(HNM) - 90 năm qua, công tác dân vận luôn được Đảng ta xác định là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng. Cùng với truyền thống của công tác dân vận cả nước, nhiệm kỳ 2015-2020, công tác dân vận của Đảng bộ thành phố Hà Nội có nhiều thành công nổi bật, tạo tiền đề để thực hiện tốt mục tiêu giai đoạn 2020-2025: Tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác dân vận, tạo thành sức mạnh tổng hợp để xây dựng và phát triển Thủ đô.
Tập hợp, đoàn kết quần chúng xung quanh Đảng
Truyền thống công tác dân vận của Đảng gắn liền với sự ra đời và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta luôn đặt công tác dân vận là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm tập hợp quần chúng nhân dân thành lực lượng to lớn, đông đảo, đoàn kết xung quanh Đảng.
Cùng với ngành Dân vận cả nước, ngành Dân vận Thủ đô luôn là lực lượng tham mưu chủ yếu cho Đảng bộ thành phố về công tác dân vận, góp phần quan trọng vào việc giữ ổn định chính trị, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của thành phố.
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Thành ủy và các cấp ủy Đảng đã đổi mới phương thức lãnh đạo đối với công tác dân vận, hướng mạnh về cơ sở, quan tâm giải quyết những vấn đề thiết thực trong đời sống nhân dân. Đặc biệt, Ban Dân vận Thành ủy đã chủ động phối hợp với Ban Cán sự đảng UBND thành phố ký kết, triển khai thực hiện việc tăng cường công tác dân vận chính quyền giai đoạn 2016-2021. Qua đó, đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày một nâng cao.
Đáng lưu ý, việc triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục lan tỏa sâu rộng với 39.427 mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký, 10.272 mô hình được công nhận, biểu dương, khen thưởng trên toàn thành phố…
Sự đổi mới công tác lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, trực tiếp là Ban Thường vụ Thành ủy, gắn với thực hiện có hiệu quả Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị đã góp phần nâng cao vai trò của công tác dân vận trong tình hình mới, đóng góp vào thành công chung của thành phố Hà Nội trong 5 năm qua.
5 nhiệm vụ trọng tâm để không ngừng đổi mới
Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội (khóa XVII), Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, kế thừa truyền thống 90 năm qua, thời gian tới, để có được niềm tin, sự đồng thuận của nhân dân, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận trước hết phải chân thành để “nói dân hiểu, làm dân tin”, từ đó tham mưu chính xác, kịp thời với cấp trên nhằm ban hành những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân. “Thực tế thời gian qua cho thấy, cán bộ dân vận Thủ đô đã hướng về cơ sở, gần dân, hiểu dân và nắm bắt kịp thời những tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân”, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.
Bám sát tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Thành ủy Hà Nội đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dân vận của Thủ đô. Theo đó, các cấp ủy Đảng sẽ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo công tác dân vận để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động về công tác dân vận của các cấp ủy Đảng, hệ thống chính trị; phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Thành ủy Hà Nội cũng đặt mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp; tăng cường công tác dân vận của cả hệ thống chính trị; tiếp tục triển khai thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội về công tác dân vận… Thành phố cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, động viên khen thưởng kịp thời nhằm tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.
Thực tế quá trình phát triển của đất nước và Thủ đô cho thấy, niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước được khẳng định khi lời nói và việc làm của cán bộ được nhân dân thừa nhận; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống. Do vậy, việc xây dựng các tiêu chí phấn đấu bám sát mục tiêu, yêu cầu đặt ra để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới là rất quan trọng và cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô trong giai đoạn hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.