Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đợi chờ màn so tài hấp dẫn

Minh Quang| 09/10/2016 06:57

(HNM) - Sáng nay (9-10), 1.200 VĐV được tuyển chọn từ các tỉnh, thành, ngành và các cuộc chung kết cấp quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội sẽ tham gia tranh tài tại chung kết Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng lần thứ 43 - Vì hòa bình năm 2016. Vòng chung kết diễn ra bên bờ hồ Hoàn Kiếm bắt đầu từ 7h,

Khối quận, huyện triển khai tập luyện sớm

Nếu coi các cuộc chạy kiểm tra tiêu chuẩn phổ thông ở cấp cơ sở và các cuộc chung kết cấp quận, huyện, thị xã là gốc, là chân đế thì cuộc thi chung kết cấp thành phố luôn là đỉnh cao của Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng - Vì hòa bình. Ở kỳ giải lần thứ 43 này cũng vậy, tất cả các đoàn đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho vòng thi chung kết.



Nhiều người trong nghề từng nói rằng, cuộc thi chung kết Giải chạy Báo Hànộimới thực sự là đỉnh cao của phong trào thể dục thể thao quần chúng. Ở đó có sự tranh tài của những VĐV xuất sắc nhất, cả ở nội dung phong trào và nâng cao. Đó cũng là dịp để các HLV tuyển quân cũng như rèn luyện bản lĩnh cho các học trò. “Tranh tài và giành tấm huy chương ở chung kết Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng - Vì hòa bình chưa bao giờ là việc dễ. Chỉ tập khơi khơi thì trừ khi có tố chất đặc biệt mới mong giành được một vị trí trong tốp đầu. Thường thì những người không có được sự chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ phải ra về trong cảnh trắng tay, dù đó có là VĐV giỏi chăng nữa", HLV Dương Đức Quang của đội tuyển điền kinh huyện Gia Lâm chia sẻ.

Cũng theo HLV Dương Đức Quang, khi Hà Nội chưa mở rộng địa giới hành chính, chuyện VĐV Gia Lâm lên ngôi cao nhất ở cả nội dung cá nhân và đồng đội không quá khó. Nhưng sau ngày Hà Nội hợp nhất với Hà Tây, giải có sự tham gia của nhiều đoàn hơn, trong đó có các đoàn mạnh như Ba Vì, Thạch Thất thì mọi sự đã không còn dễ dàng. Nếu không tập, chuẩn bị kỹ thì Gia Lâm rất dễ “văng” khỏi nhóm 3 đoàn dẫn đầu khối quận, huyện, thị xã. Để tránh tình huống xấu này, ngay từ ngày 6-9, đội tuyển điền kinh huyện Gia Lâm bao gồm khối học sinh THCS, THPT, công nhân viên chức, lao động và lực lượng vũ trang (CNVC, LĐ&LLVT) đã tập trung tại Trung tâm TDTT huyện để tập huấn. 24 VĐV nam, nữ ở 3 khối được hưởng chế độ dinh dưỡng đặc biệt, với mức 150 nghìn đồng/ngày. Một chế độ khá cao so với các VĐV phong trào, cho thấy sự coi trọng của chính quyền huyện đối với Giải chạy Báo Hànộimới. Điều đó cũng góp phần giải thích vì sao phong trào tập chạy ở Gia Lâm luôn phát triển và được duy trì đều đặn từ nhiều năm. Theo HLV Dương Đức Quang, các VĐV tập 4 giờ mỗi ngày dưới sự hướng dẫn của các HLV. Riêng VĐV khối CNVC, LĐ&LLVT còn được đơn vị chủ quản tạo điều kiện tối đa về thời gian để có thể yên tâm tập trung tập luyện chuẩn bị cho vòng chung kết.

