(HNM) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 161/2018/NĐ-CP. Theo đó, cả nội dung, hình thức và quy trình tuyển dụng đều được đổi mới theo hướng công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng công tác cán bộ.
Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) Trương Hải Long |
Thực chất, công khai, minh bạch
- Thưa ông, xuất phát từ đâu Chính phủ ban hành Nghị định 161/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập?
- Việc tuyển dụng công chức (theo Nghị định 24/2010/NĐ-CP ngày 15-3-2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức) và tuyển dụng viên chức (theo Nghị định 29/2012/NĐ-CP ngày 12-4-2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức) đã thể hiện được tinh thần của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức về việc đổi mới từ cơ chế tuyển dụng theo phương thức truyền thống (thi tập trung, cùng chung nội dung, hình thức thi) sang cơ chế tuyển dụng theo tiêu chuẩn chức danh gắn với vị trí việc làm. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng, phòng chống tiêu cực và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quy trình tổ chức tuyển dụng của các bộ, ngành, địa phương, việc nghiên cứu, đổi mới phương thức tổ chức tuyển dụng để bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và thực tài trong tuyển dụng công chức, viên chức là cần thiết.
Đồng thời với việc đổi mới phương thức tổ chức thi tuyển, việc tổ chức thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng viên chức cũng cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường công khai, minh bạch và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình tổ chức thi; đặc biệt là việc nghiên cứu phân cấp thẩm quyền tổ chức thi nâng ngạch công chức lên chuyên viên chính và tương đương cho các bộ, ngành, địa phương, phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Nội vụ và các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức thi nâng ngạch công chức...
Ngoài ra, để thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 21-3-2016 của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về phân cấp trong quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là cần thiết.
- Vậy đã có bao nhiêu nội dung được sửa đổi, bổ sung, thưa ông?
- Tại Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29-11-2018, Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung 19 nội dung của Nghị định 24/2010/NĐ-CP; 20 nội dung của Nghị định 29/2012/NĐ-CP và 5 nội dung của Nghị định 68/2000/NĐ-CP về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp. Hơn nữa, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Nội vụ thực hiện nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010. Những nội dung được sửa đổi, bổ sung về tuyển dụng công chức, viên chức; về nâng ngạch công chức; về phân cấp trong công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là tiền đề để thực hiện việc sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Viên chức năm 2010, bảo đảm đồng bộ, liên thông giữa quy định của Đảng và quy định của pháp luật về công tác cán bộ.
- Là người làm công tác cán bộ lâu năm, theo ông, đâu là điểm nổi bật trong việc sửa đổi các quy định lần này?
- Điểm nổi bật trong việc sửa đổi các quy định lần này là quy định việc tổ chức thi tuyển và xét tuyển công chức, viên chức theo 2 vòng thi nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng trong công tác tuyển dụng, gắn thẩm quyền tuyển dụng với thẩm quyền sử dụng công chức, viên chức và theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng. Đồng thời, tiếp tục có những nội dung đẩy mạnh việc phân cấp cho bộ, ngành, địa phương; gỡ vướng quy định thôi việc đối với viên chức.
Cụ thể, đối với công tác tuyển dụng công chức, viên chức, nội dung, hình thức, quy trình thi tuyển và xét tuyển theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng trong công tác tuyển dụng, gắn thẩm quyền tuyển dụng với thẩm quyền sử dụng công chức, viên chức và theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng. Theo đó, việc tuyển dụng công chức, viên chức được tổ chức theo 2 vòng: Vòng 1 thi trắc nghiệm về kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học để bảo đảm chính xác trong việc chấm thi và thuận tiện trong việc ứng dụng công nghệ thông tin. Vòng 2 là thi chuyên môn nghiệp vụ bằng hình thức phỏng vấn, thực hành hoặc thi viết do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định. Việc thi nâng ngạch công chức cũng tổ chức theo hướng đơn giản hóa thủ tục, thực hiện theo 2 vòng tương tự như thi tuyển công chức.
Một điểm mới nữa là phân cấp thẩm quyền tổ chức thi nâng ngạch công chức từ chuyên viên chính và tương đương trở xuống cho các bộ, ngành, địa phương. Các bộ, ngành, địa phương quyết định danh sách công chức, viên chức đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi nâng ngạch và chịu trách nhiệm trong quá trình tổ chức các kỳ thi nâng ngạch theo thẩm quyền. Quy định cụ thể đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện tuyển dụng đặc cách công chức không qua thi và phân cấp thẩm quyền cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện (không phải lấy ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ hoặc Ban Tổ chức Trung ương như trước đây).
