Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Đọc" kịch trên đài phát thanh

ANHTHU| 20/08/2007 08:36

(HNM) - Lướt qua “tít” bài chắc hẳn không ít người ngạc nhiên. Kịch là phải diễn chứ ai lại đọc bao giờ. Khó tin nhưng đó là sự thật, là chuyện thường ngày… trên sóng!

Đài Tiếng nói Việt Nam hơn 50 năm nay có chương trình “Đọc chuyện đêm khuya” quyến rũ thính giả. Cứ đến 10 giờ đêm là bật máy thu thanh để ngay đầu giường nghe 30 phút truyện ngắn. Có khi là một tiểu thuyết nổi tiếng được đọc từng hồi, từng chương; đêm sau, cũng vào 10 giờ, lại bật đài nghe tiếp. Chỉ một giọng đọc của phát thanh viên, vừa làm vai trò dẫn chuyện, vừa đóng nhiều vai trong thiên truyện, chân thực, đầy cảm xúc, dẫn dụ người nghe đến những chân trời tưởng tượng, mộng mơ, thổn thức… Đấy là sức mạnh riêng biệt của “Đọc chuyện đêm khuya”. ấy thế mà có “người”, không hiểu vô tình hay hữu ý cứ hay “lấn sân” vô duyên. “Người” ấy là Kịch truyền thanh, người anh em chung một làn sóng của chuyên mục vừa kể trên.

Kịch truyền thanh giờ đây không chỉ có trên Đài TNVN. Đã từ rất lâu, nó thành chuyên mục trên làn sóng phát thanh nhiều địa phương, phổ biến hơn cả là hệ thống đài tỉnh, thành phố. Mà không riêng chương trình văn nghệ, ngay các chuyên đề, chuyên mục - như nông nghiệp, công nghiệp, thanh niên, thiếu nhi, pháp luật và đời sống, đại gia đình các dân tộc anh em… đều sử dụng loại hình này với cái tên thường dùng “Câu chuyện truyền thanh”, “biến thể” là “Câu chuyện bên sàn”, “Câu chuyện bên bếp lửa”, “Trên bờ, dưới ruộng”….Về diễn xuất thì có đài, do kinh phí hạn hẹp nên thường làm theo cung cách “cây nhà lá vườn”, sử dụng lực lượng tại chỗ là đội ngũ biên tập viên, phát thanh viên đưa chuyện lên sóng. Họ diễn tự nhiên, hồn hậu. Những đài có thâm niên làm kịch truyền thanh thì có hẳn một - hai biên tập viên văn nghệ chuyên trách, lại có nguồn thù lao khả dĩ nên thường mời được nghệ sĩ ở các đoàn văn công địa phương cộng tác, diễn có nghề hơn, mau mắn hơn.

Không thể phủ nhận hiệu quả của Kịch truyền thanh, Câu chuyện truyền thanh - thể loại báo chí phát thanh rất đặc trưng, vừa cuốn theo “quỹ đạo tuyên truyền” trên sóng, vừa hàm chứa chất văn, chất nghệ. Chính vì thế chương trình có sức hấp dẫn thính giả lạ kỳ. Chuyện là những câu chuyện có thật trong đời sống nhưng đã được “hư cấu” nên có tính khái quát cao, nhân vật cũng “như thực”, làm cảm động lòng người. Do đặc trưng này nên diễn xuất Kịch truyền thanh đòi hỏi phải có tính nghệ thuật cao, nhất là tính biểu cảm và sự chân thực khi thể hiện tâm lý nhân vật. Người thể hiện phải thể hiện được những tố chất cần có ấy trong studio, chỉ bằng phương tiện duy nhất là tiếng nói - bằng ngữ điệu, giọng điệu, khẩu điệu… trước “bạn diễn” lạnh lùng mà vô cùng nhạy cảm là… micrô. Mà phải biểu đạt bằng được “hồn vía” nhân vật - từ tính cách, tâm trạng, thân phận, những cung bậc tình cảm - trong những bối cảnh cụ thể khiến người nghe bị cuốn hút, xáo động tâm can. Vậy nên bất kỳ ai, khi vào phòng máy với tư cách là diễn viên kịch truyền thanh, cần ý thức là phải diễn. Diễn, chứ không phải đọc kịch bản một cách hời hợt, cho qua mau, cho nó xong, bất chấp sai từ, sai chính tả, sai văn phạm, sai cả ý nghĩa lời kịch.

Phát thanh viên trước khi thể hiện chương trình “Đọc chuyện đêm khuya” thường dành thời gian 30 đến 40 phút nghiên cứu văn bản, rồi vừa lẩm nhẩm đọc vừa lấy bút chì đánh dấu trọng âm trong từng mệnh đề, những từ luyến láy, những câu nhấn mạnh, chỗ ngưng nghỉ, đoạn nào ngắt hơi, nơi nào lên giọng, đâu là dẫn chuyện, đâu là lời nhân vật, đâu là đối thoại… Thế hệ phát thanh viên Đài TNVN, lớp trước như NSND Tuyết Mai, NSND Việt Khoa, NSƯT Việt Hà, sau này là Kim Cúc, Hoàng Yến, Hà Phương, Việt Hùng… đều làm thế trước khi vào phòng máy (điều hiếm thấy ở các nghệ sĩ tới đài cộng tác diễn kịch truyền thanh). Mới hiểu vì sao buổi “ Đọc chuyện đêm khuya”, theo điều tra xã hội học, luôn có tới 97% thính giả dõi nghe. Mà đâu chỉ vùng nông thôn, vùng xa vùng sâu, ngay người thành phố cũng mê mải với “Đọc chuyện đêm khuya” đấy chứ.

Tại sao Kịch truyền thanh không thể hấp dẫn như “Đọc chuyện đêm khuya”? Có nhiều lý do, nhưng theo thiển ý của chúng tôi, chủ yếu là vì phát thanh viên đã không “kịch hóa” giọng mình mà chỉ… đọc cho thính giả nghe một cách thuần túy. Còn những người tham gia kịch bản truyền thanh, đáng lẽ phải diễn xuất là chủ yếu thì lại đọc kịch bản, đọc tuồn tuột cái vỏ ngôn từ vốn dĩ không hề có thần thái. “Đọc cho xong” (chứ không phải diễn), khẩu ngữ quen thuộc của diễn viên, cùng cách làm việc tùy tiện, tùy hứng dẫn đến sự phản cảm nơi người nghe, giảm thiểu rất nhiều đến hiệu quả của kịch truyền thanh. Lỗi này do ai, do biên tập, diễn viên hay đạo diễn? Chẳng lẽ đành buông xuôi ?

Trách nhiệm này không của riêng ai. Bao giờ mới hết cái sự “đọc kịch trên đài phát thanh” ?

NSƯT Vũ Hà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Đọc" kịch trên đài phát thanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.