Theo GS. Đinh Văn Đức (ĐH Quốc Gia Hà Nội), yếu tố tạo nên sự độc đáo của làng cổ Đường Lâm chính là cây Đa, Cổng làng, sân Đình, giếng nước và những ngôi nhà cổ kính.
|
Cây đa và bến nước đậm chất làng Bắc Bộ. |
Lưu trữ nhiều nét văn hóa
Làng cổ Đường Lâm, xưa thuộc đất Kẻ Mía, thuộc vùng bán sơn địa, (phía Đông Bắc, thị xã Sơn Tây), lưng dựa vào núi Tản, mặt hướng về phía sông Hồng. Đây là vùng đất được bao bọc bởi các con sông Đà, sông Tích, là nơi lưu trữ nhiều di tích lịch sử, văn hóa.
Đến làng Đường Lâm, hình ảnh đầu tiên là cây đa to sừng sững nằm cạnh cổng làng. Hình ảnh này đã tồn tại từ nhiều đời nay, chứng kiến bao nỗi thăng trầm của ngôi làng này.
Làng Đường Lâm có đình Mông Phụ. Theo nhiều nghiên cứu, đình Mông Phụ được xây dựng vào thời kỳ Hậu Lê và đầu thời nhà Nguyễn. Năm 1858, thời Tự Đức, đình được sửa chữa lần thứ nhất, và đến nay vẫn giữ nguyên dạng kiến trúc, điêu khắc đầu thế kỷ XIX. Đình thờ Tản Viên Sơn Thánh (Sơn Tinh) - vị thần đứng đầu trong Tứ bất tử (Sơn Tinh, thánh mẫu Liễu Hạnh, Thánh Gióng và Chử Đồng Tử) của người Việt. Tản Viên Sơn Thánh cũng là Thành hoàng làng.
Đình được xây dựng ở vị trí đẹp nhất làng, trên một khu đất cao ráo, thoáng đãng, rộng khoảng 1.800 m2. Đình quay hướng tây nam, mang ý nghĩa đề cao đức Thành hoàng làng và hướng về cái đẹp, cái thiện trên nền tảng trí tuệ. Đình được xây dựng theo kiểu chữ Công gồm Nghi Môn, Tả Mạc, Hữu Mạc và Đại Đình. Đáng quan tâm nhất là kiến trúc của tòa Đại Đình, được dựng theo kiểu “ba gian hai chái”, sáu hàng chân cột đặt trên một nền đất thấp, trên có sàn bằng ván gỗ; xung quanh chỉ có lan can gỗ kiểu chấn song nên rất thông thoáng. Bộ khung đình được trạm khắc chủ yếu là các họa tiết rồng, lân, cá chép, chim, hoa lá...
Mái đình to, bè, hơi võng nhẹ, bờ nóc hơi cong; trên các góc mái được trang trí bởi các con vật thuộc hàng “tứ linh” như rồng, lân, phượng và hổ, với những vân xoắn lớn. Những họa tiết trang trí khiến cho mái đình, thân đình và dưới đất hợp thành một thể thống nhất.
Từ đình làng có 6 con đường toả đi 6 hướng để đến 9 làng khác nhau. Đường Lâm được hình thành bởi 9 làng, trong đó 5 làng là: Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề nhau, còn hai làng tách biệt là Phụ Khang và Văn Miếu. Các làng này gắn kết với nhau thành một thể thống nhất với phong tục, tập quán, và tín ngưỡng hàng ngàn năm nay không hề thay đổi.
|
Một góc đình Mông Phụ. |
Theo thống kê ba làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh có đến 800 ngôi nhà cổ truyền thống, được xây dựng chủ yếu bằng đá ong. Cột trụ và trần nhà thường được làm bằng gỗ xoan, ba gian giữa ngôi nhà được đặt bàn thờ cúng ông bà tổ tiên, có những ngôi nhà niên đại hơn trăm năm. Các ngôi nhà ở đây được làm theo kết cấu chữ Nhất, chữ Nhị, chữ Đinh và chữ Môn.
Luồn lách từ nhà này sang nhà khác, ta thấy nhà nào cũng một nét cổ kính và thâm nghiêm. Có những ngôi nhà được xây dựng từ những năm 1649, 1703, 1850…
Làng Đường Lâm có các ngõ khá rộng, chạy ngoằn nghèo, uốn lượn và thường được lát gạch ở phần giữa. Dọc 2 bên đường là tường hậu của các nhà dân xây bằng đá ong hay gạch mộc. Qua cổng làng lại đến các cổng thôn, qua cổng thôn lại vào đến cổng nhà.
Hệ thống cổng làng, cổng thôn và cổng nhà cũng được xây bằng gạch ong, một đặc trưng khác biệt của Đường Lâm.
Mảnh đất hai vua
Đường Lâm mảnh đất địa linh nhân kiệt đã sinh ra nhiều anh hùng như vua Ngô Quyền; Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, Thám hoa Giang Văn Minh; bà Man Thiện (mẹ của hai Bà Trưng); Khâm sai đại thần, Thám hoa Kiều Mậu Hãn... Do đó, Đường Lâm còn được gọi là đất hai vua - Ngô Quyền và Phùng Hưng.
|
Nhà cổ Đường Lâm |
Dừng chân tại khu chợ trung tâm của làng, nhìn ra giữa chợ là ngôi chùa Mía nổi tiếng cả nước về những giá trị văn hóa, lịch sử. Đối diện chùa Mía là đình thờ Đại Vương Phùng Hưng. Vua Phùng Hưng, đương thời ông được nhân dân suy tôn là Bố Cái Đại Vương. "Bố Cái" có nghĩa là "Cha Mẹ". Tuy nhiên còn có sách giải thích: Bố chính là vua còn cái nghĩa là lớn, như vậy Bố cái đại vương còn có nghĩa là vua lớn, đồng nghĩa với Đại Vương. Ngày nay cứ vào ngày mùng 8 tháng giêng âm lịch hàng năm, dân làng thường mở hội để tưởng nhớ đến công ơn Bố Cái Đại Vương.
Đền thờ vua Phùng Hưng tại làng Cam Lâm. Đền được cất trên một quả đồi hướng về một chiếc hồ lớn theo thế “nghênh phong, chiếu thủy” với tổng diện tích cả khuôn viên tới gần 5000m2. Từ đền Phùng Hưng, xuống phía lưng đồi là đền thờ vua Ngô Quyền. Vẫn những gò đồi là nơi tập trận của Ngô Quyền cách đây hơn nghìn năm…
Mới đây, Cục di sản Văn hóa và thị xã Sơn Tây đã phối hợp với chuyên gia nhiều nước, trong đó có tổ chức Jaica - Nhật Bản tham gia trùng tu, tu bổ các di tích tại làng cổ Đường Lâm. Nhiều dự án tu bổ, hỗ trợ kinh phí cho những hộ dân có nhu cầu xây nhà, mua đất ngoài vùng Di tích làng cổ Đường Lâm đang được các cơ quan chức năng hết sức quan tâm.