Theo dõi Báo Hànộimới trên

Độc đáo Lễ rước kiệu Thánh hồi đình Tường Phiêu

Nguyễn Mai| 04/02/2023 23:47

(HNMO) - Nằm trong Lễ hội truyền thống đình Tường Phiêu (còn gọi là đình Cả), xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, Hà Nội, tối 4-2 (tức 14 tháng Giêng năm Quý Mão), Lễ rước kiệu Thánh hồi đình Tường Phiêu diễn ra với màn rước vô cùng độc đáo, thu hút hàng nghìn người dân tham gia.

Các thanh niên tham gia rước kiệu chuẩn bị trang phục chỉnh tề trước giờ khai hội.

Theo các cụ trong làng truyền lại, tục rước kiệu đêm của làng Tường Phiêu xuất phát từ truyền thuyết về Thánh Tản: Trong một lần ngự giá vi hành tới miền Ngô Sơn, mải mê với việc dạy dân đánh cá và tìm cách trị thủy, Ngài và đoàn tùy tùng đã trở về núi vào ban đêm khá muộn. Khi lưu luyến tiễn Ngài và đoàn tùy tùng, dân làng đã dùng cây khô làm đuốc để soi đường và để chiêm ngưỡng đức Thánh được lâu hơn.

Để tưởng nhớ và lưu lại muôn đời cho con cháu về cảnh tiễn đưa hoành tráng và đầy lưu luyến của dân làng đối với đức Thánh khi về núi, vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, dân làng Tường Phiêu đã tổ chức lễ hội rước Tam vị Thánh Tản và Thành Hoàng làng từ đình Cả lên đền Ngô Sơn (đền Ngo) để các ngài thăm lại chốn thờ tự xưa và đức Thánh thăm lại nơi đã tuần du và giúp dân làng đánh cá, trị thủy.

Lễ rước kiệu Thánh hồi đình Tường Phiêu - một lễ hội đặc sắc của vùng đất xứ Đoài trong ngày xuân.

Cây đuốc lớn (còn được gọi là đình liệu) được thắp sáng ở Lễ rước kiệu Thánh hồi đình Tường Phiêu.

Ngọn đuốc sẽ cháy trong khoảng 3 giờ, vừa đủ thời gian để soi sáng cho đoàn rước kiệu Thánh về đình Cả.

Những bó đuốc năm xưa nay thể hiện bằng các cây đình liệu và đuốc rồng, được nhân dân chuẩn bị suốt cả năm để thắp sáng cả một vùng rộng lớn từ đền Ngo về đến đình Tường Phiêu. Phong tục rước kiệu Thánh về đêm được hình thành từ đó và duy trì cho đến ngày nay.

Tiếng chiêng, tiếng trống rộn ràng, cờ xí rợp trời, không khí lễ hội tưng bừng khắp đường làng ngõ xóm. Ông Hà Đăng Thự (làng Tường Phiêu) cho biết, trước hội vài tháng, dân làng chặt tre ngâm bùn để đợi ngày mang lên làm đuốc. Bốn cây đuốc lớn được làm theo hình chiếc đó đánh cá dựng ngược, bên trong là các thân cây tre lớn được ngâm bùn để khô, bên ngoài là tay tre. Giữa thân đuốc có nhiều cây tre bánh tẻ để khi cháy sẽ phát ra tiếng nổ, bung tàn như pháo hoa. Mỗi cây đuốc khổng lồ có chiều cao từ 9-13m, đường kính trên đỉnh cây đuốc khoảng 90cm.

Những bó đuốc rồng được các thanh niên vác trên vai di chuyển theo đoàn rước.

Hàng nghìn người dân địa phương đứng kín hai bên đường xem hội rước.

Càng gần tối, dòng người đổ về đền Ngô Sơn ngày càng đông; khắp đường làng, ngõ xóm đã đông nghịt người; tiếng trống, tiếng chiêng cùng tiếng hòa vang của đoàn rước, tất cả tạo nên bầu không khí thật linh thiêng, nhộn nhịp.

Khoảng 19h30 ngày 14 tháng Giêng, dân làng bắt đầu đốt đuốc, đồng thời rước kiệu thánh từ đền Ngo về đình làng. Thánh đi đến đâu thì đuốc cháy đến đó như soi đường cho Thánh đi. Trời tối đen nhưng với 4 cây đuốc lớn, cả một vùng trời được soi sáng. Người dân trong làng thích thú khi thấy cây đuốc bùng cháy, thi thoảng lại phát ra những tiếng nổ như pháo.

Giữa thân đuốc có nhiều cây tre bánh tẻ để khi cháy sẽ phát ra tiếng nổ, bung tàn như pháo hoa.

Người đi xem hội rước trải dài, đông vui. Ai cũng muốn lại gần, chui qua kiệu cầu lộc, cầu may mắn. Các đoàn trưởng điều hành rước đuốc đi sát các kiệu, đôn đốc nhắc nhở, tiếp đuốc bảo đảm an toàn trên đường rước...

Ông Nguyễn Như Quang (75 tuổi; thôn 4, làng Tường Phiêu) cho biết, hội rước 3 năm mới diễn ra một lần nên người dân nơi đây từ già, trẻ, lớn, bé đều khoác trên mình những bộ quần áo đẹp nhất để đi dự hội, để được chứng kiến không khí linh thiêng của lễ hội.

Theo Chủ tịch UBND xã Tích Giang Nguyễn Đức Chung, để chuẩn bị cho lễ hội, xã và Ban Quản lý di tích đình làng Tường Phiêu đã họp xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các thành viên rất cụ thể. Ngoài dân làng Tường Phiêu, còn có thêm người dân thôn Trung Hậu (xã Trung Sơn Trầm, thị xã Sơn Tây) tham gia lễ hội. Thôn Trung Hậu trước đây cũng có nguồn gốc từ xã Tích Giang, sau này khi thay đổi địa giới hành chính đã chuyển về xã Trung Sơn Trầm.

Lễ hội giúp cộng đồng dân cư thêm đoàn kết, gắn bó xây dựng quê hương.

Lễ hội là nét văn hóa độc đáo riêng có của cả vùng xứ Đoài. Qua lễ hội còn góp phần phát huy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo Lễ rước kiệu Thánh hồi đình Tường Phiêu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.