Đặc biệt, nhằm giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện chế độ thôi việc đối với viên chức trong thời gian qua, Nghị định 161/2018/NĐ-CP đã bổ sung quy định không thực hiện chế độ thôi việc đối với viên chức trong 2 trường hợp: Viên chức được cơ quan có thẩm quyền đồng ý chuyển đến làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong hệ thống chính trị; viên chức đã có thông báo nghỉ hưu hoặc thuộc đối tượng tinh giản biên chế theo quy định của pháp luật.
- Nghị định 161/2018/NĐ-CP cũng đề cập đến việc phân cấp, ông có thể cho biết cụ thể hơn vấn đề này và vai trò của Bộ Nội vụ sau khi các bộ, ngành, địa phương được phân cấp?
- Những nội dung phân cấp trong Nghị định 161/2018/NĐ-CP là để triển khai Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 21-3-2016 của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đồng thời nhằm tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý.
Sau khi phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương, với vai trò của cơ quan được Chính phủ giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Bộ Nội vụ sẽ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các nội dung đã phân cấp cho bộ, ngành, địa phương, theo hình thức hậu kiểm.
Tập huấn, quán triệt để thực hiện hiệu quả Nghị định
- Có thể thấy, nội dung trong Nghị định 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ đã tháo gỡ được cơ bản những vướng mắc trong công tác thi tuyển công chức, viên chức, nâng ngạch... thời gian qua. Vậy, Bộ Nội vụ đã có kế hoạch triển khai thế nào để phát huy hiệu quả trong thực tiễn?
- Theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, Bộ Nội vụ hiện đang xây dựng Thông tư quy định chi tiết về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương triển khai các nội dung đã được quy định tại Nghị định 161/2018/NĐ-CP.
Để thực hiện có hiệu quả nội dung quy định mới tại Nghị định thì ngoài việc Bộ Nội vụ sớm hoàn thiện và ban hành Thông tư nêu trên, các bộ, ngành, địa phương cần sớm tổ chức tập huấn, phổ biến nội dung quy định của Nghị định 161/2018/NĐ-CP tới các đơn vị tham mưu về công tác tổ chức cán bộ để nắm bắt được những nội dung mới của Nghị định, từ đó chuẩn bị áp dụng, tổ chức thực hiện.
- Thực tế tại Hà Nội vẫn có nhiều cơ quan, đơn vị còn thiếu biên chế so với số biên chế được giao, gây quá tải công việc đối với công chức, viên chức. Vấn đề này sẽ được giải quyết thế nào, thưa ông?
- Để giải quyết vấn đề nói trên thì người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần sớm rà soát, xây dựng phương án tuyển dụng công chức, viên chức để tổ chức tuyển dụng đối với số biên chế còn thiếu. Các cơ quan, đơn vị không được ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn để thay thế cho số biên chế chưa tuyển dụng này. Bên cạnh đó, từng cơ quan, đơn vị cần thực hiện nghiêm chủ trương tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, kịp thời thay thế những người kém năng lực, phẩm chất đạo đức, không đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của chức danh, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
- Trong năm 2019, dự kiến Hà Nội sẽ thi tuyển công chức, viên chức khối Đảng, đoàn thể cũng như viên chức khối giáo viên, ông có lưu ý gì để việc tổ chức thi tuyển của TP Hà Nội bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định?
- Hiện nay, việc tổ chức tuyển dụng công chức, viên chức thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương. Theo tôi, TP Hà Nội là một trong số ít đơn vị đã tổ chức thi trên máy vi tính thành nền nếp nên sẽ rất thuận lợi trong việc tổ chức thi tuyển 2 vòng theo quy định tại Nghị định 161/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cần quán triệt tất cả cán bộ, công chức, viên chức được cử tham gia Hội đồng thi, các ban giúp việc của Hội đồng thi và Tổ phục vụ Hội đồng thi thực hiện đúng nội quy, quy chế kỳ thi; tăng cường, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, của từng công chức, viên chức trong khi thực hiện nhiệm vụ và phải kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm liên quan đến tổ chức kỳ thi (nếu có).
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.