Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đối mặt nhiệm kỳ không yên ả

Thùy Dương| 04/07/2012 07:09

(HNM) - Chiến thắng của ứng cử viên Đảng Cách mạng thể chế (PRI) Enrique Pena Nieto trong cuộc bầu cử Tổng thống Mexico diễn ra ngày 1-7 vừa qua đánh dấu sự trở lại cầm quyền của đảng PRI sau 12 năm; đồng thời dự báo những thách thức mà tân tổng thống trẻ nhất Châu Mỹ phải đối mặt.


Đó là vực dậy một nền kinh tế ốm yếu do ảnh hưởng từ suy giảm kinh tế Mỹ; đồng thời đối phó với nạn tội phạm ma túy có tổ chức cũng như tình trạng bạo lực tràn lan trên khắp đất nước.


Ông Pena Nieto tuyên bố chiến thắng sau khi Ủy ban bầu cử
Mexico công bố kết quả sơ bộ.

Với khoảng 40% số phiếu bầu, ông E.P.Nieto (45 tuổi) đã có chiến thắng cách biệt với đối thủ cánh tả Andres Manuel Lopez Obrador (31%) và ứng viên Josefina Vazquez Mota của đảng cầm quyền Hành động quốc gia (PAN) (24%). Thắng lợi của ông E.P.Nieto được ghi nhận sự trở lại của Đảng PRI (từng cầm quyền trong suốt 71 năm trước khi để mất quyền lãnh đạo Mexico vào năm 2000). Có một thực tế là nhiều năm qua, dù không trực tiếp cầm quyền nhưng đảng này vẫn có ảnh hưởng lớn trên chính trường quốc gia khi nắm giữ hơn một nửa ghế thống đốc của 31 bang ở Mexico. Trong khi đó, sau 12 năm cầm quyền tại Mexico, Đảng PAN vẫn không đủ sức làm thay đổi bức tranh kinh tế đất nước, nhất là tình hình bạo lực giữa các băng nhóm tội phạm ma túy. Bằng chứng là chiến dịch bài trừ tội phạm có tổ chức do Tổng thống Felipe Calderon thực hiện từ năm 2006 đã không thu được kết quả như mong đợi, trong khi có tới hơn 50.000 người thiệt mạng. Thêm nữa, Mexico là một trong những quốc gia có nhiều tỷ phú nhất trên thế giới nhưng lại là nước có tỷ lệ người nghèo cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ 2%/năm, trong khi tỷ lệ thất nghiệp 4,5%, gần 50% dân số Mexico sống trong đói nghèo...

Vì thế, việc ông E.P.Nieto đắc cử cho thấy người dân Mexico đã lựa chọn con đường cứng rắn (như cương lĩnh tranh cử của ông E.P.Nieto) để hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Từng là Thống đốc bang Mexico từ năm 2005 đến 2011, nổi lên với chính sách chú trọng vào các dự án công và cải thiện cơ sở hạ tầng, từ đó giảm được nợ công và tăng trưởng ổn định, ông E.P.Nieto đã giành được sự ủng hộ lớn của người dân. Cùng việc đầu tư mạnh vào các công trình công cộng, ông E.P.Nieto còn thu được những thành công bước đầu trong cải cách y tế, giáo dục và cuộc chiến chống đói nghèo. Hơn thế, ông E.P.Nieto đã thuyết phục nhiều người Mexico tin rằng, chính phủ của ông sẽ đối phó tốt hơn với những thách thức mà đất nước đang đối mặt như: suy thoái kinh tế, giá cả tăng vọt, tỷ lệ thất nghiệp cao cũng như nghèo đói và tình trạng tội phạm... Nhưng, quan trọng hơn cả, E.P.Nieto đã khiến cử tri tin rằng, ông sẽ thúc đẩy một chiến lược mới hiệu quả chống tội phạm ma túy để khôi phục trật tự xã hội.

Tuy nhiên, với những gì đã hứa với cử tri, tân Tổng thống E.P.Nieto và đảng cầm quyền PRI của ông có thể gặp rắc rối nếu nền kinh tế của Mexico cũng như đời sống của người dân không nhanh chóng được cải thiện. Không những thế, ông E.P.Nieto còn phải đối mặt với áp lực lớn là tận diệt nạn tham nhũng và hối lộ ngay trong nội bộ Đảng PRI vốn đầy tai tiếng. Đây được xem là nguy cơ gây chia rẽ nội bộ Đảng PRI cầm quyền trong nhiệm kỳ của vị tổng thống mới đắc cử. Cần phải thấy rằng, cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức suốt nhiệm kỳ của Tổng thống sắp mãn nhiệm Felipe Calderon chỉ đạt được thành công hạn chế và đã không thể ngăn chặn làn sóng bạo lực liên quan đến ma túy. Điều này hứa hẹn một thách thức lớn cho Tổng thống đắc cử E.P.Nieto.

Thực tế cho thấy, chỉ khi chính quyền trung ương đủ mạnh để thiết lập trật tự, người dân không còn phải hứng chịu hậu quả nặng nề do tội phạm gây ra thì Mexico mới mong có được những ngày tháng yên bình. Trước những thách thức trên, không khó để nhìn ra tân Tổng thống Mexico E.P.Nieto ngay sau khi ăn mừng chiến thắng sẽ phải trải qua một nhiệm kỳ không yên ả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đối mặt nhiệm kỳ không yên ả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.