Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi đời “tiểu hổ” đồng quê

THANHCHUNG| 20/05/2005 10:05

Hình ảnh con mèo đi từ thế giới đồng dao, đi vào đời sống; và người nông dân hầu như rất tránh ăn thịt mèo - con vật gắn bó thân thiết với mình. Nhưng rồi mèo cũng bị biến thành món nhậu thời thượng. Mèo lên thớt, chuột được thế hoành hành khủng khiếp. Thế nên mới có cảnh oái oăm: Trong khi Thái Bình có một

Hình ảnh con mèo đi từ thế giới đồng dao, đi vào đời sống; và người nông dân hầu như rất tránh ăn thịt mèo - con vật gắn bó thân thiết với mình. Nhưng rồi mèo cũng bị biến thành món nhậu thời thượng. Mèo lên thớt, chuột được thế hoành hành khủng khiếp. Thế nên mới có cảnh oái oăm: Trong khi Thái Bình có một "thành phố thịt mèo"; thì ở Hà Tây, bà con tổ chức thi hoa hậu mèo để tôn vinh, phát triển loài thiên địch của chuột này.

Khi “tiểu hổ” thành món nhậu

Về thành phố Thái Bình một chiều cuối tháng tư, tôi được mấy bạn thời sinh viên rủ đến hàng "tiểu hổ" để bù khú. Họ bảo, ở Thái Bình bây giờ, chén thịt mèo đã thành mốt ẩm thực thời thượng.

Vừa bước vào quán "Tiểu hổ đồng quê" trên đường Nguyễn Thái Học, tôi được chứng kiến cảnh cả một thúng đầu mèo lổn nhổn, trắng lốp, bên cạnh là cái nong chật những đùi, mình, chân mèo được pha đâu vào đấy. Thấy cảnh lão "đồ tể" đang gắng sức bình sinh cầm chày đập vào chiếc bao tải nhỏ, khiến chú mèo bên trong gào lên những tiếng ghê rợn, cô bạn đi cùng ré lên lùi lại đằng sau. "Cái gì thế?". Bà chủ to béo chạy ra, đon đả - "Có gì đâu mà yếu bóng vía thế! Gầy yếu như em mà xơi tiểu hổ, chị bảo đảm chẳng mấy mà có số đo lý tưởng. Lại dễ đẻ nữa chứ (?)...". Thấy khó thuyết phục cô bạn yếu bóng vía cứ khăng khăng coi đó là trò "giết chóc dã man", mấy anh bạn đành bỏ tiểu hổ, "chuyển kênh" khác. Riêng tôi nán lại vì quá tò mò. Toại đã vừa rỉ tai vừa kéo tôi đến "điểm tập kết" mới.

"Cho hai "mun" cả con, chế biến sẵn, đủ món, mang về", tôi lên giọng ra vẻ sành điệu. "Em thông cảm, hôm nay hết mun rồi, chỉ còn mướp và tam thể, giá đồng hạng 80 nghìn một cân hơi, cộng thêm công làm lông, có đủ hấp, xào lăn, xào sả, xào lòng... Còn mun hai trăm nghìn một cân, hẹn em hôm khác mới có". Thấy tôi ngần ngừ, bà ta "nổ" tiếp, đại loại là hàng bà ta uy tín, đến giờ quá nửa ngày đã gần 4 chục con lên đĩa, chưa kể mấy nơi đặt, chưa đến lấy... "Thế hàng có đảm bảo không? Lỡ phải mèo vướng bả chuột thì đi đời". "Cứ ăn đi, có làm sao chị đền... Mèo quê lấy từ Hưng Hà, Quỳnh Phụ lên đấy. Chú cứ xem hàng dự trữ sau nhà kia thì biết".

Để tìm hiểu thực trạng kinh doanh thịt mèo vô tôi vạ ở thành phố Thái Bình, chúng tôi dành ba ngày "lượn" qua những nhà hàng tương tự "Tiểu hổ đồng quê". Trên đường Lý Thường Kiệt, có cửa hàng "Thịt mèo đủ món", chợ Lạc Đạo có dịch vụ "Mua bán mèo thịt"…Còn rất nhiều quán thịt mèo hoạt động ngày đêm, tập trung đông nhất là ở khu vực Chợ Đậu, ngã ba Đường Mới đi Hà Nội...

