Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Minh Ngọc| 22/10/2017 06:32

(HNM) - Đổi mới hoạt động đào tạo nghề theo hướng đề cao tính hiệu quả là giải pháp quan trọng để giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội để làm rõ hơn vấn đề này.


Lao động qua đào tạo nghề đạt gần 40%

- Hà Nội là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Theo ông, chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô đã đáp ứng yêu cầu này chưa?

- Theo thống kê, hằng năm, TP Hà Nội có gần 80.000 người bước vào tuổi lao động và dự báo đến năm 2020, nhu cầu lao động cho nền kinh tế Thủ đô vào khoảng hơn 4,5 triệu người. Tính đến tháng 9-2017, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Hà Nội đạt 60,66%, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt gần 40%, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của cả nước. Tuy nhiên, số lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật phân bố không đều, tập trung ở khu vực đô thị; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ở khu vực nông thôn còn thấp.

Ngoài ra, lao động qua đào tạo nói chung, đào tạo nghề nói riêng còn gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm việc làm phù hợp. Một số ngành, nghề thiếu hụt lao động trình độ cao do nhiều lao động ở Hà Nội cũng như cả nước chưa đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ, kỹ năng làm việc theo nhóm, tính kỷ luật…

- Những năm qua, TP Hà Nội đã quan tâm đến công tác đào tạo nghề như thế nào, thưa ông?

- Trong quá trình xây dựng, phát triển Thủ đô, công tác đào tạo nghề là nội dung được các cấp ủy Đảng, chính quyền, tầng lớp nhân dân đặc biệt quan tâm. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI đã xác định: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới” là một trong 3 khâu đột phá. Chương trình số 04-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy và Kế hoạch số 165/KH-UBND ngày 31-8-2016 của UBND thành phố đã giao nhiệm vụ cụ thể cho ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và các địa phương phải giải quyết việc làm cho 140.000 người/năm; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên từ 70% đến 75% vào năm 2020…

Đặc biệt, năm 2013, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết 23/2013/NQ-HĐND về “Quy hoạch phát triển mạng lưới trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, tạo điều kiện cho hệ thống cơ sở dạy nghề phát triển cả về quy mô và chất lượng. UBND TP Hà Nội cũng ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề nói chung, đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng.

Cùng với các chủ trương, chính sách, TP Hà Nội khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thành lập cơ sở dạy nghề tư thục, mở rộng mạng lưới đào tạo nghề. Các trường nghề đã chủ động đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao hiệu quả đào tạo. Các địa phương chú trọng dạy nghề cho lao động nông thôn với phương châm “Dạy nghề dân cần, giúp dân sống được bằng nghề”.

Nâng cao hiệu quả hoạt động

- Ông có thể cho biết kết quả nổi bật của công tác đào tạo nghề trong những năm gần đây?

- Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 371 đơn vị trong hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc có hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó 108 đơn vị do Hà Nội quản lý. Trung bình mỗi năm, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh, đào tạo khoảng 150.000 - 180.000 lượt người. Từ đầu năm đến nay, riêng các cơ sở đào tạo thuộc Hà Nội đã tuyển sinh, đào tạo gần 40.000 lượt người. Số học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường công lập thuộc TP Hà Nội trong năm 2016 và 9 tháng năm 2017 được doanh nghiệp tuyển dụng theo đặt hàng đào tạo lên đến gần 7.000 người. Một số ngành, nghề thuộc lĩnh vực cơ khí, kỹ thuật, điện, điện tử, may mặc,... còn thiếu chỉ tiêu so với nhu cầu đặt hàng của doanh nghiệp.

Những năm gần đây, công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và thị trường lao động được TP Hà Nội xác định là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành Kế hoạch 66/KH-UBND ngày 15-3-2017 hướng dẫn các đơn vị triển khai mô hình đào tạo theo nhu cầu tuyển dụng. Đến nay, 5 cơ sở đào tạo nghề đã xây dựng kế hoạch triển khai và xác định được 21 doanh nghiệp phối hợp đào tạo.

Đối với lĩnh vực đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, trong giai đoạn 2010-2016, TP Hà Nội đã hỗ trợ đào tạo gần 160.000 lao động. Nhiều lao động sau học nghề tìm được việc làm hoặc tạo ra năng suất lao động, hiệu quả kinh tế cao hơn do ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất.

