(HNMO) - Tham gia nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới đã mở ra nhiều cơ hội cho nền kinh tế, song Việt Nam cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về quan hệ lao động, thị trường lao động. Để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, đòi hỏi tổ chức Công đoàn cần đổi mới phương thức hoạt động, thích nghi với tình hình mới.
Quyền Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và Vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Nguyễn Anh Thơ cho biết, cùng với gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam còn ký kết 15 hiệp định thương mại tự do đã mở ra nhiều cơ hội phát triển. Các hiệp định này, ngoài các vấn đề truyền thống như các hiệp định thương mại đầu tư, cũng đề cập đến các vấn đề như: Xóa đói giảm nghèo; phòng, chống tham nhũng; lao động công đoàn… Ngoài ra, còn có những vấn đề rất mới, chưa có tiền lệ, đặc biệt là cam kết của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự do liên kết, mà cụ thể là cho phép có thêm tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Tất cả những vấn đề nêu trên đòi hỏi tổ chức Công đoàn đại diện cho lợi ích hợp pháp của người lao động cần đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động để thích nghi với sự phát triển mới.
Nói về vai trò quan trọng của tổ chức Công đoàn trong việc thúc đẩy an toàn vệ sinh lao động để phát triển mô hình quan hệ lao động hài hòa ở Việt Nam, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Xuân, Vụ trưởng Vụ Xã hội (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng, tổ chức Công đoàn cần nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đánh giá sự hài lòng của đoàn viên đối với công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động. Làm tốt công tác này chính là thước đo đối với các tổ chức đại diện của người lao động, trong đó, tổ chức Công đoàn được coi là lực lượng tiên phong, ưu tú nhất, nơi mà người lao động đặt niềm tin. Bên cạnh đó, cần chú trọng nâng cao chất lượng cán bộ, bố trí, sử dụng cán bộ công đoàn, nhất là cấp cơ sở thực sự phải là những người được người lao động tín nhiệm…
Đề cập những diễn biến phức tạp, khó lường từ hội nhập, khi tự động hóa thay thế lao động chân tay có khả năng đẩy hàng nghìn người lao động rơi vào hoàn cảnh thiếu việc làm, Phó Trưởng ban Tổ chức Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Duy Vũ cho rằng, công đoàn các cấp cần làm tốt việc cụ thể hóa Nghị quyết số 02-NQ/TƯ ngày 12-6-2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”; trong đó cần tập trung vào thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng, chăm lo lợi ích thiết thực của đoàn viên, người lao động…
Liên quan đến vấn đề đổi mới tổ chức Công đoàn, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được Việt Nam tham gia với mục đích, quyết tâm chính trị cao, do đó, Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp công đoàn đều xác định phải cạnh tranh lành mạnh, vượt qua khó khăn để vươn lên. "Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, hội nhập đặt ra thách thức nhưng cũng là cơ hội để đổi mới mình, bằng diện mạo mới của tổ chức Công đoàn", ông Ngọ Duy Hiểu nói.
Cũng theo ông Ngọ Duy Hiểu, năm 2021 là năm đầy khó khăn, thử thách nhưng các cấp công đoàn đã làm tốt công tác tuyên truyền tới đoàn viên, người lao động gắn bó, chia sẻ với doanh nghiệp; đồng hành với Chính phủ trong thực hiện mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cán bộ công đoàn ngày đêm trăn trở, lăn lộn, chia sẻ với khó khăn của người lao động, giúp họ vượt khó, tình nguyện tham gia các hoạt động do công đoàn triển khai thực hiện… Qua đó, hình ảnh, vị thế, vai trò của tổ chức Công đoàn nổi bật, niềm tin của người lao động, của doanh nghiệp với công đoàn tăng lên. Đặc biệt, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tập trung ban hành nhiều gói hỗ trợ kịp thời, phù hợp để chăm lo cho người lao động và hoàn thiện thể chế quản trị nội bộ, đưa Nghị quyết số 02-NQ/TƯ sớm vào cuộc sống. Từ đó, tạo cơ sở để công đoàn hoạt động ngày càng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của đoàn viên, người lao động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.