Theo dõi Báo Hànộimới trên

Độc đáo đèn cổ Việt Nam

Minh Ngọc| 04/02/2013 06:39

(HNM) - Hơn 50 cây đèn cổ được giới thiệu tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia theo ba giai đoạn cho thấy được sự kỳ công của hoạt động sưu tập, trưng bày cũng như giá trị có một không hai của hiện vật.

Chân đèn đồng hình người quỳ (thời Văn hóa Đông Sơn) - một trong 30 bảo vật quốc gia.


Đại diện cho văn hóa thời sơ sử là chiếc đèn đồng hình người quỳ vừa được công nhận là bảo vật quốc gia do nhà khảo cổ học người Thụy Điển Olov Janse tìm thấy tại Lạch Trường, Thanh Hóa trong một ngôi mộ cổ. Cây đèn dạng tượng tròn hình người đàn ông mình trần, đóng khố, tư thế đang quỳ, hai tay nâng đĩa đèn. Tượng có khuôn mặt bầu, mắt mở to, miệng mỉm cười, đầu gắn vương miện, tóc để chỏm. Hai vai và sau tượng gắn ba chạc hình chữ S, mỗi chạc gắn một đĩa đèn và hình người tư thế quỳ. Trên đùi và đằng sau người đàn ông gắn tượng bốn nhạc công cũng ở tư thế quỳ, hai nhạc công đang thổi sáo…

Cùng với đèn kim loại, một lượng lớn đèn cổ tại triển lãm có cấu tạo bằng gốm. Chẳng hạn, cặp chân đèn gốm nâu trang trí hoa cúc thời nhà Mạc cao 70cm, được những người thợ Việt đúc thành hai phần riêng biệt, lắp khít vào nhau. Trong đó, phần phía dưới mang kiểu dáng hơi giống mai bình (bình cổ đựng hoa mai) thời Tống của Trung Hoa, nhưng lại có nhiều nét độc đáo với hình rồng màu lam được đắp nổi. Hơn thế, triển lãm còn có những chiếc đèn đặt làm riêng để cung tiến vào các đình, chùa, quán…


Theo ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, những cây đèn cổ trưng bày tại bảo tàng là những ẩn số thú vị về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, rất cần được giới nghiên cứu giải mã.

Ngay như cây đèn hình người quỳ dù đã được công nhận là bảo vật quốc gia nhưng vẫn còn những tranh luận trái chiều. Theo phân tích của Viện Viễn Đông Bác Cổ, "nhân vật" trong cây đèn có phần tóc mang dáng dấp của nghệ thuật Ấn Độ, vành khăn như biểu trưng của sự vương giả nếu xét theo góc độ văn hóa Địa Trung Hải, còn phần con mắt mở rộng, viền môi, ria mép mỏng lại giống với chi tiết miêu tả thường thấy trong các bộ tộc của Pakistan. Từ việc khảo sát hàng chục cây đèn cổ Đông Sơn, TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng khẳng định: "Bảo vật này mang đặc thù của văn hóa Đông Sơn giai đoạn cuối, không hề chịu ảnh hưởng từ bất kỳ yếu tố ngoại sinh nào vì ở giai đoạn này quan niệm về ánh sáng, vũ trụ, mặt trăng, mặt trời... được gắn liền với sự bất tử. Cây đèn được tìm thấy trong ngôi mộ cổ chứng tỏ đèn có vai trò như vật chỉ đường dẫn lối cho người chết trong cuộc du ngoạn ở thế giới bên kia". Ngược lại, dựa trên tư thế quỳ, nhiều chuyên gia cho rằng cây đèn mang tính tiếp biến văn hóa Việt - Hán đậm đặc, với thiết kế cách điệu theo hình ảnh một tù binh Hung Nô bị bắt và trở thành người hầu bê đèn...

Qua những chiếc đèn gốm cổ có minh văn (chữ viết được cách điệu) khắc kèm, các chuyên gia của Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã thống kê được họ tên của hơn 30 nghệ nhân làm đèn hoặc người đặt hàng. Chẳng hạn, cặp chân đèn làm năm Diên Thành 1579 có ghi tên người đặt hàng là Lê Thị Lộc, hoặc một cặp chân đèn làm năm Đoan Thái 1587 có ghi người đặt hàng là Đoan Quận công Mạc Ngọc Liễn và Phúc Thành công chúa. "Nếu đi sâu nghiên cứu, phân tích, rất có thể chúng ta sẽ có thêm những phát hiện thú vị về cuộc sống sinh hoạt, phong tục, tập quán của người xưa" - ông Nguyễn Văn Cường nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo đèn cổ Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.