(HNMCT) - Độc giả Việt Nam ưa thích thể loại truyện lịch sử diễn nghĩa hẳn đã từng đọc bộ sách về cuộc chiến Hán Sở dưới cái tên như Tây Hán thông tục diễn nghĩa, Tây Hán chí, Tây Hớn diễn nghĩa hay Hán Sở tranh hùng.
Đây là những bộ sách được các dịch giả Nguyễn Chánh Sắt, La Thần, Thanh Phong, Mộng Bình Sơn giới thiệu qua các bản lược dịch, dịch phóng tác, hoặc dịch không đầy đủ, thay đổi kết cấu theo điều kiện về xuất bản, quan điểm dịch thuật và thói quen của người đọc Việt Nam bấy giờ. Ngày nay, khi có thể tiếp cận với các bản sách gốc, câu chuyện về thời Hán Sở này lại một lần nữa đến với bạn đọc Việt Nam qua bản dịch Hán Sở diễn nghĩa đầy đủ 101 hồi bám sát theo nguyên tác, đáp ứng nhu cầu của những bạn đọc muốn được tiếp cận tác phẩm một cách toàn vẹn, chuẩn xác và đầy đủ nhất.
Lấy tên Hán Sở diễn nghĩa, theo dịch giả Châu Hải Đường, ấy là thể hiện được đây là một trong những tác phẩm tiêu biểu của dòng văn “diễn nghĩa” và tên truyện bám sát nội dung là được viết chủ yếu về thời Hán Sở. Kể một câu chuyện trải dài bắt đầu từ khi nhà Tần sụp đổ cho đến cuộc tranh hùng giữa hai thế lực Hán và Sở, nhưng tác giả Chung Sơn cư sĩ Chân Vĩ lại không chỉ đơn thuần nói sử, diễn sử. Đúng hơn, ông dùng sử làm chất liệu để tạo ra một áng văn “diễn nghĩa” nhằm “bổ sung vào những chỗ còn thiếu trong sách sử”, khiến cho câu chuyện được “lược lại cho rành mạch, khảo sử cho rộng nghĩa”, khiến cho cái mạnh yếu của nhân vật, vận hưng vong của Hán, Sở chỉ cần mở sách ra là “có thể thấy tất thảy trước mắt”.
Hán Sở diễn nghĩa, bởi thế là một cuốn sách hấp dẫn. Tác phẩm khắc họa rõ nét những tuyến nhân vật đặc sắc. Đó là cái tài của người làm tướng quyết thắng ngoài nghìn dặm, là cái trung của kẻ làm tôi hy sinh cứu chúa, cái dũng của tướng sĩ công thành hạ địch, cái mưu của kẻ sĩ quy phục chư hầu.
Bất cứ cuộc cách mạng nào cũng có thành có bại, cuộc tranh đấu nào cũng có được có mất, Hán Sở diễn nghĩa không chỉ mang đến cho bạn đọc góc nhìn về những anh hùng, những mưu mô, tranh đấu mà còn là những câu chuyện khắc họa nhân sinh. Nhân vật trong Hán Sở diễn nghĩa không phải là những chân dung khô khan của sử liệu mà được “thổi hồn” qua từng lát cắt đậm nét và phong phú, khiến nhân vật được khoác thêm một diện mạo mới, gai góc và đa chiều hơn. Đặc biệt nhất phải kể đến hình ảnh của Hạng Vũ. Đằng sau một Hạng Vũ một người địch muôn người đầy oai hùng là một “Bá vương biệt Cơ” đầy bi tráng trong mối tình thâm sâu, trong nỗi đau mất nước, mất người thân.
Sức hút của Hán Sở diễn nghĩa ở chỗ, đã “dựa theo chuyện sử, tái hiện thành văn; thiên theo thuật, kể, mạnh về cốt truyện; hành văn rõ ràng, phổ thông dễ hiểu”. Tôn trọng tính xác thực lịch sử, xong tác giả cũng chú trọng sự hư cấu trong nghệ thuật viết tiểu thuyết, bởi thế Hán Sở diễn nghĩa tuy gần với chính sử nhưng lại mang hồn cốt của một trước tác văn học với sự vận dụng nhiều loại hình cổ văn như chiếu, thư, chúc văn, thơ ca, bài hát...
Dưới ngòi bút của Chung Sơn cư sĩ Chân Vĩ, Hán Sở diễn nghĩa được coi là tác phẩm đã đạt đến độ “trong văn có sử”, văn và sử nhuần nhuyễn, hòa quyện sống động tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm. Ở ấn bản Hán Sở diễn nghĩa do Đông A Books và NXB Văn học liên kết xuất bản này, ngoài giới thiệu đầy đủ 101 hồi theo đúng kết cấu của nguyên tác, tác phẩm còn kèm bản đồ Hán - Sở phân tranh và nhiều tranh minh họa sinh động giúp bạn đọc thêm hiểu về tác phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.