Tưởng "tiểu hổ" chỉ có ở nơi thành phố ăn chơi, ai dè khi về các huyện Hưng Hà, Đông Hưng, Kiến Xương, Quỳnh Phụ... chúng tôi thấy cũng nhan nhản các quán thịt mèo.

Các cơ quan chức năng TP.Thái Bình có lẽ cũng không biết có bao nhiêu quán tiểu hổ đang hoạt động công khai trên địa bàn, bất chấp những quy định của Chính phủ về việc bảo vệ mèo, cấm kinh doanh mèo thịt. Riêng ở nhà hàng "Tiểu hổ đồng quê", theo thông tin mà chúng tôi nắm được, người ta đập cả trăm con mèo mỗi ngày. Vậy thì, khắp thành phố Thái Bình, hàng ngày số mèo bị giết thịt hẳn rất lớn.

Thái Bình hiện vẫn có chủ trương phát triển và bảo vệ đàn mèo để diệt chuột bảo vệ mùa màng. Một số xã ở Vũ Thư, Đông Hưng, Quỳnh Phụ còn khuyến khích, đầu tư vốn cho nông dân nuôi mèo. Còn nhớ, có dạo, do quá khan hiếm loài thiên địch của chuột này, người dân phải lặn lội tìm nguồn nhập ở mãi các tỉnh miền núi miền Trung. Vậy mèo ở đâu đến Thái Bình? Tại huyện Quỳnh Phụ, một số bà con nông dân cho biết: Có nhiều "đường dây" thu gom mèo thịt để bán đi các nơi tiêu thụ. Mấy năm nay còn xuất hiện bọn trộm chó, mèo, ban đêm thường phóng xe máy lượn các làng quê tìm bắt trộm chó, mèo.

Năm ngoái, Công an xã Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ) được dân giúp đã tóm gọn 2 tên trộm chó, mèo chuyên nghiệp là Nguyễn Văn Duy, Nguyễn Văn Nghị quê ở xã An Ninh (Quỳnh Phụ), chúng khai chỉ riêng số mèo bắt tại xã Quỳnh Hội trong 2 năm 2003-2004 gần một trăm con. Nạn săn trộm mèo, nạn tàn sát mèo công khai ở các hàng quán Thái Bình đã khiến cho mèo ngày càng hiếm. Hệ quả là chuột được dịp tác quái. Người nông dân quê lúa ngày càng lệ thuộc vào thuốc chuột Trung Quốc, vào bẫy điện, những thứ vốn đã gây ra không ít tai nạn chết người.

Thi hoa hậu mèo, chống thảm hoạ chuột

13 giờ chiều ngày 25.4.2005, hội trường xã Thanh Bình (huyện Chương Mỹ - Hà Tây) đã ồn ĩ. Hơn 200 con mèo cùng với chủ nhân của chúng đã tề tựu đông đủ. Trước vẻ ngạc nhiên của chúng tôi, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thanh - chuyên gia có thâm niên hàng chục năm nghiên cứu về mèo, hiện đang công tác tại Trường Đại học Nông nghiệp I nói: “Thi hoa hậu mèo là khuyến khích người nông dân nuôi thật tốt đàn mèo ấy mà!”

Cuộc thi độc nhất vô nhị ở Việt Nam này diễn ra căng thẳng. Khác hẳn thi hoa hậu dành cho con người, với nụ cười và cả nước mắt ngậm ngùi, 200 "thí sinh mèo" mắt đều tròn ngơ ngác, với mèo, giật giải hay không đều chẳng buồn, chẳng vui gì sất. Những đại diện tiêu biểu nhất cho hàng nghìn mèo ở xã có run chút ít vì quá đông người, nhưng lại được an ủi bằng... cá nướng của chủ mang theo.

