Tiếp thu tinh hoa nghệ thuật chế tác gốm thời Lý- Trần, sản phẩm gốm Chu Đậu (nay thuộc xã Thái Tân - Nam Sách - Hải Dương) từng nổi tiếng và phát triển rực rỡ trong thời gian từ thế kỷ XV đến XVII. Gốm Chu Đậu đẹp dáng, sáng men đã xuất sang 32 nước trên thế giới.
Tiếp thu tinh hoa nghệ thuật chế tác gốm thời Lý- Trần, sản phẩm gốm Chu Đậu (nay thuộc xã Thái Tân - Nam Sách - Hải Dương) từng nổi tiếng và phát triển rực rỡ trong thời gian từ thế kỷ XV đến XVII. Gốm Chu Đậu đẹpdáng, sángmen đã xuất sang 32 nước trên thế giới. Chiến tranh Trịnh- Mạc diễn ra ác liệt ở vùng Nam Sách, nghề gốm Chu Đậu thất truyền từ đó. Mãi đến năm 1983, người ta mới phát hiện ra làng gốm Chu Đậu. Từ năm 1986 đến nay đã có 637 đoàn khách đến thăm Chu Đậu, trong đó có 350 đoàn quốc tế, nhiều nhất là người các nước Nhật, Pháp, Ôxtrâylia, Mỹ.
Ngày 10- 6- 1980, ông Makoto Anabuki, cán bộ Ngoại giao Nhật Bản có gửi tới ông Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng một lá thư. Trong thư, ông cho biết tại bảo tàng ở Thổ Nhĩ Kỳ có lọ gốm hoa lam thế kỷ XV-XVI của Việt Nam. Những thông tin quý giá từ lá thư được ông M.Anabuki viết bằng tiếng Việt đã nhanh chóng giúp chúng ta chụp được hình chiếc bình gốm hoa lam đang lưu tại Bảo tàng Topkapi Saray (Istambul- Thổ Nhĩ Kỳ). Bình dáng hình củ tỏi, cao 54 cm, được trang trí hoa sen và cúc dây. Trên vai bình có ghi 13 chữ Hán “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi thị hý bút”, nghĩa là “Năm Thái Hòa thứ tám (1450), thợ gốm họ Bùi, người châu Nam Sách vẽ chơi”
Qua sử liệu và nghiên cứu điền dã, cán bộ Bảo tàng tỉnh Hải Hưng ngày ấy đã để tâm tới vùng ven sông Thái Bình ở phía Tây huyện Nam Sách. Tại đây, có một số địa danh và tên tuổi liên quan đến nghề gốm. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam còn lưu giữ một số bát hương, chân đèn do Đặng Huyền Thông -quê xã Hùng Thắng - làm vào thời Mạc Mậu Hợp. Phía Bắc xã Hùng Thắng là xã Đặng Xá, tộc phả họ Vương ở làng soạn vào thời Nguyễn ghi: “ở Đặng Xá huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách lấy nghề làm đồ gốm lập nghiệp. Cụ Vương Quốc Doanh là người có công làm hưng thịnh nghề gốm”.
Giữa Hùng Thắng và Đặng Xá là làng Chu Đậu. ở đấy, khi người dân đào đất đắp đê, thấy có nhiều mảnh sành. Đi trên đường làng, chỗ nào cũng thấy những mảnh gốm cổ. Ngoài cánh đồng làng còn một gò đất mang tên Đống Lò.
Từ ngày 23- 4- 1986 đến ngày 14- 3 – 1991, Bảo tàng tỉnh Hải Hưng đã tiến hành tại đây 5 đợt khai quật trên diện tích 140,5 m2. Trong đợt khai quật lần thứ ba, ngày 24-4-1989, đào 20 m2 tại vườn nhà ông Trần Văn Dâm, ở độ sâu 1,3 mét người ta tìm được hàng nghìn di vật: lọ cổ bồng, bát ba chân, bát men lam có hình chim...Trong đợt khai quật lần thứ 4 (ngày 12-1-1990) còn có sự phối hợp của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội do GS Trần Quốc Vượng dẫn đầu, và Trường ĐH Tổng hợp Adelaide (Ôxtrâylia) do GS-TS Peter Burns- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu gốm sứ Đông Nam á làm trưởng đoàn. Tại đây, các nhà khoa học tìm được nhiều sản phẩm và công cụ sản xuất đồ gốm như chén, bát, đĩa, hộp sứ, lọ, bình…
Di chỉ gốm Chu Đậu nằm rải trên diện tích 39.700 m2. Di vật đậm đặc nhất là ở xóm Bến. Phải chăng từ đây đã từng nhộn nhịp các thuyền buôn lớn vào ra để rồi đi Phố Hiến, Vân Đồn, đưa gốm Chu Đậu đến với thế giới? Một sự trùng hợp khá lý thú là trong khi đang khai quật di chỉ gốm Chu Đậu, người ta phát hiện một con thuyền chở đầy gốm bị đắm ở vùng biển Cù lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) và đưa lên mặt đất 40 vạn cổ vật, trong đó có 38 vạn cổ vật gốm Chu Đậu còn khá nguyên vẹn với trên 40 loại hình khác nhau. Gần đây, tỉnh Hải Dương đã nhận về 5624 cổ vật.
Dựa vào các cứ liệu vừa nêu, các nhà khoa học cho rằng từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVII ở châu Nam Sách đã từng có một làng gốm Chu Đậu. Các nghệ nhân tài hoa của Chu Đậu đã khai sinh một dòng gốm quý và đẹp của Việt Nam, từng được xuất sang 32 nước trên thế giới. Các hiện vật gốm Chu Đậu hiện còn lưu ở 46 bảo tàng trong và ngoài nước.
Gốm Chu Đậu kế thừa sự thanh thoát, uyển chuyển của gốm thời Lý, vóc dáng khoẻ khoắn của gốm Trần. Nghệ nhân Chu Đậu thổi vào tác phẩm hồn dân tộc, phản ánh sinh động thiên nhiên và cuộc sống của cư dân ở vùng châu thổ sông Hồng. Do tạo được nét riêng, gốm Chu Đậu được người chơi đồ cổ trên thế giới săn tìm. Một bình tỳ bà cao 28,5 cm được bán đấu giá ở Mỹ với giá 521.000 USD; một bình gốm hoa lam cao 54 cm ở Thổ Nhĩ Kỳ được mua bảo hiểm 1 triệu USD.
Với mong muốn khôi phục làng gốm Chu Đậu, Tổng công ty Thương mại Hà Nội đã có dự án xây dựng làng nghề Chu Đậu. Giai đoạn I đầu tư 24 tỷ đồng. Ngày 1- 10- 2001, Xí nghiệp Gốm Chu Đậu rộng 33.250 m2 với 20 nghệ nhân, 200 công nhânđã đi vào hoạt động. Lô hàng đầu tiên, gồm 8490 sản phẩm trị giá 20.000 USD, đã được xuất sang Tây Ban Nha. Sắp tới, xí nghiệp sẽ xây dựng khu sản xuất đồ gốm ở nhiệt độ thấp, có thể đốt bằng củi như cách làm của các nghệ nhân xưa.
Sau 4 thế kỷ bị mai một, làng gốm cổ Chu Đậu đã hồi sinh.
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.