(HNM) - Những năm qua, sự đầu tư lớn của các tổ chức, doanh nghiệp đã giúp diện mạo bóng chuyền nước nhà có sự thay đổi đáng kể, song vẫn chưa được như kỳ vọng. Chính vì vậy, tại Giải Bóng chuyền vô địch quốc gia năm 2021, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã có nhiều đổi mới trong cách tổ chức, với mong muốn mang đến một giải đấu chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người hâm mộ và kỳ vọng của nhà tài trợ.
Nhiều đổi mới tích cực
Vòng 1, Giải Bóng chuyền vô địch quốc gia năm 2021 (diễn ra từ ngày 10-4 đến 15-4) với 20 đội bóng (10 đội nam và 10 đội nữ) đã chính thức khởi tranh tại thành phố Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh. Đây là vòng đấu mang ý nghĩa quan trọng, bởi nếu đội bóng nào thi đấu không hiệu quả sẽ khó cải thiện thứ hạng trong vòng 2 hoặc thậm chí rơi vào vòng xoáy trụ hạng.
Theo Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Trí Trường, điểm mới ở giải năm nay là Ban tổ chức giải điều chỉnh cách tính vị trí xếp hạng. Ở những mùa giải trước, sau khi kết thúc hai vòng đấu, Ban tổ chức sẽ dựa vào kết quả xếp hạng của các đội bóng ở bảng C (gồm đội có thứ hạng 1, 3, 5 bảng A và đội có thứ hạng 2, 4 bảng B tại vòng 1) và bảng D (đội có thứ hạng 2, 4 ở bảng A và đội có thứ hạng 1, 3, 5 ở bảng B tại vòng 1) để chọn ra đội xếp thứ nhất, nhì mỗi bảng vào vòng chung kết. Cách tính này đã đem đến nhiều trận đấu hấp dẫn ở đầu giai đoạn 1, nhưng đến 1-2 lượt cuối lại kém hấp dẫn do xảy ra tình huống đội đã hoàn thành mục tiêu trụ hạng thi đấu một cách thiếu động lực trước đội đang cần điểm để trụ hạng.
Để khắc phục tình trạng này, mùa giải năm nay, cách xác định thứ hạng sẽ dựa vào kết quả của cả vòng 1 và 2, trong đó kết quả thi đấu được tổng hợp và xếp hạng từ 1 đến 10. Bước vào bán kết sẽ là hai cặp đấu xếp hạng 1-4 và 2-3 theo bảng xếp hạng sau 2 vòng. Vòng đấu tranh vé trụ hạng sẽ là hai cặp đấu 7-10 và 8-9. Hai đội thua bước vào trận chung kết ngược để xác định đội bóng phải xuống chơi tại giải hạng A mùa giải sau. “Cùng với việc thay đổi thể thức thi đấu, giải vô địch quốc gia năm nay còn nhận được tài trợ lớn từ một doanh nghiệp, do đó giải thưởng cũng được tăng lên gấp 4 lần so với mọi năm. Đây thực sự là một tin vui đối với bóng chuyền Việt Nam”, ông Lê Trí Trường cho hay.
Huấn luyện viên Câu lạc bộ Bộ Tư lệnh thông tin Bùi Huy Sơn cho rằng, thể thức thi đấu mới sẽ giúp đánh giá chính xác nhất năng lực của các đội, qua đó xác định được đội mạnh nhất của mùa giải.
Còn theo ông Bùi Đình Lợi, Trưởng bộ môn bóng chuyền - bóng rổ của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Hà Nội, việc Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam giảm từ 12 xuống còn 10 đội đã làm tăng chất lượng giải đấu. Hơn nữa, nếu Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam cho phép thuê cầu thủ ngoại, chắc chắn chất lượng chuyên môn của giải sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, khi đó, ngoài một số đội mạnh có nhà tài trợ có thể thuê được cầu thủ nước ngoài, những đội dựa vào ngân sách nhà nước, việc trả lương và chi phí tập luyện của vận động viên ngoại sẽ gặp khó khăn.
Chung sức vì một giải đấu chất lượng
Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Trí Trường thông tin: “Năm nay là năm cuối cùng thực hiện lộ trình giải vô địch quốc gia chỉ còn 10 đội. Liên đoàn sẽ tổ chức đánh giá xem có tiếp tục giữ nguyên hay giảm xuống còn 8 đội, đồng thời sẽ xem xét việc có nên hay không cho cầu thủ nước ngoài thi đấu. Trong tương lai, giải bóng chuyền vô địch quốc gia hoàn toàn có thể áp dụng mô hình thi đấu của bóng đá là thi đấu trên sân nhà và sân khách”.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Văn Thành cho rằng, trước mắt, Liên đoàn sẽ phối hợp với các câu lạc bộ, kết nối doanh nghiệp, để thu hút được nhiều tài trợ hơn nữa. Khi đó, mục tiêu tổ chức bóng chuyền theo thể thức sân nhà, sân khách như bóng đá là hoàn toàn khả thi.
Còn Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab) Hoàng Ngọc Huấn, người được giới thiệu ứng cử Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026 sắp tới cam kết, sẽ cố gắng tận dụng các nguồn lực để cải thiện chất lượng giải vô địch quốc gia nói riêng và phát triển bóng chuyền Việt Nam nói chung. Với lợi thế sở hữu trên 20 kênh truyền hình, chiếm 85% thị phần truyền hình thể thao Việt Nam, VTVcab và cá nhân ông hướng tới xây dựng “hệ sinh thái” bóng chuyền, như: Tổ chức sự kiện, truyền hình trực tiếp các giải bóng chuyền... để thu hút tài trợ, đồng thời đưa bóng chuyền đến gần hơn với người hâm mộ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.