Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT: Mệnh lệnh từ cuộc sống

Thống Nhất| 26/01/2016 07:44

(HNM) - Thành công của sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển trong lĩnh vực

Nghị quyết 29-NQ/TƯ của BCH Trung ương với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) đang trở thành yêu cầu cấp bách hiện nay. Thành công của sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển trong lĩnh vực "trồng người", mà còn góp phần tạo nguồn nhân lực xây dựng đất nước phồn vinh.

Báo cáo các văn kiện của BCH Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: "Các nghị quyết của Đảng về GD-ĐT được lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đạt được những thành quả nhất định. Quy mô, mạng lưới cơ sở GD-ĐT tiếp tục được mở rộng. Hệ thống GD-ĐT các cấp từ cơ sở đến đại học, dạy nghề được tổ chức lại một bước… Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả GD-ĐT còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; hệ thống GD-ĐT thiếu liên thông giữa các trình độ và phương thức GD-ĐT; còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành… Phương pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả còn lạc hậu, thiếu thực chất; cơ sở vật chất - kỹ thuật còn thiếu và lạc hậu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa…".

Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT góp phần tạo nguồn nhân lực xây dựng đất nước. Ảnh: Thái Hhiền


Để đào tạo nên những thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước hội tụ bốn yếu tố đức - trí - thể - mỹ, trở thành những công dân toàn cầu, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, đòi hỏi hệ thống GD-ĐT phải giải quyết những bất cập nêu trên và không ngừng đổi mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giai đoạn mới. Nhưng đổi mới thế nào, bắt đầu từ đâu lại là một dấu hỏi lớn. Đã có hàng chục cuộc tọa đàm, hội thảo, hàng trăm ý kiến bày tỏ quan điểm. Gần đây nhất, một cuộc hội thảo của đội ngũ nhà giáo đến từ hàng trăm trường phổ thông tại Hà Nội đã bàn thảo về vấn đề này, ghi nhận nhiều ý kiến góp ý. Người cho rằng đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ người thầy. Ý kiến khác xác định đổi mới giáo dục cần bắt đầu từ tạo sinh khí cho việc học. Lại có người nhận định, đổi mới giáo dục cần đổi mới từ cách thức giáo dục đạo đức, tư duy, hoặc từ kiểm tra, đánh giá… Như vậy, có thể thấy, ở mỗi nơi, mỗi con người, tùy theo hoàn cảnh cụ thể mà cách thức tiến hành đổi mới giáo dục là không giống nhau.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 của ngành GD-ĐT, trong bài phát biểu đầy tâm huyết của mình, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, ngành Giáo dục đã xác định rõ những hạn chế của mình, vì vậy, cần nhìn thẳng vào những điều còn tồn tại để tìm ra giải pháp khắc phục và phải tạo chuyển biến mạnh mẽ từ chính những bất cập ngay trong năm học này, bắt đầu từ những điều thật cụ thể, phù hợp với điều kiện, yêu cầu, nhiệm vụ thực tế tại đơn vị, chứ đừng quá đao to búa lớn, cũng không nên hình thức. Cũng theo Phó Thủ tướng, mỗi chúng ta đều nhận thấy phải đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Đổi mới không phải là xóa hết cái cũ, nhưng những cái không còn phù hợp, nếu không thay đổi thì sẽ không thể phát triển. Tuy nhiên, giáo dục liên quan đến mọi người dân, một thay đổi nếu không phù hợp liên quan đến cả một đời người và nhiều năm với dân tộc. Đổi mới phải quyết liệt, song cần trí tuệ, bình tĩnh, với tinh thần nỗ lực hơn nữa để tạo thuận lợi nhất cho học sinh.

Việc đổi mới kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 là một minh chứng cho tinh thần quyết liệt và cầu thị trong tiến trình đổi mới giáo dục. Số nguyện vọng xét tuyển của học sinh tăng hơn; cách xét tuyển thay đổi (có điểm trước, đăng ký nguyện vọng sau), tạo thêm quyền lợi cho học sinh; việc bố trí thi theo cụm, tạo cơ hội bình đẳng cho học sinh ở các vùng, miền; những trục trặc về mặt kỹ thuật được kịp thời điều chỉnh, hỗ trợ cho học sinh trong quá trình xét tuyển.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đánh giá: Việc đổi mới kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng là bước tiến quan trọng, tạo tiền đề cơ bản trong việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết 29-NQ/TƯ. Những bất cập, tồn tại của kỳ thi sẽ tiếp tục được điều chỉnh, khắc phục để hoàn thiện trong những năm tới.