- Ông có thể cho biết việc xây dựng trường chất lượng cao, nghề trọng điểm được thực hiện thế nào?

- Đến thời điểm này, TP Hà Nội đã xây dựng 3 trường cao đẳng nghề công lập trở thành trường chất lượng cao, đó là: Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội và Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Hà Nội. Trong đó, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đầu tư 5 nghề trọng điểm, trong đó 3 nghề công nghệ ô tô theo tiêu chuẩn Đức; kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, cơ điện tử theo tiêu chuẩn Australia… Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đầu tư 4 nghề trọng điểm, như: Điện tử công nghiệp, thiết kế đồ họa theo tiêu chuẩn Australia… Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Hà Nội lựa chọn nghề điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, cơ điện tử công nghệ ô tô… để đầu tư.

Để hiện thực hóa mục tiêu một số trường nghề chất lượng cao đạt chuẩn khu vực và quốc tế vào năm 2020, giai đoạn 2011-2015, TP Hà Nội đã hỗ trợ mua sắm trang thiết bị dạy nghề trọng điểm với kinh phí hơn 87 tỷ đồng cho Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội. Năm 2016 và năm 2017, thành phố tiếp tục đầu tư 29 tỷ đồng cho một số trường nâng cấp trang thiết bị để triển khai đào tạo thí điểm theo chương trình mới. Điều đáng mừng là một số trường đã khai giảng và số lượng tuyển sinh liên tục tăng; tỷ lệ học viên ra trường có việc làm cao hơn nhiều so với những năm trước.

Từng bước chuẩn hóa đào tạo nghề

- TP Hà Nội đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, song chất lượng đào tạo nghề nói riêng, chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô nói chung vẫn chưa chuyển biến như kỳ vọng. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

- Tôi cho rằng, muốn tạo sự chuyển biến về công tác đào tạo nghề cần có sự tham gia của nhiều ngành, nhiều phía. Ở góc độ đào tạo nghề, không khó để nhận thấy việc tuyển sinh tại các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn. Hằng năm, các cơ sở dạy nghề chỉ nhận được hồ sơ đăng ký sau khi các trường đại học hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh. Việc phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông tham gia học nghề chưa được triển khai cụ thể…

Việc xây dựng trường chất lượng cao, nghề trọng điểm được quan tâm, nhưng nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo của nhiều cơ sở dạy nghề còn lạc hậu so với sự phát triển của khoa học công nghệ. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai rộng rãi, nhưng chưa sâu và chưa bám sát thực tế. Bản thân người lao động và xã hội chưa quan tâm đúng mức đến việc học nghề, dạy nghề…

- Thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH sẽ thực hiện những giải pháp gì để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước, thưa ông?

- Trước hết, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và TP Hà Nội đối với công tác dạy nghề, học nghề; ưu tiên các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề cho các trường dạy nghề công lập của thành phố theo hướng hiện đại. Mô hình thí điểm đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp sử dụng lao động; liên kết đào tạo với các cơ sở nước ngoài uy tín sẽ được mở rộng, phát triển. Ngành LĐ-TB&XH luôn khuyến khích các cơ sở đào tạo nghề theo địa chỉ sử dụng lao động; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực đòi hỏi công nghệ sản xuất hiện đại.

Ngành LĐ-TB&XH sẽ triển khai “Đề án rà soát, sắp xếp nâng cao chất lượng đào tạo nghề các cơ sở giáo dục nghề nghiệp” ngay sau khi được UBND thành phố phê duyệt. Theo chủ trương chung, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Những đơn vị hoạt động kém hiệu quả sẽ giải thể hoặc sáp nhập. Đội ngũ cán bộ, giáo viên các cơ sở đào tạo nghề từng bước được chuẩn hóa; năng lực của giáo viên được đánh giá thông qua chất lượng đầu ra của học sinh. Công tác tư vấn, hướng nghiệp cũng được quan tâm nhiều hơn...

Với những giải pháp nêu trên, tôi tin chất lượng dạy nghề, học nghề từng bước được cải thiện, góp phần “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới”.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.