẽ. Việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý vi phạm trong nội bộ vẫn là khâu yếu...

Công tác kiểm tra, giám sát là một bộ phận cấu thành trong các mặt công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, là một công việc nằm trong quá trình tổ chức thực hiện đường lối, chính sách nên có vị trí rất quan trọng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, kết quả thực hiện nhiệm vụ thế nào phụ thuộc một phần rất lớn vào công tác kiểm tra được tiến hành ra sao. Người viết: “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích” và “Có thể nói rằng: Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”.

Trong điều kiện hiện nay, để phát huy vai trò của kiểm tra, giám sát, phục vụ đắc lực công tác lãnh đạo thì rất cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung, khắc phục những hạn chế, lỗ hổng, yếu kém. Trước mắt, cần xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra thanh liêm, chính trực, nắm chắc các cơ chế, chính sách, pháp luật, có dũng khí đấu tranh. Bởi, không liêm, không sạch thì không nói được ai; không kiểm tra, giám sát, không kỷ luật được người khác.

Về lâu dài, cần xây dựng cơ chế rõ ràng, cụ thể để cán bộ, đảng viên phát huy vai trò của mình, làm tốt, làm đúng, đưa kiểm tra, giám sát có hiệu quả thực chất. Bí thư chi bộ, cấp ủy và từng cấp ủy viên, từng đảng viên cần tự giác phát hiện sai phạm trong tổ chức cơ sở Đảng để xử lý, không để khuyết điểm tích tụ, kéo dài. Khuyến khích, khen thưởng những cán bộ, đảng viên, cấp ủy viên dám nghĩ, dám nói sự thật, dám đấu tranh với cái xấu, cái sai để kiểm tra, giám sát thực sự là “thanh bảo kiếm” của Đảng.

Tiếp tục phát huy dân chủ, thực hiện tài chính công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho quần chúng tham gia vào công tác kiểm tra, giám sát. Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát. Tiến hành tự phê bình, phê bình theo đúng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đấu tranh kiên quyết, không khoan nhượng với những thói hư tật xấu, những hạn chế về tâm lý, thói quen xấu đã ăn sâu bám rễ trong lãnh đạo. Chỉ đạo quyết liệt để chấm dứt tình trạng “trên nóng dưới lạnh” trong kiểm tra, giám sát. Các tổ chức Đảng cấp trên cần làm gương về thực hành kiểm tra, giám sát cho cấp dưới noi theo.

Lãnh đạo mà không kiểm tra, giám sát thì coi như không có lãnh đạo. Muốn tăng hiệu quả lãnh đạo thì rất cần đổi mới, nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát, trong đó cần chống "làm lướt" và biểu hiện thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong công tác này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới, nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.