Còn ở huyện Mỹ Đức, dù thực lực VĐV còn hạn chế song khâu chuẩn bị cho giải vẫn được thực hiện một cách nghiêm túc. Theo bà Nguyễn Thị Thuyên, Giám đốc Trung tâm TDTT huyện Mỹ Đức, đội tuyển điền kinh huyện đã tập trung tập huấn từ ngày 28-8 để chuẩn bị cho vòng chung kết. Trung tâm TDTT huyện tổ chức tập huấn liên tục cho VĐV khối THCS và THPT 6 buổi/tuần. Các VĐV khối CNVC, LĐ&LLVT thì tự tập. Cũng như Gia Lâm, huyện Mỹ Đức không có sân vận động nên các VĐV tận dụng đường liên xã trên địa bàn để tập luyện. Khó khăn là vậy nhưng ở nội dung thi đấu dành cho khối CNVC, LĐ&LLVT, huyện Mỹ Đức vẫn đặt chỉ tiêu có VĐV lọt vào tốp 5.

Quy tụ nhiều vận động viên chuyên nghiệp

Năm nay, nội dung nâng cao mở rộng hứa hẹn nhiều kịch tính trên đường chạy. 16 đoàn dự giải đều có những mục tiêu nhất định. Ở nội dung nữ, cuộc thi chung kết có sự góp mặt của những VĐV đang khẳng định được tên tuổi, trong đó có Phạm Thị Huệ (Quảng Ninh) - người vừa đoạt 2 HCV (cá nhân và đồng đội) tại Đại hội Thể thao bãi biển Châu Á nội dung băng đồng, đoạt HCV nội dung 3km trẻ tại Giải việt dã Báo Tiền Phong năm 2016. Ngoài ra, Hoàng Thị Thanh (Bộ đội Biên phòng) cũng là cái tên đáng chú ý khác, VĐV này từng về thứ tư nội dung 10.000m ở SEA Games 28, năm 2015. Cuộc đấu ở nội dung nam cũng gay cấn không kém với sự góp mặt của những VĐV chạy đường dài hàng đầu quốc gia như Phạm Tiến Sản (nhà vô địch 3.000m vượt chướng ngại vật quốc gia, HCB SEA Games 28; vừa đoạt HCB Đại hội Thể thao bãi biển Châu Á 2016), Đỗ Quốc Luật, Bùi Thế Anh (Bộ đội Biên phòng)...

Đội điền kinh nam Hà Nội đưa dàn VĐV trẻ tham dự nhưng vẫn đủ sức gây bất ngờ, bởi trong số này có VĐV Trần Văn Đảng - nhà vô địch 800m nam tại Giải Điền kinh trẻ quốc gia 2016, và một số VĐV khác vừa đăng quang ở nội dung 4x800m tại giải này. Ông Lại Phúc Lộc, Chủ nhiệm CLB Điền kinh Hà Nội cho biết, các cuộc đấu năm nay sẽ giúp ích rất nhiều cho VĐV Hà Nội trước khi họ chuẩn bị tranh tài tại Giải
vô địch Điền kinh quốc gia 2016 - cũng diễn ra trong tháng 10 tại Hà Nội...

Cuộc tranh tài quanh Hồ Gươm huyền thoại sáng 9-10 này vì thế hứa hẹn sự kịch tính cao độ, thể hiện sự lớn mạnh về cả chất và lượng của một giải đấu có truyền thống, quy mô lớn bậc nhất Việt Nam. Nó cũng cho thấy Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng lần thứ 43 - Vì hòa bình năm 2016 vẫn đang góp phần tích cực vào việc thúc đẩy phong trào tập luyện TDTT, nâng cao chất lượng sống của người dân.

* Bà Mai Thị Hòa, Phó Trưởng chi nhánh Hà Nội của Công ty TNHH Dược phẩm Hisamitsu Việt Nam: “Thông qua việc tài trợ cho giải chạy, chúng tôi mong muốn nỗ lực không ngừng cống hiến cho việc chăm sóc sức khỏe của người dân Việt Nam nói chung và các VĐV thể thao nói riêng”.
* Về y tế, sẽ có 1 tổ trực gồm 2 bác sĩ, 3 y tá, 1 xe cấp cứu được bố trí tại khu vực diễn ra cuộc thi chung kết. Ngoài ra, BTC bố trí 10 nhà vệ sinh lưu động. Lực lượng công an, trật tự sẽ thực hiện kế hoạch phân luồng giao thông nhằm bảo đảm an ninh trật tự trong suốt quá trình diễn ra cuộc thi chung kết.



(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đợi chờ màn so tài hấp dẫn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.