Có chứng kiến tận mắt cuộc thi "hoa hậu mèo" tại Thanh Bình mới thấy rằng nó hoàn toàn không phải để tổ chức cho vui, làm theo kiểu "hội chứng guinness", cố làm chuyện lạ, mà chỉ mong khuyến khích bảo vệ, khôi phục đàn mèo. Cách đây chưa lâu, Thanh Bình còn đối mặt với thảm hoạ chuột.

Ông Nguyễn Hữu Sáng - Chủ tịch xã Thanh Bình nhớ lại: Cách đây không lâu, đất Thanh Bình mà chẳng thanh bình vì... chuột. Chẳng hiểu vì sao, những năm 2000-2001, chuột bỗng nhiên nhiều thế? Đến nỗi, chập tối, ban đêm đi ngoài đường có thể đá vào chúng. Ông Lê Văn Thực - ở thôn Đồi Chè nuôi vịt đẻ kể rằng có lần ông tận mắt thấy cả "trung đội chuột" rình lúc nửa đêm về sáng, vịt đẻ xong, từng đôi chuột, con nằm ngửa dùng 4 chân quặp trứng làm "xe", con dùng răng cắn đuôi con kia kéo mang trứng đi...

Theo khảo sát của Hợp tác xã nông nghiệp Thanh Bình thì từ năm 2000 đến năm 2003, chuột làm thiệt hại từ 20-36% diện tích gieo trồng. Thậm chí có thôn như Đồi Chè, Tiến Phối... chuột phá tan 50% các ruộng lúa trước khi thu hoạch.

Dù đã áp dụng mọi công nghệ diệt chuột nhưng chúng vẫn sinh sôi với tốc độ nhanh, còn những giải pháp mang tính phong trào không triệt để, thóc thưởng thì có hạn, chưa kể giải pháp này lại "đá" giải pháp khác như chuyện dùng bả chỉ lừa được vài con chuột ngốc, nhưng lại diệt khá nhiều mèo. Thế rồi "chiến lược khôi phục, phát triển đàn mèo" ở Thanh Bình được khởi động...

Bà con nông dân được hẳn ông tiến sĩ Nguyễn Văn Thanh - Trường Đại học Nông nghiệp I - về tư vấn, giúp đỡ. Bằng kinh nghiệm và những thực nghiệm khoa học, ông Thanh đã giúp bà con nhận thấy: Diệt chuột không thể chỉ bằng những tiếng trống cổ động, những tiếng vỗ tay nhất thời. Nghiên cứu cho thấy, nếu một cánh đồng có 1.000 con chuột thì mỗi ngày sẽ đẻ ra thêm lên khoảng 6.000 con. Theo một kết quả khảo sát cấp quốc gia, số chuột trong 3 tháng đầu năm 1998 ở nước ta là khoảng 30 triệu con, mỗi ngày chúng gây thiệt hại ít nhất khoảng 30 tỉ đồng.

Chỉ ít lâu sau, TS Thanh đã "xin" được một dự án đầu tư cho việc phát triển đàn mèo ở Thanh Bình. Dự án này do Tổ chức phi chính phủ Thanh niên và sứ mệnh (YWAM) tài trợ với số vốn 2,2 tỉ đồng. Theo đó, các hộ phải cam đoan không giết mèo ăn thịt, không thiến mèo đực, không dùng bả hoá học đánh chuột để vô ý diệt mèo, không bán mèo cho các quán tiểu hổ...

Kết quả của chiến dịch nuôi mèo: Chỉ trong hai năm 2002 - 2004, diện tích lúa bị chuột phá hoại ở Thanh Bình chỉ còn 1-2%, cây rau màu như bắp cải, su hào, khoai lang... cũng không còn bị chuột đào, gặm. Đội diệt chuột 22 người của HTX cùng hàng trăm chiếc bẫy bán nguyệt, trước kia hoạt động không xuể, nay đã…thất nghiệp.

Theo Lao Động

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi đời “tiểu hổ” đồng quê

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.