Thực tế còn cho thấy, ý chí quyết tâm đổi mới hình thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong năm 2015 đã có tác động tích cực trong việc giải quyết dần những tồn tại của ngành. Việc đổi mới cách ra đề thi đã hạn chế được tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, xóa dần thói quen học tủ, đoán mò; cách ra đề thi theo hướng mở, đòi hỏi các nhà trường phải thay đổi phương pháp dạy học, quan tâm đến việc rèn nếp tự học, cách tư duy, sáng tạo cho học sinh và việc đổi mới kỳ thi còn buộc các nhà trường đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng thực chất, coi trọng việc ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế.

Cũng trong năm 2015, một việc tưởng chừng nhỏ, nhưng đã để lại ấn tượng sâu sắc không chỉ đối với hơn 20 triệu học sinh, sinh viên, mà còn với các bậc phụ huynh và người dân cả nước. Lần đầu tiên sau nhiều năm, ngày khai giảng năm học mới được ấn định chung (ngày 5-9) cho cả hệ thống giáo dục các cấp học, địa phương. Các thủ tục rườm rà được rút gọn; cảnh học sinh xếp hàng trong nhiều giờ, nhiều ngày để tập dượt cho ngày khai giảng, đón lãnh đạo không còn. Thời khắc đón năm học mới trở nên thiêng liêng, ý nghĩa hơn. Sự háo hức, khí thế học tập như tăng lên. Điều dễ nhận thấy, là ngày khai giảng đã trở về đúng nghĩa là "Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường", bớt hẳn những nội dung hình thức, sáo rỗng. Những điều chỉnh kịp thời, cần thiết đó đã tạo động lực, niềm tin với cả trò, cả thầy và hàng chục triệu phụ huynh, người dân cả nước về những tác động tích cực của chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Có thể khẳng định, những chuyển biến về giáo dục nói trên bắt nguồn từ truyền thống hiếu học của dân tộc, sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân, mỗi gia đình và toàn xã hội, sự tận tụy của đội ngũ nhà giáo, với tinh thần tất cả vì tương lai thế hệ trẻ. Thực tiễn triển khai Nghị quyết 29-NQ/TƯ trong 2 năm vừa qua khẳng định thêm: Niềm tin ấy đến từ sự đồng thuận, chung sức của cả hệ thống chính trị với cùng một quan điểm "giáo dục là quốc sách hàng đầu" và đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT tất sẽ thành công.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng:
Học sinh phải có đủ cơ sở vật chất để vận dụng lý thuyết vào thực tế

Sau đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất là yếu tố quan trọng không thể tách rời trong quá trình triển khai đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ giai đoạn tới của các nhà trường, địa phương là không chỉ quan tâm đầu tư trang thiết bị theo hướng đồng bộ, hiện đại, mà còn phải hiệu quả, đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện. Để "phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng... chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội..." như yêu cầu của Nghị quyết 29-NQ/TƯ, học sinh phải có đủ cơ sở vật chất để thực hành, để mày mò sáng tạo, vận dụng lý thuyết vào thực tế. Thực tế hiện nay một số trường có phòng thí nghiệm, thực hành, nhà đa năng... nhưng hiệu suất sử dụng chưa cao, hoặc trang thiết bị đã cũ, hỏng. Đây là điều cần được lưu tâm khắc phục trong những năm tới.

Cô giáo Tạ Ngọc Tú (Trường THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa):
Tạo sinh khí cho giờ học là vô cùng quan trọng

"Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học" là một trong những nhiệm vụ quan trọng được nêu tại Nghị quyết 29-NQ/TƯ, đòi hỏi mỗi giáo viên phải không ngừng nỗ lực, chủ động, sáng tạo, tìm ra cách thức để đáp ứng có chất lượng yêu cầu này.

Bản thân tôi là một giáo viên trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm, lại dạy một môn học mà đối với nhiều học sinh là khá nặng nề - môn lịch sử, bởi vậy, tôi cho rằng việc tạo sinh khí cho giờ học là vô cùng quan trọng. Sinh khí là mắt xích khởi đầu cho một chuỗi vận hành dạy và học, nếu mắt xích này bị vướng thì tất cả sẽ ngưng trệ. Để tạo được sinh khí ấy, theo tôi có một số điều cơ bản mà giáo viên phải làm: Tạo kịch tính; biến những quan điểm, sự kiện, vấn đề thành những câu chuyện; gắn quá khứ với hiện tại và cuối cùng là tạo cơ hội để học sinh nói lên suy nghĩ của mình. Đây là yếu tố cơ bản để tăng sự tương tác, gần gũi và sẻ chia với học sinh. Hành trình này thực sự không dễ dàng, nhưng tôi vẫn quyết tâm theo đuổi, vì tôi yêu nghề dạy học.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT: Mệnh lệnh từ cuộc sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.