Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đọc sách “300 trăm bài thơ Việt chữ Hán”

THANHNGA| 26/04/2004 17:42

Cách đây cả trăm năm, trong Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ (1768-1839) từng viết:

Cách đây cả trăm năm, trong Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ (1768-1839) từng viết: "Nói đến thơ là nói đến văn và khí. Văn ở đây là hình thức, phương cách biểu đạt. Còn khí tức là khí chất, bản ngã của tác giả. Ngoài ra, ông còn đặc biệt nhấn mạnh chất cổ văn và chất tân văn trong thơ". Theo nhận thức của thời Phạm Đình Hổ, cổ văn và tân văn không có nghĩa là văn cũ hoặc văn mới theo cách hiểu bây giờ, mà là hơi hướng truyền thống (cổ văn) và hơi hướng thời đang sống (tân văn). Thơ, về mặt quan niệm, đã được người xưa đóng khung một cách chu diên và mực thước.

Từ những xuất phát ấy, các nhà thơ, đặc biệt là các nhà thơ làm thơ bằng chữ Hán người Việt, đã sống, viết và để lại cho hậu thế nhiều áng thơ bất hủ.

Điều này cũng trùng với quan điểm của nhà thơ Ngô văn Phú trong vai trò biên soạn, tuyển và dịch khi cho xuất bản cuốn sách: 300 bài thơ Việt chữ Hán. Trong lời nói đầu, Ngô văn Phú viết: "Thơ chữ Hán trong văn học Việt Nam có một vị trí quan trọng. Chữ Hán từng được dùng như chữ phổ thông trong mọi công việc, trong học hành, thi cử. Thi hương thi hội xưa, đều có thi thơ chữ Hán. Thơ chữ Hán Việt Nam thành tựu rất lớn, thời gian xuyên suốt hơn một thiên niên kỷ. Suốt trên mười thế kỷ, từng thời kỳ, thơ chữ Hán của nước ta đều có nền có đỉnh, có đặc điểm chung và những nét riêng biệt cho cả một nền thơ và cho từng thi nhân".

300 bài thơ Việt chữ Hán do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2003, được khởi đầu từ quốc sư nhà Lý Ngô Chân Lưu (959-1011) và tạm khép lại bằng thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969).

Trong thế kỷ 10, thế kỷ 11 (thời Lý), nổi bật lên là những áng thơ mang đậm chất thiền của Vạn Hạnh (?-1018) và Mãn Giác (1051-1096). Vạn Hạnh họ Nguyễn, không lưu lại tên, người làng Cổ Pháp (nay là Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh). Ông xuất gia từ năm 12 tuổi, trước giúp Lê Đại Hành, sau lại giúp Lý Thái Tổ trong bang giao chính sự. Bảo học trò là bài thơ đáng nhớ của ông: Đời như chớp bóng, có rồi không/ Muôn vật xuân tươi, thu héo cong/ Ngẫm vận thịnh suy đừng sợ hãi/ Thịnh suy sương sớm cỏ mềm vương. Mãn Giác là Lý Trường, con Lý Hoài Tổ, người làng An Cách. Thuở nhỏ, ông được vào hầu thái tử Càn Đức (sau này là Lý Nhân Tông). Khi Càn Đức lên ngôi, ông được phong là Hoài Tín trưởng lão, trụ trì chùa Giác Nguyên trong cung, gần điện Cảnh Hưng. Mãn Giác thiền sư là đệ tử đặt hiệu cho sau khi ông mất. Răn gấp mọi người là áng thơ để đời của ông: Xuân đi trăm hoa rụng/ Xuân đến trăm hoa nở/ Sự việc đuổi theo nhau trước mắt/ Cái già từ mái đầu mà tới/ Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Trước sân đêm trước một nhành mai.

Từ thời Lý sang thời Trần, ta bắt gặp chất khẩu khí hào sảng của các bậc vương giả. Đó là lời tuyên ngôn đọc lập trong Sông núi nước Nam của Lý Thường Kiệt (1019-1105): Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rõ ràng phân định bởi sách trời/ Cớ sao quân giặc dám xâm phạm/ Chúng bay sẽ thất bại tơi bời. Đó là hùng khí Đông A qua áng thơ Phò giá về kinh đô của Trần Quang Khải (1248-1294):
Chương Dương cướp giáo giặc/ Hàm Tử bắt quân thù/ Thái bình nên gắng sức/ Non nước ấy nghìn thu. Hay trong áng thơ Nỗi lòng của Phạm Ngũ Lão (1255- 1320): Múa giáo non sông trải mấy thu/ Ba quân khí thế át sao Ngưu/ Công danh, thời trẻ, chưa xong nợ/ Luống thẹn khi nghe chuyện Vũ Hầu.

Sau Phạm Ngũ Lão là nhiều áng thơ của những tác giả tên tuổi: Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu, Phạm Sư Mạnh, Chu văn An, Đặng Dung, Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Phạm Đình Hổ, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến... Mỗi người mỗi giọng điệu, mỗi phong cách. Trong đó, chất hào phóng, khoáng đạt, đã làm nên cái tôi mạnh mẽ của Cao Bá Quát. Ngoài áng thơ lạ lùng Sa đoản hành ca ( Bài ca ngắn đi trên bãi cát) là áng thơ khác lạ Dục Bàn Thạch kính (Tắm ở khe Bàn Thạch): Sáng đứng đỉnh đèo Ngang/ Chiều tắm hẻm Bàn Thạch/ Hai mảnh đá trong tay/ Núi chưa đầy hai vốc.

Phần cuối tập thơ được khép lại bằng một kết thúc có hậu qua các bài thơ: Nhật ký trong tù, Trung thu, Học đánh cờ. Lên núi, Rằm tháng giêng, Không đề, Đêm thu, Dưới trăng của Chủ tịch, nhà thơ Hồ Chí Minh. An nhiên, tự tại và lãng mạn cách mạng là thần thái trong thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và những nét đặc trưng ấy đã tạo ra dư ba trong lòng người qua Rằm tháng giêng:

Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

Đặng Huy Giang 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đọc sách “300 trăm bài thơ Việt chữ Hán”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.