Chính trị

Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - Mục tiêu duy nhất đúng (*)

PGS.TS.NGƯT Lê Quang Phi 03/01/2024 - 07:28

Trong cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng lý luận hiện nay, vấn đề độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam luôn là một trong những nội dung mà các thế lực thù địch, phản động ra sức công kích, chống phá. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh rằng: Sự lựa chọn mục tiêu giành độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội là tất yếu khách quan, hoàn toàn phù hợp với sự vận động, phát triển của cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại mới.

hoi-thao.jpg
Hội thảo quốc gia “Kinh tế Việt Nam qua 50 năm thống nhất xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” do Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức. Ảnh: TTXVN

Khẳng định con đường đúng đắn

Các thế lực thù địch, phản động cho rằng, con đường chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta lựa chọn là “mù mờ”, quá “hấp tấp”, “vội vàng”, giá như cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, lúc đó Việt Nam đi theo con đường “khác” biết đâu vẫn giành được độc lập, phát triển phồn vinh, đỡ hao tổn xương máu trong mấy cuộc chiến trường kỳ.

Đảng và nhân dân Việt Nam không thể chấp nhận cái gọi là luận thuyết “chọn sai đường”, “giá như…”, hay sự lựa chọn đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta “quá vội vàng”, “hấp tấp” mà các thế lực thù địch, phản động luận bàn. Bởi vấn đề ở đây là do sự quyết định khách quan của lịch sử cách mạng Việt Nam.

Vấn đề độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã được Đảng ta khẳng định. Cương lĩnh năm 1991, sau đó Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 đều chỉ rõ: “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc”.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng coi đây là quan điểm chỉ đạo để thực hiện đường lối đổi mới đi vào chiều sâu: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Như vậy, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, ngọn cờ soi sáng cho toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam, vấn đề chủ đạo nhất trong quá trình lãnh đạo của Đảng, một trong những nguyên nhân quyết định thắng lợi của cách mạng; đây cũng là vấn đề lý luận cách mạng - khoa học được Đảng ta tổng kết rút ra từ thực tiễn, không thể phủ nhận.

Vượt qua tầm nhìn hạn chế của phong trào yêu nước đương thời, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, như “cẩm nang thần kỳ” để cứu nước, cứu dân, giải phóng dân tộc. Như Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: Đó là một cuộc gặp gỡ đẹp như hẹn trước, đã chung đúc nên tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại mới. Bằng phương pháp truyền bá sáng tạo, Người đã đưa chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp chặt chẽ với phong trào công nhân, phong trào yêu nước Việt Nam, đưa đến sự kiện lịch sử trọng đại: Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là mốc son chói lọi đánh dấu sự kết hợp giữa yếu tố dân tộc và giai cấp, quốc gia và quốc tế, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong bản chất cách mạng của Đảng ta.

Mới ra đời, Chính cương, Sách lược vắn tắt do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khởi thảo đã chỉ rõ: “Chủ trương làm tư sản dân quyền và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”, sau đó Luận cương Chính trị tháng 10-1930, chủ trương: “Sau khi cách mạng tư sản dân quyền giành thắng lợi sẽ phát triển bỏ qua thời kỳ tư bản chủ nghĩa đấu tranh thẳng lên chủ nghĩa xã hội”. Như vậy, ngay từ đầu Đảng ta đã khẳng định mục tiêu, con đường phát triển của cách mạng Việt Nam rất rõ ràng, không trở lại chế độ phong kiến và không thể theo tư bản chủ nghĩa; duy nhất sau khi giành độc lập dân tộc sẽ đi lên chủ nghĩa xã hội.

Sự lựa chọn mục tiêu giành độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội của Đảng, về logic là tất yếu khách quan, hoàn toàn phù hợp với sự vận động, phát triển của cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại mới, nhu cầu, nguyện vọng cháy bỏng của nhân dân ta.

Rõ ràng, đây không phải là sự lựa chọn “ngẫu hứng”, hay “vội vàng”, mà các thế lực thù địch, phản động đã vu khống, xuyên tạc, đó là kết quả quá trình tư duy đúng đắn của Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, dựa trên cơ sở lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và khảo cứu thực tiễn cách mạng trên thế giới, trước hết là cách mạng tư sản Pháp, cách mạng tư sản Mỹ và cách mạng vô sản Nga.

Với đường lối và sự lựa chọn mục tiêu đúng, nên ngay từ đầu Đảng ta đã tập hợp được lực lượng nhân dân rộng rãi, tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945, giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1954 và cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược năm 1975, đưa cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đúng như mục tiêu, con đường đã lựa chọn.

Từ năm 1976 đến năm 1985, Đảng và nhân dân ta xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện: Nền kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, văn hóa, xã hội nhiều mặt lạc hậu, các thế lực đế quốc tiếp tục bao vây, cấm vận; hậu quả chiến tranh xâm lược để lại nặng nề chưa kịp khắc phục, thì cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Tây Nam và biên giới phía Bắc lại diễn ra. Với ý chí, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nền độc lập dân tộc tiếp tục được giữ vững, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đạt được những thành tựu nhất định.

Song trong thời gian này, Đảng ta đã phạm một số sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện, đời sống của nhân dân gặp khó khăn. Với bản lĩnh chính trị, tinh thần cộng sản, Đảng ta không che giấu khuyết điểm, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, đổi mới để tiến lên.

Đại hội lần thứ VI của Đảng (12-1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, đồng bộ, đưa đất nước lên chủ nghĩa xã hội. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 (3-1989) đã đề ra 6 nguyên tắc cơ bản giữ vững định hướng trong quá trình đổi mới: “Xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa là mục tiêu, là lý tưởng của Đảng và nhân dân ta. Đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa”.

Đường lối Đại hội VI và chủ trương Nghị quyết Trung ương 6 khóa VI của Đảng là mốc lịch sử quan trọng, góp phần củng cố, giữ vững niềm tin trong xã hội và định hướng đúng cho con đường xây dựng, phát triển của đất nước, trước sự tác động từ bên ngoài và sự chống phá của kẻ thù. Tổng kết 30 năm đổi mới (1986-2016) đánh giá: Đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Kiên định các nguyên tắc, nhạy bén trong chỉ đạo chiến lược

Những năm gần đây, mặc dù bị tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và nhiều yếu tố khó khăn khác, song Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao. Quy mô GDP nước ta không ngừng mở rộng, năm 2020, đạt 342,7 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trong khối ASEAN.

Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2020, đạt trên 540 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt 100 tỷ USD năm 2020. Đầu tư nước ngoài tăng nhanh, đạt 395 tỷ USD cuối năm 2020.

Thực tiễn, 94 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, hoàn thành giải phóng dân tộc, đưa nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã phát huy sức mạnh trong nước với sức mạnh ngoài nước, sức mạnh quốc gia với quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quá trình đó, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, kiên định các nguyên tắc đổi mới, song nhạy bén trong chỉ đạo chiến lược.

Bởi vậy, gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, với những thắng lợi to lớn, toàn diện, làm cho “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, tạo ra những tiền đề quan trọng để Đảng và nhân dân ta giữ vững nền độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tin tưởng rằng: “Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội, vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử”. Với xu thế chung ấy, độc lập dân tộc ở nước ta nhất định được giữ vững, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam nhất định thành công rực rỡ.

______

(*) Bài đoạt giải Nhì cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ ba năm 2023 của thành phố Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - Mục tiêu duy nhất đúng (*)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.