(HNM) - Trường đại học Công đoàn vừa tổ chức hội thảo Quan hệ lao động trong xu thế toàn cầu hóa và vai trò của công đoàn nhằm tìm ra giải pháp cho người lao động (NLĐ) và hoạt động của tổ chức công đoàn…
Tại hội thảo, các chuyên gia nhận định: trong điều kiện giá cả biến động như hiện nay, nhiều doanh nghiệp không thể, hoặc không chấp nhận tăng lương cho người lao động và hệ quả là phải đối mặt với tranh chấp lao động tập thể ngày càng phức tạp.
Các doanh nghiệp nên tăng mức thu nhập bảo đảm cuộc sống cho công nhân sẽ tránh được những tranh chấp lao động tập thể. Ảnh: Linh Tâm |
Nói về vấn đề này, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phân tích, quan hệ lao động ở doanh nghiệp chủ yếu thông qua hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể. Công đoàn là người đại diện ký kết thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động, song ở nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động vẫn chưa tôn trọng văn bản dưới luật này. Hành vi vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động chủ yếu là vi phạm về hợp đồng lao động và quy định về thời gian làm việc, nghỉ ngơi, tiền lương, tiền thưởng, định mức lao động, BHXH, ATLĐ - VSLĐ…
Các đại biểu nhận định, việc xác định tiền lương tối thiểu phải bảo đảm mức sống tối thiểu của từng vùng, miền. Mặc dù Chính phủ đã quy định cụ thể về điều này nhưng theo ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, mức lương tối thiểu vùng chỉ là căn cứ để các doanh nghiệp tự xây dựng mức lương hợp lý. Hiểu một cách khác, mức lương tối thiểu chỉ là sự quy định cứng để doanh nghiệp không được trả lương quá thấp cho NLĐ. Theo các chuyên gia về lao động, mức lương tối thiểu hiện nay vẫn chưa thể đáp ứng được những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của NLĐ. Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH đang tính toán, tham mưu cho Chính phủ tiếp tục cải cách tiền lương.
Cũng theo ông Mai Đức Chính, tình trạng lạm phát gia tăng khiến đời sống công nhân gặp rất nhiều khó khăn. Điều này thể hiện rất rõ ở vấn đề dinh dưỡng và nhà ở của NLĐ. Hầu hết NLĐ phải thắt chặt chi tiêu và làm thêm nhiều. Tiền lương tăng không được bao nhiêu nhưng tiền thuê trọ tăng 20-30%, tiền điện, nước tăng từ 2 đến 4 lần so với trước.
Trong các cuộc tranh chấp lao động thời gian qua, công nhân cho rằng doanh nghiệp đang sử dụng lao động theo kiểu "vắt chanh bỏ vỏ". Có nơi khéo léo lách luật bằng cách sử dụng lao động thời gian ngắn. Khi hết hợp đồng hoặc NLĐ giảm sút về sức khỏe, doanh nghiệp tìm cách buộc NLĐ phải nghỉ việc và điều đó buộc họ phải có "đối sách" bằng các cuộc tranh chấp lao động tập thể.
Quy định của Chính phủ về lương tối thiểu đã có. Song, nếu các doanh nghiệp chỉ lấy đó làm căn cứ trả lương mà không tính toán hài hòa lợi ích cả hai phía, chắc chắn tình trạng tranh chấp lao động sẽ gia tăng. Ông Dương Văn Sao, Hiệu trưởng Trường đại học Công đoàn cho rằng, bên cạnh việc ban hành, sửa đổi chính sách tiền lương, tạo cơ sở pháp lý để doanh nghiệp thực hiện tốt chế độ tiền lương và khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ đời sống công nhân, cơ quan chức năng cần nâng cao chất lượng hoạt động của Thanh tra lao động. Trọng tâm là các tỉnh, thành phố có nhiều KCN, KCX, vận động doanh nghiệp thực hiện pháp luật lao động. Chấn chỉnh kịp thời những sai phạm trong việc ký kết thỏa ước lao động tập thể và thang bảng lương ở doanh nghiệp FDI. Đồng thời có chế tài bảo vệ cán bộ công đoàn khi họ tham gia đấu tranh bảo vệ lợi ích cho NLĐ.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 540.000 DN, thu hút hàng triệu lao động . Tuy nhiên, số DN có thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể khu vực FDI chiếm 64% và khu vực DN ngoài Nhà nước là 59%, số DN có tổ chức CĐ chiếm 60% so với số DN có đủ điều kiện thành lập tổ chức CĐ. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.