(HNM) - Sau nhiều năm liên tiếp cắt giảm do khó khăn về kinh tế, nội các của Thủ tướng Anh David Cameron vừa quyết
Anh sẽ trang bị thêm 2 phi đội máy bay chiến đấu Typhoon để đối phó với các tổ chức khủng bố. |
Với 178 tỷ bảng Anh, chi tiêu quốc phòng của xứ Sương mù trong thập kỷ tới đã tăng 12 tỷ bảng so với dự trù ban đầu. Trong đó, việc mua sắm vũ khí, thiết bị chống đe dọa khủng bố (thay 4 tàu ngầm hạt nhân Trident, mua 9 máy bay tuần tra hàng hải Boeing P8, bổ sung 2 phi đội máy bay chiến đấu Typhoon và mua thêm 24 tiêm kích F35 mới vào năm 2023, thành lập hai lữ đoàn đặc nhiệm mới...) là ưu tiên hàng đầu. Hành động của London không chỉ là phản ứng sau loạt vụ tấn công ở Paris, bởi năng lực quốc phòng của Anh sẽ được cải thiện rõ sau vài năm nữa. Nói cách khác, 178 tỷ bảng là khoản đầu tư dài hạn nhằm bảo đảm an ninh của Vương quốc Anh.
Song song với kế hoạch tăng sức mạnh quốc phòng và an ninh, Thủ tướng D.Cameron cũng đang thúc đẩy Quốc hội để Anh tham gia không kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria. Lâu nay, người đứng đầu nội các Anh vẫn theo đuổi kế hoạch không kích tại Syria, nhưng chưa được Quốc hội Anh phê duyệt. Trước các vụ khủng bố nổ ra ở Paris, quân đội Anh đã tham gia chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu nhằm vào IS tại Iraq vào năm 2014; song, Quốc hội nước này cho rằng chưa cần thiết phải mở rộng không kích sang Syria. Theo các nghị sĩ Anh, các vụ không kích chưa thể thực hiện cho đến khi nội các có "một chiến lược quốc tế thống nhất" để đánh bại IS và chấm dứt nội chiến ở Syria.
Tuy nhiên, ngay sau vụ khủng bố đẫm máu tại Paris, các phần tử ủng hộ IS đã gửi thông điệp đe dọa rằng London sẽ là mục tiêu tiếp theo. Trong khi đó, người đứng đầu Cơ quan tình báo nội địa Anh (MI5) Andrew Parker cũng lên tiếng cảnh báo, quốc gia này đang đối mặt với các mối đe dọa khủng bố ngày càng cao. Theo Giám đốc MI5, hiện mối đe dọa từ IS và các phần tử liên quan ngay trong lòng nước Anh đang ở mức cao nhất trong hơn 30 năm qua. Trong bối cảnh như thế, Anh buộc phải đối phó. Và đây là một trong những lý do để Thủ tướng D.Cameron thuyết phục Quốc hội về kế hoạch không kích. Theo giới chức quân sự Anh, Syria là cứ địa chính của IS, nơi tập trung các cơ quan đầu não của tổ chức khủng bố này; đồng thời là nơi IS phát lệnh tấn công đến các phần tử khủng bố quốc tế ngoài Syria.
Trong một "bước đi" chưa từng có, ông chủ số 10 phố Downing đã đề nghị Đại hội đồng Liên hợp quốc để Tổng thống Bashar al Assad tiếp tục nắm quyền trong chính phủ chuyển tiếp ở Syria trong nỗ lực hình thành liên minh với Nga để đánh bại phiến quân IS. Thủ tướng Anh hy vọng đề xuất mới của London sẽ kết thúc 4 năm nội chiến tại Syria; đồng thời giải quyết các tổ chức khủng bố, đặc biệt là IS có hàng trăm binh sĩ đến từ Anh. Hiện tại, khi một nửa đất nước Syria đang nằm trong tầm kiểm soát của IS, người đứng đầu nội các Anh nhận thấy rằng ưu tiên hàng đầu hiện nay là phải đánh bại IS; sau đó mới là thay đổi nhà cầm quyền ở Syria. Rõ ràng, bạo lực leo thang và tầm hoạt động của IS đang điều chỉnh thái độ của các cường quốc và giữa các cường quốc, qua đó tác động tới cục diện chính trị quốc tế hiện nay.
Mới đây nhất, Anh đã đề nghị cho Pháp sử dụng căn cứ không quân Akrotiri của Anh ở Cyprus để tấn công IS. Xứ sở Sương mù đang thể hiện mối quan tâm ngày một mạnh mẽ hơn với các đồng minh như Pháp và Mỹ trong cuộc chiến chống IS. Sự kiện Vương quốc Anh "dốc túi" trong lúc kinh tế đất nước còn khó khăn cũng như ngày càng có nhiều quốc gia tham gia liên minh chống IS cho thấy cộng đồng quốc tế đã sẵn sàng nhằm loại bỏ chủ nghĩa khủng bố đã và đang reo rắc kinh hoàng trên khắp các châu lục.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.